Đề xuất nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đồng thuận nhất từ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đây là việc cần thiết và khả thi vì số lượng giáo viên tiểu học tại hầu hết các địa phương đã đạt trình độ trên chuẩn với tỷ lệ rất cao.
Đổi mới năng lực sư phạm
Theo ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, thực tế vẫn tồn tại một số giáo viên hiện nay không theo kịp trình độ, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên là tất yếu. Hiện tại, chúng ta nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên bậc cao đẳng, sắp tới sẽ là đại học. Đây là bước đột phá tạo hành lang pháp lý thực hiện đổi mới giáo dục.
Theo quy định 77 của luật hiện hành, chuẩn giáo viên tiểu học và mầm non là trung cấp sư phạm. Những năm gần đây, thế giới có nhiều biến động mạnh mẽ với cách mạng 4.0 nên việc nâng chuẩn giáo viên sẽ tạo ra bước đột phá đổi mới năng lực sư phạm, chuyển hướng từ tiếp cận kiến thức sang năng lực người học. Tuy nhiên, để thực hiện việc này, các cơ sở giáo dục cần tạo điều kiện cho giáo viên trung cấp yên tâm công tác, tiếp tục vươn lên bằng các lộ trình nâng cao trình độ.
Đề xuất nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định: “Thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cần thiết phải nâng trình độ giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng. Bởi ở bậc tiểu học, giáo viên tiểu học phải dạy tích hợp cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, do đó, cần thiết phải nâng cao năng lực giáo viên.
Từ đó việc nâng chuẩn cho giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng là cần thiết. Hiện giáo viên có trình độ trung cấp chỉ được đào tạo 2 năm, trong đó mất 1 năm học kiến thức chung nên thời gian học từ thực tế rất ít, chưa có nhiều điều kiện thực hành”.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, cả nước đã có 33/63 tỉnh, thành phố có giáo viên tiểu học đạt trình độ cao đẳng (chiếm 90%). Chỉ còn 3 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, trình độ giáo viên tiểu học đạt trình độ cao đẳng là 60%. Thực tiễn này cho thấy, quyết tâm nâng chuẩn giáo viên lên trình độ cao đẳng hoàn toàn có thể thực hiện được, không gặp khó khăn.
Sự đồng thuận từ các cơ sở giáo dục
Đồng tình với đề xuất nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng được nêu trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, ông Bùi Đình Thanh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Duy Tiên (Hà Nam) cho biết, qua thống kê, huyện Duy Tiên có 351 giáo viên bậc tiểu học, trong đó chỉ còn 10 giáo viên ở trình độ trung cấp và hầu hết các giáo viên này sắp nghỉ hưu.
“Tôi nghĩ khi Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua, thì việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng sẽ đạt được. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT bảo vệ quan điểm nâng chuẩn giáo viên tiểu học trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi” - ông Bùi Đình Thanh chia sẻ.
Cô giáo Lê Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu (Hải Dương) cho biết: Hiện đa số giáo viên dạy ở tiểu học đều có trình độ cao đẳng, chỉ còn một số ít giáo viên có trình độ trung cấp. Nếu trong luật không nâng cao trình độ đạt chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng thì những quy định trong luật sẽ bị lạc hậu.
Cũng với góc nhìn từ thực trạng địa phương, ông Phạm Đức Hiển - Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Quảng Ninh - chỉ rõ: Hiện tỉnh có khoảng 96% giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên. Số còn lại là giáo viên tuổi đã quá 50 và ở vùng sâu, vùng xa. Khẳng định đồng tình với việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học, ông Phạm Đức Hiển đồng thời cho rằng, việc triển khai thực hiện nên có lộ trình để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa bàn vùng khó khăn.
Nên mở rộng khái niệm “nhà giáo”
Về đề xuất tăng lương cho giáo viên, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định chia sẻ: “Việc tăng lương cho giáo viên là cần thiết nhưng chúng ta cũng cần có những quy định cụ thể quan tâm đến các nhà giáo sau khi hết tuổi đứng lớp vẫn công tác tại Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Họ đều là những nhà giáo ưu tú, có năng lực và nhiều kinh nghiệm.
Thế nhưng, ít ai biết rằng có nhiều thầy cô sau khi hết tuổi đứng lớp được mời về tham mưu cho Phòng GD&ĐT hay Sở GD&ĐT nhưng họ từ chối vì khi về họ không có thâm niên và phụ cấp đứng lớp thì thu nhập không đáng là bao”.
Bà Bùi Thị Thu - Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Nam Định - cho biết: “Bản thân tôi là giáo viên trường chuyên có kinh nghiệm 20 năm đứng lớp. Sau khi nghỉ dạy, tôi về Sở GD&ĐT công tác là năm thứ 21. Tuy nhiên, đến thời điểm về Sở GD&ĐT lại mất danh hiệu “nhà giáo”, không còn được hưởng thêm chế độ gì nữa.
Tôi đề xuất cần soạn thảo luật một cách cụ thể hơn và nói rõ hơn về khái niệm “nhà giáo”. Tôi nghĩ, nhà giáo không chỉ những người trực tiếp đứng lớp mà còn mở rộng hơn là người vẫn cống hiến cho ngành Giáo dục”.
Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) nêu quan điểm: Giáo viên tiểu học là những người có ảnh hưởng đến học sinh, đóng vai trò nền tảng, bắt đầu hình thành nhân cách học sinh.
Với vai trò và tầm quan trọng của giáo viên tiểu học trong hệ thống giáo dục hiện nay thì việc cần nâng cao trình độ đào tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là cần thiết và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Việc điều chỉnh chính sách cho nhà giáo cũng hết sức cần thiết để phù hợp với sự đóng góp và cống hiến cho xã hội.