Chi tiết nghệ thuật
Chi tiết nghệ thuật là những tiểu tiết trong tác phẩm có sức chứa lớn về cảm xúc, tư tưởng. Hình tượng nghệ thuật là sự hợp thành nhờ các chi tiết. Một tác phẩm được ví như bóng đèn điện thì những chi tiết hay như những sợi dây tóc phát sáng (Nguyễn Thanh Tú)
Lí luận văn học phân chia hai loại chi tiết: Chi tiết chỉ đóng vai trò vật liệu làm tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện là chi tiết thuộc về nghệ thuật; còn chi tiết thể hiện rõ được sự cắt nghĩa, lí giải một hiện tượng đời sống, có sự chi phối sự vận động của hình tượng nghệ thuật đó là chi tiết có tính nghệ thuật.
Những chi tiết có tính phát sáng trong một tác phẩm, những chi tiết ám ảnh sâu sắc trong tâm trí người đọc thường là những chi tiết có tính nghệ thuật.
Gấp trang sách cuối cùng truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, người đọc không thể quên được chi tiết bát cháo hành mà Thị Nở mang đến cho Chí sau đêm hắn say ở vườn chuối.
Bát cháo hành ở đây không đơn thuần là một món ăn giải cảm thông thường trong dân gian mà đó là hiện thân của tình thương yêu, sự quan tâm, chăm sóc - một thứ quá xa xỉ đối với Chí trong suốt những năm tháng triền miên trong những cơn say.
Mùi cháo hành đã đi vào tiềm thức của Chí, kể cả khi đã bị thị Nở từ chối, khi cánh cửa cuộc đời đã đóng sập trước mắt, khi Chí đã uống không biết bao nhiêu rượu để quên đi bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.
Hơi cháo hành phảng phất ám ảnh trong cuộc đời Chí Phèo và trở thành chi tiết nghệ thuật ám ảnh trong lòng người đọc. Thông qua chi tiết đó nhà nhân đạo chủ nghĩa Nam Cao một lần nữa khẳng định sức sống tiềm tàng, bất diệt của thiên lương con người.
Kết thúc truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu là chi tiết về tấm ảnh của nghệ sĩ Phùng được chọn trong bộ lịch năm ấy.
Đó là một bức ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, nghệ sĩ Phùng vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai, nhìn lâu hơn là hình ảnh người đàn bà đang bước ra khỏi tấm ảnh với những bước chậm rãi, bàn chân giẫm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông…
Chi tiết đã chuyển tải thông điệp của nhà văn Nguyễn Minh Châu tới người đọc: Nghệ thuật phải bắt nguồn từ đời sống, nghệ thuật phải vì cuộc đời mà phản ánh; người nghệ sĩ phải trung thực, dũng cảm nhìn thẳng vào hiện thực, ở đó có cái nhìn tập trung vào số phận con người, đặc biệt là những số phận khốn khổ.
Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài cũng đã lựa chọn được nhiều chi tiết đắt. Chi tiết về nắm lá ngón, chi tiết về giọt nước mắt của A Phủ, và không thể không kể đến tục cúng trình ma và tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân… đó đều là những sợi dây tóc phát sáng kết nối mạch truyện, chuyển tải nội dung hiện thực và nội dung nhân đạo của tác phẩm.
Chi tiết cúng trình ma
Vợ chồng A Phủ là kết quả của chuyến đi thực tế Tô Hoài cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc vào năm 1952. Hiện thực cuộc sống cực nhục, tối tăm của người dân Tây Bắc được tái hiện một cách chân thực, rõ nét trong phần đầu của tác phẩm.
Cuộc sống của hai nhân vật chính, Mị và A Phủ, ở nhà thống lí Pá Tra thực sự là cuộc sống của những thân phận trâu ngựa nơi địa ngục trần gian.
Ngoài việc phải chịu áp bức về thể xác, quần quật làm việc suốt ngày đêm, hết năm này đến năm khác thì Mị và A Phủ còn phải chịu thêm một sự áp bức nữa, đó là áp bức về tinh thần với sự ám ảnh của con ma nhà thống lí. Sức mạnh của thần quyền đã triệt tiêu sự phản kháng ở những nạn nhân bị áp bức này.
Vì tội đánh A Sử, con nhà quan, nên A Phủ bị người nhà thống lí bắt về xử kiện. Đó là một vụ xử kiện thật lạ lùng. Đám xử kiện nằm dài bên khay đèn, mấy chục người hút từ sáng đến trưa, cho đến hết đêm.
Bọn trai làng bắt A Phủ ra quì giữa nhà và xô đến đánh. Người thì đánh, người thì quỳ lạy, kể lể, chửi bới. Xong một lượt đánh, kể, chửi lại hút… Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút. Đến sáng hôm sau thì đám kiện đã xong.
Thống lí Pá Tra mở tráp, lấy ra một trăm đồng bạc hoa xòe bày lên mặt tráp, rồi kể các khoản tiền A Phủ phải nộp: nộp vạ cho người phải mày đánh là hai mươi đồng, nộp cho thống quán năm đồng, mỗi xéo phải hai đồng, mỗi người đi gọi các quan về hầu kiện năm hào. Mày phải mất tiền mời các quan hút thuốc từ hôm qua tới nay. Lại mất con lợn hai mươi cân, chốc nữa mổ để các quan làng ăn vạ mày.
Sau đó, thống lí cho A Phủ cúi sờ lên đồng bạc trên tráp, còn mình thì đốt hương, lầm rầm khấn gọi ma về nhận mặt người vay nợ. Pá Tra khấn xong, A Phủ cũng nhặt xong bạc, nhưng nhặt xong lại để ngay cả xuống mặt tráp. Rồi Pá Tra lại trút cả bạc vào trong tráp.
Từ đây, A Phủ đã bị trói vào con ma nhà thống lí. A Phủ không phản kháng, không bỏ trốn. Cả khi bị trói đứng trong nhà thống lí A Phủ vẫn chỉ lặng im như một tảng đá chờ gặp thần chết. A Phủ chính là nạn nhân của sự áp bức tàn bạo của chế độ cường quyền và thần quyền.
Không chỉ riêng A Phủ, con ma nhà thống lí cũng là nỗi ám ảnh lớn đối với Mị - nhân vật chính của truyện. Ngay sau khi cướp Mị về, A Sử đã đem về cúng trình ma trong nhà rồi mới đến thông báo cho bố Mị: - Tôi đã cướp được con gái bố làm vợ, tôi đem về cúng trình ma nhà tôi rồi, bây giờ tôi đến trình cho bố biết.
Và kể từ đây, Mị sống kiếp trâu ngựa trong vòng quay Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế.
Cũng từ đây, Mị chấp nhận cuộc sống câm lặng lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, chấp nhận cả đêm bị trói đứng, khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức, và chấp nhận cả những trận đánh ngã ngay xuống cửa bếp bởi Mị đã cam phận Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi…
Đối với người H Mông trước đây, ma là thế lực thần quyền đáng sợ. Nó làm cho con người trở nên mê muội, tê liệt ý thức về quyền sống. Bọn thống lí đã lợi dụng thần quyền làm phương tiện áp bức của cường quyền.
Phản ánh nỗi thống khổ của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách áp bức của bọn thực dân chúa đất, Tô Hoài đã lựa chọn được một chi tiết đặc sắc. Con ma nhà thống lí không chỉ là nỗi ám ảnh trong số phận nhân vật mà còn ám ảnh trong cả người đọc - ám ảnh nghệ thuật.
Tục cúng trình ma chính là một trong những sợi dây tóc phát sáng trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.
Chi tiết tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân
Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nếu tục cúng trình ma là một hủ tục ám ảnh đời sống tâm linh của người dân Tây Bắc, thì tiếng sáo gọi bạn tình lại trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống sinh hoạt và đời sống tinh thần của con người nơi đây.
Tiếng sáo xuất hiện trong thiên truyện lúc văng vẳng từ xa, có khi vọng lại thiết tha, bổi hổi, lúc lửng lơ bay ngoài đường, lúc lại rập rờn trong đầu Mị. Tiếng sáo làm nên một miền không gian êm dịu, nên thơ thuộc về thế giới tâm hồn đẹp đẽ của nhân vật Mị.
Trong lời bài hát của người thổi sáo có khát vọng tự do và tình yêu của trai gái người Mèo:
Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu.
Và cả những ước hẹn buông lơi:
- Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu quả pao rơi rồi…
- Em không yêu, quả pao rơi rồi.
Em yêu người nào, em bắt pao nào…
Với ý nghĩa đó, tiếng sáo đã trở thành một sợi dây tóc phát sáng, khi nó là một chi tiết nghệ thuật gắn với cuộc đời, số phận của nhân vật Mị, là hiện thân thế giới tâm hồn đẹp đẽ của cô gái người HMông này.
Mị từng là một cô gái trẻ, đẹp. Tết đến trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. Ngày đó, Mị thổi sáo giỏi. Mị uốn chiếc lá trên môi thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
Nhưng vì món tiền mà bố mẹ Mị đã vay của nhà thống lí Pá Tra chưa trả được nên Mị bị bắt về làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí. Từ đây, Mị sống cuộc sống tủi cực, thê thảm.
Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Mị âm thầm như một cái bóng Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.
Nhưng rồi, mùa xuân Hồng Ngài mang theo màu sắc, âm thanh và sự rộn rã đã đánh thức sức sống tiềm tàng ở cô gái sống mà như đã chết ấy. Quá trình thức tỉnh của Mị gắn liền với sự vọng về của tiếng sáo. Tiếng sáo trở thành chất xúc tác mạnh mẽ lay tỉnh một tâm hồn ngủ yên trong đêm lặng với sự ám ảnh của bóng ma.
Lần đầu tiên tiếng sáo xuất hiện trong tác phẩm cũng là lần đầu tiên sau bao ngày dài câm nín ở nhà thống lí Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát người đang thổi.
Tiếng sáo đã làm rung lên cảm xúc trong tâm hồn Mị - sự thay đổi đó chứng tỏ hồn Mị chưa chết hẳn. Mị đang sống lại, lòng Mị đã có sợi dây xúc cảm. Mị đang sống với giai điệu, với ý nghĩa lời bài hát người đang thổi.
Trong không khí đón tết, nhìn cảnh người nhảy đồng, người hát, có thêm cái nồng nàn của rượu, khi Mị uống ực từng bát, tiếng sáo đã đưa Mị về quá khứ, lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng.
Từ đây, tiếng sáo thức dậy khát vọng sống, sức sống trong Mị, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Nghĩ đến cảnh A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau, trong Mị xuất hiện suy nghĩ Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra.
Như vậy là, Tiếng sáo gọi bạn yêu lửng lơ bay ngoài đường kia chính là tấm gương soi hắt lại để Mị nhìn rõ hơn về cuộc sống hiện tại của mình. Mị đã muốn chết ngay, nghĩa là Mị đã không chấp nhận hoàn cảnh, Mị đang muốn phản kháng lại hoàn cảnh. Đây là điều hoàn toàn khác với Mị lầm lũi suốt bao tháng ngày trong nhà thống lí trước đây.
Nhìn thấy A Sử chuẩn bị đi chơi, Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng - Mị muốn thắp sáng thêm khát vọng sống mới nhen nhóm tìm về. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo.
Tiếng sáo vẫy gọi Mị, thôi thúc Mị. Điệp khúc Mị muốn đi chơi một lần nữa bùng lên . Mị cũng sắp đi chơi. Ngay sau đó, hàng loạt các hoạt động diễn ra một cách nhanh chóng, Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách, như thể Mị đang thực hiện hành động giải phóng cho mình, cởi bỏ khỏi sự trói buộc của con ma nhà thống lí, thoát khỏi căn buồng kín mít của Mị - căn buồng chỉ có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng.
Thế rồi khát vọng ấy mới được nhen nhóm, ngay lập tức đã bị A Sử chặn đứng. A Sử đã nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa.
Nhưng sự thực, A Sử chỉ có thể trói được thân xác Mị, còn tâm hồn Mị vẫn hoàn toàn tự do. Mị vẫn sống trọn vẹn trong thế giới của riêng mình, Trong bóng tối, Mị đứng lặng im, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn. Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi.
Như vậy, tiếng sáo là chất xúc tác làm thay đổi tâm lí nhân vật Mị, giúp người đọc nhận ra sức sống tiềm tàng ở Mị, một sức sống mãnh liệt không gì có thể hủy diệt được.
Chi tiết tiếng sáo đã giúp nhà văn Tô Hoài khám phá ra vẻ đẹp tâm hồn Mị, khẳng định được sức sống bất diệt của con người. Có thể xem, tiếng sáo là chi tiết nghệ thuật đẹp, giàu sức gợi, ám ảnh người đọc.
Nhân vật Mị trong hoàn cảnh này làm ta liên tưởng đến quá trình thức tỉnh của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. Những nhà văn lớn vẫn thường là những nhà nhân đạo chủ nghĩa. Cả Nam Cao và Tô Hoài đều là những nhà văn như thế.