Những giáo viên kiên cường cắm bản ở 'vùng đất bị lãng quên'

GD&TĐ - Tác phẩm "Người gieo chữ kiên cường" đưa khán giả đến với một "vùng đất bị lãng quên", nơi những người thầy ngày đêm miệt mài gieo chữ.

Tác giả Nguyễn Văn Ba trò chuyện cùng nhân vật. Ảnh: NVCC.
Tác giả Nguyễn Văn Ba trò chuyện cùng nhân vật. Ảnh: NVCC.

"Người gieo chữ kiên cường" của nhóm tác giả Nguyễn Văn Ba, Trương Tuấn Nghĩa, Nguyễn Trung Toàn, Nguyễn Minh Ngọc, Hồ Nữ Thị, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Hoài Hương, Nguyễn Việt Anh (Ban Khoa giáo VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam) đã đoạt giải Nhất Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2022.

Hạnh phúc khi tác phẩm chạm đến trái tim khán giả

Nhớ lại khoảnh khắc hay tin đạt giải, nhà báo Nguyễn Văn Ba, Ban Khoa giáo (VTV2), Đài Truyền hình Việt Nam, đại diện nhóm tác giả, chia sẻ: "Tôi và các bạn quay phim, kỹ thuật rất hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ vì chúng tôi được giải cao, mà còn vì những đóng góp thầm lặng phía sau bộ phim của những người làm phim về giáo dục, cống hiến của các thầy cô giáo ở Pờ Chừ Lủng nói riêng, giáo dục miền núi nói chung, đã chạm đến trái tim của khán giả và Ban Giám khảo.

Tôi lập tức phải viết lên Facebook cá nhân đôi dòng: “Vui quá! Vui quá!”.

Nhóm tác giả tác phẩm "Người gieo chữ kiên cường", Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhóm tác giả tác phẩm "Người gieo chữ kiên cường", Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhiều năm liên tiếp làm phim về giáo dục, tác giả Văn Ba đã chứng kiến những khó khăn, vất vả và thiếu thốn của học sinh vùng cao nhưng các em vẫn chuyên cần đến lớp. Góp phần vào thành quả đó là những công lao, cống hiến thầm lặng mà cao cả của các thầy cô giáo nói chung và thầy Hò Văn Lợi nói riêng.

Thầy Lợi là nhân vật trong tác phẩm “Người gieo chữ kiên cường” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Ba, Trương Tuấn Nghĩa, Nguyễn Trung Toàn, Nguyễn Minh Ngọc, Hồ Nữ Thị, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Hoài Hương, Nguyễn Việt Anh (Ban Khoa giáo VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam).

Nhà báo Văn Ba nhớ lại, Pờ Chừ Lủng là một trong những điểm xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang, được mệnh danh là “vùng đất bị lãng quên” nhưng ở đó vẫn có trường, có lớp, có tiếng mõ giục giã học sinh đi học mỗi ngày. Và những giáo viên kiên cường cắm bản, gieo con chữ để ươm mầm hạnh phúc.

Cũng tại nơi đây, hơn 5 năm qua, thầy giáo Hò Văn Lợi đều đặn mỗi tuần 2 lượt đi về điểm bản, gieo con chữ cho các cháu nhỏ lớp 1, 2 người Mông ở tổ 2, thôn Pờ Chừ Lủng, xã Ngam La, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

“Khi tìm đường vào điểm trường nơi thầy Lợi công tác, tôi cùng các đồng nghiệp không ít lần vấp ngã vì đường sá trơn trượt, bùn đất. Đến bây giờ, những hình ảnh, kỷ niệm ngày đó vẫn in đậm trong tâm trí tôi”, tác giả Văn Ba chia sẻ.

Tác phẩm "Người gieo chữ kiên cường" đã đoạt giải Nhất Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2022.

Tác phẩm "Người gieo chữ kiên cường" đã đoạt giải Nhất Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2022.

Trách nhiệm với đời sống giáo dục

Là người đồng hành với Giải Báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" nhiều năm qua và từng đạt giải năm 2020, nhà báo Văn Ba tâm sự: "Trách nhiệm của chúng tôi đầu tiên là viết mô tả chân thực nhất về đời sống giáo dục. Cám ơn Ban tổ chức Giải đã giúp chúng tôi làm tốt hơn điều đó".

Nhân dịp này, tác giả Văn Ba cũng gửi lời cảm ơn các thầy cô giáo tại Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, Phòng GD&ĐT huyện Yên Minh, BGH Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngam La cùng các thầy giáo, cô giáo nhà trường, điểm trường Pờ Chừ Lủng đã phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn làm phim hoàn thành nhiệm vụ.

Từ đó, có được tác phẩm tốt và chuyển tải được những hình ảnh, câu chuyện xúc động và những cống hiến thầm lặng mà cao cả của các giáo viên cắm bản nói chung và ở điểm trường Pờ Chừ Lủng nói riêng.

“Ở các thầy cô là tình cảm, là tâm huyết với nghề, là nỗ lực vượt lên tất cả, là chấp nhận hy sinh cái tôi cá nhân vì sự nghiệp cõng chữ lên ngàn. Còn đối với chúng tôi, những người làm phim VTV2, luôn sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ cũng như vượt mọi khó khăn, thiếu thốn để đồng hành cùng thầy cô và học sinh vùng cao trong sự nghiệp giáo dục”, anh Văn Ba chia sẻ.

Tác giả Nguyễn Văn Ba đồng thời bày tỏ mong muốn Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan có nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ cho giáo dục miền núi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ