Những thanh âm trong truyện “Vợ chồng A Phủ”

GD&TĐ - Tô Hoài là một trong những cây bút tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sự nghiệp sáng tác của ông được ví như một cây đại thụ có ba nhánh lớn viết về thiếu nhi, Hà Nội và miền núi Tây Bắc. “Vợ chồng A Phủ” - được nhà văn sáng tác vào năm 1952 khi ông cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc - phản ánh số phận của người dân miền núi những năm trước giải phóng dưới ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến và con đường đến với cách mạng, giải phóng cuộc đời của họ. 

Truyện nói về số phận của nhân vật Mị và A Phủ, điển hình cho số phận của người lao động ở miền núi. Mị sống cuộc đời làm dâu gạt nợ, A Phủ là con ở gạt nợ cho bọn địa chủ, chúa đất thống lí Pá Tra. Để miêu tả cuộc đời, số phận và sức sống tiềm tàng của nhân vật, trong tác phẩm, Tô Hoài đã xây dựng các chi tiết tiêu biểu, có sức ám ảnh lớn, giàu sức gợi. Trong đó, những âm thanh như tiếng sáo gọi bạn, tiếng chân ngựa đã có sức len lỏi vào tâm hồn Mị, đánh thức và thổi bùng sức sống vốn tiềm tàng bấy lâu nay, đồng thời, gợi lên trong suy nghĩ, nhận thức của Mị về thân phận.

Âm thanh tiếng sáo không phải chỉ đến đêm tình mùa xuân mới xuất hiện mà ngay từ đầu tác phẩm, tiếng sáo đã cất lên dìu dặt của thanh niên trong bản khi Mị còn là một cô gái xinh đẹp, yêu đời, yêu tự do: “Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách. Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”. Tiếng sáo là tín hiệu nói lên vẻ đẹp của Mị. Tô Hoài không đưa vào chi tiết nào nói về ngoại hình của Mị nhưng chỉ thông qua tiếng sáo của trai làng thổi ở phía chân vách buồng Mị đã đủ nói lên Mị là cô gái xinh đẹp, được trai làng ngày đêm theo đuổi, Mị giống như một bông hoa rừng dưới mây trời Tây Bắc.

Tiếng gõ vách vốn là một nét phong tục của dân tộc H’Mông ở vùng cao Tây Bắc. Đó là âm thanh báo hiệu cách tỏ tình, hẹn hò của các chàng trai, cô gái. Nhưng ở trong truyện Vợ chồng A Phủ, tiếng gõ vách lại báo hiệu bắt đầu một bi kịch đầy đau khổ trong cuộc đời của nhân vật Mị: “Một đêm khuya, Mị nghe tiếng gõ vách. Tiếng gõ vách hò hẹn của người yêu... Mị vừa bước ra, lập tức có mấy người choàng đến, nhét áo vào miệng Mị rồi bịt mắt, cõng Mị đi”.

Âm thanh gõ vách tưởng như là lời tỏ tình đầy ngọt ngào của những chàng trai người H’Mông với Mị nhưng đó lại mở màn cho tai họa ập đến, đưa Mị đến kiếp sống của con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Cùng với âm thanh đó, khi đến nhà thống lí Pá Tra, buổi sáng hôm sau, ngồi trong buồng kín, Mị lắng nghe được những âm thanh rùng rợn của “tiếng nhạc sinh tiền cúng ma đương rập rờn nhảy múa”. Đó là những âm thanh của lễ cúng trình ma, một phong tục của người H’Mông ở miền núi Tây Bắc. Những âm thanh ấy như kết thành một sợi dây trói vô hình mà đáng sợ của thần quyền để trói buộc con người tinh thần của Mị, ràng buộc cô với nơi địa ngục nhà thống lí Pá Tra, khiến cô phải cột chặt với kiếp sống làm dâu gạt nợ.

Vì lòng hiếu thảo với cha, Mị không đành lòng chết, quay trở lại nhà thống lí Pá Tra sống âm thầm, “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Mị chỉ biết vùi đầu trong công việc cả ngày lẫn đêm, Mị dường như bị tê liệt về sức sống. Có những lúc, âm thanh “con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày” xuất hiện trong ý nghĩ của Mị, đưa Mị đến một sự so sánh, nhận thức rằng cuộc sống của cô nơi địa ngục trần gian nhà thống lí Pá Tra không bằng kiếp sống trâu ngựa. Điều đó càng khắc sâu thân phận đầy cay đắng, tủi nhục của Mị.

Khi mùa xuân về đến Hồng Ngài với những tín hiệu vốn quen thuộc thì thanh âm tiếng sáo là yếu tố ngoại cảnh quan trọng nhất thổi bùng lên sức sống trong tâm hồn Mị: “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”. Tiếng sáo gọi bạn, một tín hiệu của tình yêu, tự do và tuổi trẻ đã xé toang hàng rào ngăn cách, len lỏi vào tâm hồn tưởng như khô cằn, chai lì, vô cảm của Mị.

Tiếng sáo như một chất men cất lên những giai điệu trong tâm hồn Mị, nó tạo nên sự bắt đầu trở lại của khát vọng tình yêu, khát vọng tự do vẫn ngự trị bấy lâu nay trong tâm hồn Mị. Từ nhẩm thầm lời bài hát “Mày có con trai con gái rồi/Mày đi làm nương/Ta không có con trai con gái/Ta đi tìm người yêu” dẫn đến những nhận thức của Mị về quá khứ, hiện tại, tương lai. Mị lén lấy hũ rượu “cứ uống ừng ực từng bát” như nuốt bao uất nghẹn, cay đắng trong lòng mình để sống lại những đêm tình mùa xuân ngày trước.

Chất men hòa quyện vào tiếng sáo khiến cho Mị thức dậy cảm nhận về tuổi trẻ, về tình yêu tươi đẹp trong quá khứ: “Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”. Những kí ức tươi đẹp về những đêm tình mùa xuân trở về trong Mị: “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Tiếng sao mang đến niềm phấn chấn, niềm vui và Mị đã nhận thức được bản thân: “Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi...”.

Không gian xung quanh Mị còn có cả những thanh âm gợi lên không khí của mùa xuân: “Trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy”. Và có cả những âm thanh rùng rợn trong không gian nhà thống lí Pá Tra: “Xung quanh, chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng vẫn còn nhảy lên xuống, run bần bật...”. Khi khát vọng đi chơi xuân của Mị bị A Sử dập tắt, Mị bị trói đứng vào cột thì âm thanh tiếng sáo vẫn vọng về tâm hồn Mị. Nó đưa Mị “lãng du” theo những cuộc chơi, đưa Mị đến với những khát vọng tự do “Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”.

Có những lúc, say sưa quá, Mị vùng bước đi như người mộng du nhưng bị dây trói thít lại đau đớn. A Sử chỉ trói buộc được thể xác của Mị nhưng không giam hãm được sức sống trong tâm hồn cô. Khi ấy, Mị không còn nghe tiếng sáo mà chỉ nghe thấy “tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Ở đoạn này dường như có hai thanh âm đối lập nhau, âm thanh tiếng sáo và tiếng chân ngựa. Nếu như tiếng sáo là biểu tượng cho khát vọng tự do, khát vọng tình yêu thì tiếng chân ngựa đạp vào vách lại biểu hiện cho kiếp sống bị trói buộc, đày đọa. Tiếng chân ngựa khiến Mị thổn thức nghĩ trong sự so sánh đầy xót xa về kiếp sống của mình không bằng kiếp ngựa trâu giữa địa ngục nhà thống lí Pá Tra.

Những thanh âm được Tô Hoài lựa chọn đưa vào trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ có sức gợi, sức ám ảnh lớn. Đó tuy là những chi tiết nhỏ nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện diễn biến tâm lí nhân vật Mị, góp phần phản ánh số phận và quãng đời đầy cay đắng, tủi nhục và thổi bùng lên sức sống tiềm tàng của Mị trong kiếp sống làm dâu gạt nợ. Âm thanh tiếng sáo và những thanh âm khác mang đến bản sắc văn hóa dân tộc vùng Tây Bắc cho tác phẩm. Đó là những nét phong tục vùng cao được Tô Hoài lựa chọn đưa vào truyện. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ