Guồng quay chuyển đổi số đã tới trường, lớp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bước qua đại dịch Covid-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng.

Chương trình dạy học trên truyền hình do Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau triển khai.
Chương trình dạy học trên truyền hình do Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau triển khai.

Trong bối cảnh triển khai chương trình mới, chuyển đổi số càng trở nên quan trọng trong dạy, học.

Đồng hành cùng chuyển đổi số

Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, 6 tháng đầu năm 2022, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã tổ chức ghi hình bài giảng cấp tiểu học phát sóng với hơn 450 tiết giảng. Xây dựng trên 1.000 tiết giảng do giáo viên cốt cán thực hiện để dùng chung cho toàn thành phố và giới thiệu các nguồn video bài giảng có chất lượng. Sở đã hỗ trợ 4.504 máy tính bảng và sim 3G phục vụ học trực tuyến cho học sinh khó khăn. Nhờ đó triển khai đúng kế hoạch, đạt hiệu quả lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018...

Chia sẻ về chuyển đổi số trong giảng dạy, cô Huỳnh Xuân Hồng, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), cho biết: Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giảng dạy đã phát huy tối đa vai trò của mỗi giáo viên. Thầy cô tự nỗ lực, tích cực học tập, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ. Từ đó, đổi mới phương pháp giảng dạy, lồng ghép sử dụng phần mềm dạy học để phát huy năng lực, chủ động học tập của học sinh.

Theo cô Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), việc quản lý hồ sơ của học sinh vào lớp 1 hay lên lớp 6 rất thuận lợi, vì thông tin có sẵn trên hệ thống. Kể cả khi nhận trẻ vào lớp 1, nhà trường vào hệ thống này sẽ biết được có bao nhiêu em học trường mầm non nào trên địa bàn để xét tuyển đúng đối tượng.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã giúp các trường chủ động trong công tác tuyển sinh; giáo viên thuận lợi hơn trong dạy học. Mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp, trường học ở TP Cần Thơ thực hiện nhận hồ sơ tuyển sinh cho học sinh theo phương thức trực tuyến. Theo đó, trường chuẩn bị sẵn phiếu đăng ký xét tuyển và phát trực tiếp cho phụ huynh vào cuối năm học.

Sau khi phụ huynh học sinh ghi lại thông tin, bộ phận chuyên môn của nhà trường sẽ hoàn thiện toàn bộ hồ sơ, học bạ của học sinh và phiếu đăng ký, cập nhật lên hệ thống phần mềm tuyển sinh để chuyển đăng ký vào lớp đầu cấp…

Rèn kỹ năng số

Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã phát huy hiệu quả tích cực trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong thời gian học sinh tạm nghỉ để phòng chống dịch, sở GD&ÐT chỉ đạo các trường ứng dụng các phần mềm dạy học như: VNPT-Elearning, ViettelStudy, Zoom Cloud Meetings, Zalo, Facebook… để dạy học trực tuyến. Theo đó, các trường đã tạo hơn 20.000 khóa học với khoảng 54% số học sinh phổ thông tham gia học tập. Đây là tiền đề thuận lợi để năm học 2022 - 2023, ngành tiếp tục phát huy dù dạy – học trong bối cảnh bình thường mới.

Giờ dạy online tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ).

Giờ dạy online tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ).

Ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, cho hay, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giáo dục Cà Mau quan tâm chỉ đạo, triển khai. Nổi bật nhất là việc thực hiện chủ trương chuyển đổi số và kỹ năng số, bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ là công tác chuyển toàn bộ hồ sơ, sổ nghiệp vụ các cấp học từ mầm non đến phổ thông sang điện tử. Tỷ lệ sử dụng sổ liên lạc điện tử trong nhà trường đạt 90,37%.

Bên cạnh đó, triển khai phần mềm hỗ trợ công tác quản lý và dạy học như: Phần mềm quản lý ngân hàng đề thi phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá cấp THCS và THPT; hỗ trợ soạn giáo án điện tử; phần mềm tuyển sinh đầu cấp; thí điểm hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trong nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu và chống lạm thu...

Đặc biệt, một số trường học ở Cà Mau đã mạnh dạn chuyển đổi số từ phạm vi lớp học khi cho học sinh sử dụng điện thoại ở một số giờ để phục vụ học tập. Như Trường THCS - THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau), học sinh được dùng điện thoại khi nội dung bài giảng cần cập nhật kiến thức trên lớp, nhưng dưới sự quản lý chặt của giáo viên.

Còn tại Trường THCS - THPT Tân Lộc (huyện Thới Bình) ngoài phấn trắng, bảng đen, việc ứng dụng công nghệ thông tin làm cho giờ dạy học thêm sinh động, cuốn hút hơn. Theo đó, giờ học bắt đầu khi giáo viên giới thiệu tổng quát bằng hình ảnh minh họa qua phần mềm kết nối giữa máy vi tính với màn hình tivi. Sau đó, học sinh thảo luận, tham gia phát biểu, đóng góp xây dựng bài theo chủ đề…

Thầy Nguyễn Hữu Thiện, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhìn nhận: Sự tương tác giữa giáo viên và học sinh mang lại không khí sôi nổi. Các em hứng thú hơn, tiếp thu bài giảng nhanh. Nhà trường mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để phục vụ việc dạy học. Giáo viên hưởng ứng bằng cách tổ chức tiết dạy ứng dụng công nghệ thông tin trên lớp và kiểm tra online. Trường cũng có website riêng, việc họp phụ huynh cũng được tổ chức với hình thức trực tuyến...

Quận Ô Môn hiện có 39/39 trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS thực hiện quản lý hồ sơ học tập của học sinh trên cơ sở dữ liệu ngành. Việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên cũng được đơn giản hóa bằng số hóa. Tất cả dữ liệu của ngành Giáo dục được cập nhật vào hệ thống phần mềm giúp cho cán bộ quản lý tiện lợi, không rườm rà do phải ghi chép, lưu trữ sổ sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ