Tạo bước đột phá đổi mới năng lực sư phạm
Ông Nguyễn Đức Hữu - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên là tất yếu. Hiện tại, chúng ta tăng chuẩn giáo viên tiểu học lên bậc cao đẳng, sắp tới sẽ là đại học. Đây là bước đột phá tạo hành lang pháp lý thực hiện đổi mới giáo dục.
Ông Hữu cho hay yêu cầu chuẩn đào tạo nhà giáo theo quy định 77 của luật hiện hành nêu chuẩn giáo viên tiểu học và mầm non là trung cấp sư phạm.
Thực tế, thống kê của các sở GD&ĐT và tổng hợp của Bộ GD&ĐT cho thấy: Tổng số giáo viên tiểu học đạt trình độ trung cấp sư phạm hiện nay chiếm 12,1%, trình độ cao đẳng 32,12%, đại học 55,5%, trên đại học 0,29 %. Tổng số giáo viên đạt trình độ cao đẳng sư phạm trở lên là 87,99%.
Những năm gần đây, thế giới có nhiều biến động mạnh mẽ với cách mạng 4.0. Vì vậy, việc nâng chuẩn giáo viên sẽ tạo ra bước đột phá đổi mới năng lực sư phạm, chuyển hướng từ tiếp cận kiến thức sang năng lực người học.
Tuy nhiên, để thực hiện việc này, các cơ sở giáo dục cần tạo điều kiện cho giáo viên trung cấp sư phạm yên tâm công tác, tiếp tục vươn lên bằng các lộ trình nâng cao trình độ.
Cụ thể, với các giáo viên còn 1-5 năm công tác, địa phương cần phối hợp các trường sư phạm để thiết kế khóa học bồi dưỡng. Những giáo viên còn trên 5 năm công tác cần có lộ trình bồi dưỡng, đào tạo lại cùng nhiều biện pháp linh hoạt. Quốc hội có thể giao cho Bộ GD&ĐT áp dụng thực hiện việc nâng chuẩn ở các vùng miền, địa phương riêng sao cho phù hợp.
Ông Nguyễn Đức Hữu thông tin: Có 33/63 tỉnh thành trình độ GV đạt từ cao đẳng trở lên chiếm 90%. Từ 80% trở lên có 18/63 tỉnh thành. Từ 70% trở lên có 9/63 tỉnh thành. Cả nước hiện nay chỉ còn 3 tỉnh là Hà Giang, Tuyên Quang và Lai Châu có tỉ lệ trên 60%.
Đây vừa là khó khăn nhưng cũng là thuận lợi vì chúng ta chỉ còn một số vũng trũng. Đây là cơ hội để chính phủ và Bộ GD&ĐT tập trung nâng vùng trũng này lên, tạo cơ hội để giáo viên ở các đơn vị này nâng chuẩn.
Thực tiễn này cho thấy quyết tâm nâng chuẩn giáo viên lên trình độ cao đẳng hoàn toàn có thể thực hiện được, không gặp khó khăn- Ông Hữu nhận định.
Ủng hộ nâng chuẩn giáo viên
Ủng hộ chủ trương nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng, ông Nguyễn Quang Long- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam cho biết: Theo thống kê, Hà Nam đang có 2.858 giáo viên tiểu học, chỉ còn 62 giáo viên có trình độ trung cấp, tỉ lệ trên chuẩn 97,8%, có một số huyện giáo viên đạt trình độ cao đẳng đạt 99,9%.
Theo ông Long, ở Hà Nam vẫn còn một số giáo viên chưa đạt trình độ cao đẳng, nhưng trong thời gian tới sẽ hoàn thành nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng.
Còn ông Bùi Đình Thanh- Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Duy Tiên (Hà Nam)- thông tin: Qua thống kê, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có 351 giáo viên bậc tiểu học, trong đó chỉ còn 10 giáo viên ở trình độ trung cấp và hầu hết các giáo viên này sắp nghỉ hưu.
Khi Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua, thì việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng ở Duy Tiên sẽ đạt được.
Cô Lê Thị Thanh Bình- Hiệu trưởng trường THCS Võ Thị Sáu (Hải Dương) nhận định: Hiện đa số giáo viên dạy ở tiểu học đều có trình độ cao đẳng, chỉ còn một số ít giáo viên có trình độ trung cấp. Nếu trong luật không nâng cao trình độ đạt chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lến cao đẳng thì những quy định trong luật sẽ bị lạc hậu.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định: Thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cần thiết phải nâng trình độ giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng. Bởi ở bậc Tiểu học, giáo viên tiểu học phải dạy tích hợp cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, do đó, cần thiết phải nâng cao năng lực giáo viên.
Từ đó, việc nâng chuẩn cho giáo viên tiểu hoc từ trung cấp lên cao đẳng là cần thiết. Hiện giáo viên có trình độ trung cấp chỉ được đào tạo 2 năm, trong đó mất 1 năm học kiến thức chung nên thời gian học từ thực tế rất ít.