Những thầy cô trở thành 'con của bản'

GD&TĐ - Ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa), nhiều thầy, cô giáo chấp nhận rời xa gia đình, quê hương để ở lại với vùng biên viễn.

Cô giáo Lê Thị Phấn dạy học ở Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa).
Cô giáo Lê Thị Phấn dạy học ở Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa).

Họ lên biên giới công tác, rồi xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái và coi nơi mình “cắm bản” là quê hương thứ hai. Bà con đồng bào cũng coi họ như những “đứa con của bản”.

Chuyện vợ chồng thầy Viên, cô Phấn

Tháng 9/1992, sau khi tốt nghiệp Trung học Sư phạm (12+2) Thanh Hóa, chàng trai trẻ Lê Xuân Viên vừa tròn 20 tuổi. Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã tuyển dụng và phân công thầy Viên lên công tác tại Trường PTCS Tén Tằn, huyện Quan Hóa (cũ), nay là huyện Mường Lát.

Thầy Viên sinh ra, lớn lên ở xã Quảng Khê (Quảng Xương), được cha, mẹ nuôi ăn học trong điều kiện khốn khó. Khi đi học Sư phạm, thầy Viên cũng chỉ quanh quẩn ở thị xã Thanh Hóa, rồi về Quảng Khê với cha, mẹ chứ đâu đã biết vùng viễn xứ xa xôi, khổ ải ra sao. Khi được điều động lên Trường PTCS Tén Tằn (cách TP Thanh Hóa 250km), chàng thanh niên hăng hái lên đường.

Nhớ lại những ngày đầu vào nghề “gõ đầu trẻ”, thầy Viên kể: “Lúc ấy đang sung sức, nên không quản ngại đường xa. Nhận thông báo của cấp trên, nam giới thì lên công tác 5 năm, còn giáo viên nữ chỉ 3 năm sẽ được bố trí trở về quê. Cũng vì thế, mọi người hăng hái lắm, chứ không ngại gian khó. Nhưng rồi, khi được xe khách đưa lên đến Hồi Xuân (Quan Hóa), bắt đầu hành trình về trường công tác, thì mới thấm thía thế nào là vùng cao, biên giới”.

Ngày đầu tiên, thầy Viên cùng đồng nghiệp được xe đón ở Trường Trung học Sư phạm (12+2) Thanh Hóa. Khoảng hơn 10 giờ đêm hôm ấy, xe mới đến thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa). Sáng hôm sau, các giáo sinh tiếp tục được xe tải chở đi vùng cao Mường Lát.

Tối cùng ngày, xe lên đến xã Pù Nhi, mọi người vào Trường PTCS Pù Nhi ăn tối, ngủ lại. Sáng hôm sau, cả đoàn đi bộ từ trung tâm xã Pù Nhi vượt qua đỉnh núi Hua Pù, lên bản Chiên Pục (xã Tén Tằn). Khi trời tối mịt, mọi người mới đến bản Na Khà (Tén Tằn) và ngủ lại. Sáng hôm sau, tiếp tục đi bộ lên trường chính ở bản Tén Tằn để nhận việc.

Thầy Lê Xuân Viên đang ân cần dạy cách cầm bút cho học sinh của mình.

Thầy Lê Xuân Viên đang ân cần dạy cách cầm bút cho học sinh của mình.

“Điều kiện lúc đó có lẽ bây giờ không thể tả được nó khó khăn, cơ cực đến mức nào. Có lần, mình về thăm nhà, nói thật là cũng đã hơi nản chí. May sao, bố mình là bộ đội phục viên, rồi sau đó làm Chủ tịch UBND xã Quảng Khê 15 năm, mới nghỉ hưu đã động viên rất nhiều. Ông bảo: “Con không phải ra chiến trường thì chưa thể nói là vất vả, khổ ải được. Con hãy cứ đi đi. Đi mà mang cái chữ, kiến thức lên truyền đạt cho con em đồng bào. Người ta sống được, thì mình không chết đâu mà lo”.

“Vì những lời nhắn nhủ của bố, mà mình sốc lại tinh thần rồi tiếp tục trở lên trường”, thầy Viên bộc bạch. Công tác ở Trường PTCS Tén Tằn từ năm 1992 đến tháng 9/1997, thầy Viên được bổ nhiệm giữ chức Phó Hiệu trưởng nhà trường. Tháng 9/2000, thầy Viên được bổ nhiệm làm Quyền Hiệu trưởng. Từ tháng 9/2001, thầy Viên giữ chức Hiệu trưởng Trường PTCS Tén Tằn, rồi sau đó kinh qua chức vụ này ở Trường Tiểu học Mường Lý, Trường Tiểu học Tây Tiến và đến nay là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung.

Vợ thầy Viên là cô Lê Thị Phấn, quê ở xã Đồng Lương (Lang Chánh). Năm 1995, cô Phấn cũng được điều động lên nhận công tác cùng trường với thầy Viên, (theo diện đi xóa mù chữ cho vùng cao). Đến năm 1998, cô Phấn mới được tuyển dụng vào ngành Giáo dục.

Sau đó, cô được điều động đi các trường, như: Trường PTCS Tén Tằn, Tiểu học Tén Tằn, Trường Tiểu học Mường Lý, Trường Tiểu học Nhi Sơn, Trường Tiểu học thị trấn Mường Lát, Trường Tiểu học Tây Tiến và đến nay, cô Phấn đang dạy ở Trường Tiểu học Tam Chung.

Trong lúc ngồi trò chuyện, cô Phấn chia sẻ rằng: “Những lúc khó khăn nhất, hai vợ chồng tôi đã vượt qua được. Giờ đây, tuổi cũng đã cao, con gái đã có gia đình riêng rồi. Còn cậu út năm nay đang học lớp 10 rồi. Hai vợ chồng xác định tiếp tục cống hiến cho ngành đến khi đủ tuổi nghỉ chế độ, rồi trở về quê an dưỡng tuổi già thôi. Hơn nữa, 2 vợ chồng sống ở mảnh đất này đã quen và coi như quê hương thứ hai của mình rồi”.

Thầy Nguyễn Duy Thủy phát phần thưởng cho học sinh của mình nhân dịp Tết Trung thu.

Thầy Nguyễn Duy Thủy phát phần thưởng cho học sinh của mình nhân dịp Tết Trung thu.

Hơn 3 thập kỷ qua, đôi bàn chân của thầy Viên đã chai sạn vì trèo non, lội suối để “gùi chữ” đến cho học trò vùng biên giới xứ Thanh. “Những năm tháng mới lên dạy ở Tén Tằn, là cơ cực nhất. Dịch sốt rét hoành hành khủng khiếp. Cũng không hiểu vì sao, cả trường ai cũng bị sốt rét hành hạ, nhưng tôi lại không bị. Ngày ấy, lương của tôi chưa đầy 100 nghìn đồng, thế nhưng tiền mua thuốc để chữa trị sốt rét rất đắt đỏ, thậm chí còn không có thuốc mà mua…”, thầy Viên chia sẻ.

Nhắc đến chuyện đồng nghiệp cùng trường với mình, thầy Viên chợt chùng xuống. Thầy kể: “Năm 1993, thầy T.V.C, quê ở huyện Ngọc Lặc lên nhận công tác cùng trường với tôi. Đến năm 1994, thì thầy C bị đuối nước ở sông Mã. Buổi trưa hôm ấy, tôi và thầy Trịnh Xuân Tâm (hiện nay là Hiệu trưởng Trường PTDTNT – THCS Mường Lát) nghe học sinh và người dân báo có thầy giáo bị nước sông Mã cuốn trôi.

Hóa ra, buổi trưa hôm ấy, thầy Chất và một đồng nghiệp nữa ở điểm trường lẻ Chiên Pục đi lấy cành cây về làm rào mảnh vườn rau, nhưng không may bị trượt chân xuống sông Mã. Thầy Chất bị dòng nước cuốn trôi. Mãi 4 - 5 ngày sau, chúng tôi mới tìm thấy thi thể thầy Chất. Tôi và thầy Tâm trực tiếp khâm liệm cho thầy Chất, rồi Phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa lên lo thủ tục chôn cất ở đất Tén Tằn. Đến năm 2000, gia đình thầy Chất mới có điều kiện lên đưa hài cốt của thầy về quê”.

Giờ múa hát sân trường của học sinh Trường Tiểu học Tam Chung.

Giờ múa hát sân trường của học sinh Trường Tiểu học Tam Chung.

Nguyện suốt đời gắn bó với vùng biên

Cũng như nhiều thầy, cô giáo khác đang cống hiến sức lực, trí tuệ cho ngành Giáo dục ở huyện biên giới Mường Lát, thầy Nguyễn Duy Thủy – Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trung Lý lên vùng biên này đã hơn 20 năm. Giờ đây, thầy Thủy đã có gia đình, vợ con, nhà cửa tại Mường Lát và cũng coi mảnh đất này là quê hương thứ hai của mình.

Quê thầy Thủy ở xã Thiệu Vận (Thiệu Hóa). Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, thầy Thủy được biên vào ngành Giáo dục và được điều động lên Mường Lát công tác. Ngày mới lên nhận công tác, thầy Thủy được cấp trên phân công lên dạy ở Trường THCS Tén Tằn. Ở thời điểm ấy, điều kiện kinh tế - xã hội của huyện vùng biên này vô vàn khó khăn do mới được tách từ huyện Quan Hóa được 2 năm. Đường đi, lối lại chưa được bê tông hay nhựa hóa như bây giờ, nên các thầy cô giáo đa số phải đi bộ.

Tháng 1/2003, thầy Thủy được điều động và bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng, Trường THCS Pù Nhi. Tháng 9/2003, thầy được cấp trên điều động về Trường THCS Trung Lý và bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng nhà trường. Những năm công tác ở Trung Lý, thầy Thủy đã lặn lội vào những bản xa xôi, hẻo lánh để vận động học sinh ra lớp. Điều kiện, địa hình và phương tiện đi lại hết sức khó khăn, nên có những hôm vào bản xa xôi, hẻo lánh như Tà Cóm, Cá Giáng, Cánh Cộng (bản người Mông) Co Cài (bản người Thái), thầy Thủy và các giáo viên phải xin ngủ lại với dân bản.

Tháng 8/2009, thầy Thủy được điều động lên công tác ở Trường THCS Quang Chiểu. Khi lên Quang Chiểu, mặc dù ở cương vị hiệu trưởng, thầy vẫn cùng giáo viên nhà trường lặn lội vào các bản xa xôi, heo hút như Con Dao, Suối Tút (bản người Dao), bản Pù Đứa (người Mông) để vận động học trò ra lớp.

Thầy Thủy bảo rằng: “Từ khi nhà trường trở thành trường dân tộc bán trú, học sinh được hưởng tiền hỗ trợ hằng tháng, gạo ăn đầy đủ…, điều kiện học hành cũng tốt hơn, nên không còn cảnh học sinh bỏ học như trước. Các em đã chăm chỉ học tập hơn và đặc biệt, các bậc phụ huynh học sinh đã quan tâm và chăm lo đến việc học hành của con em mình”.

Khi đang công tác ở Trung Lý, thầy Thủy bén duyên với cô giáo Nguyễn Thị Phương. Quê gốc của cô giáo Phương ở huyện Hoằng Hóa, sau đó bố, mẹ cô định cư lên xã Điền Trung (Bá Thước). Cuối năm 2007, thầy Thủy, cô Phương tổ chức đám cưới, khi ấy cô Phương đang dạy ở Trường Mầm non Trung Lý. Tháng 8/2009, cô giáo Phương được cấp trên điều động từ Trường Mầm non Trung Lý lên Trường Mầm non Quang Chiểu công tác. Từ đầu năm 2015 đến nay, cô giáo Phương về dạy ở Trường Mầm non thị trấn Mường Lát.

“Vợ chồng tôi xác định sẽ cống hiến cho ngành đến khi đủ tuổi nghỉ chế độ. Cách đây vài năm vợ chồng tôi được sự hỗ trợ của 2 bên nội, ngoại và bạn bè, nên cũng mua được một mảnh đất ở thị trấn Mường Lát, rồi xây dựng nhà ở để yên tâm công tác và nuôi dạy hai đứa con. Con trai đầu lòng của chúng tôi năm nay đã vào lớp 10, Trường THPT Dân tộc nội trú Thanh Hóa, con gái út năm nay lên lớp 3”, cô Phương chia sẻ.

Chia tay với thầy Viên, cô Phấn, thầy Thủy, cô Phương, lúc trên đường trở về xuôi, trong tôi lại nhớ câu nói của thầy Viên, rằng: “Những lúc khó khăn nhất trong cuộc đời làm nghề ‘đưa đò’ ở vùng đất xa xôi, nghèo khó này, thì chúng tôi đã vượt qua.

Đến bây giờ được bà con, đồng bào và bao nhiêu thế hệ học trò coi mình như những đứa con của bản, thì chúng tôi sẽ nguyện sẽ gắn bó suốt đời với nghề cầm phấn ở mảnh đất này”. Và, tôi thầm cầu mong cho những thầy, cô giáo ở vùng đất biên cương xa xôi ấy luôn có sức khỏe, để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”!

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lục Văn Lợi (77 tuổi, người dân tộc Thái) - nguyên Chủ tịch UBND xã Trung Lý, tâm sự rằng: “Thầy, cô giáo ở dưới xuôi lên đây công tác lâu năm, được bà con đồng bào coi như những đứa con của bản. Không riêng gì các thế hệ học sinh, mà bà con dân bản đều luôn ghi nhớ công lao của các thầy, cô giáo. Rất nhiều thầy, cô giáo đã chấp nhận rời xa quê hương bản quán, gia đình, người thân để lên đây cống hiến sức lực và trí tuệ. Nếu không có những người tâm huyết với nghề dạy chữ như thầy giáo Thủy, thầy giáo Lê Thế Lập (Phó Hiệu trưởng nhà trường - PV)..., thì ở mảnh đất này sẽ có nhiều đứa trẻ thất học và không biết đến cái chữ đâu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ