Những ‘quy tắc vàng’ để tránh vận chuyển hàng cấm ngoài ý muốn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vụ việc các tiếp viên hàng không xách tay số lượng lớn ma túy qua đường hàng không từ Pháp về Việt Nam vừa qua là bài học cảnh tỉnh rất lớn.

Do tính chất công việc nên shipper là những người dễ bị lợi dụng để vận chuyển hàng cấm.
Do tính chất công việc nên shipper là những người dễ bị lợi dụng để vận chuyển hàng cấm.

Qua vụ 4 tiếp viên hàng không “xách tay” số lượng lớn ma túy về Việt Nam, những người làm nghề vận chuyển hàng hóa, chuyên gia đã gợi ý những cách để người dân tránh việc tiếp tay cho hành vi vận chuyển hàng cấm.

Quy tắc khi giao nhận hàng của shipper

Vụ việc các tiếp viên hàng không xách tay số lượng lớn ma túy qua đường hàng không từ Pháp về Việt Nam vừa qua là bài học cảnh tỉnh rất lớn. Thực tế nhiều năm trở lại đây, phương thức giao hàng công nghệ phát triển dẫn đến sự ra đời của đội ngũ đông đảo người vận chuyển hàng (shipper).

Không ít những sự việc tội phạm lợi dụng phương thức giao hàng này để vận chuyển hàng cấm dẫn đến những shipper thường đối diện với nguy cơ vô tình vận chuyển các đơn hàng bị cất giấu ma túy hoặc chất nổ, vũ khí...

Để tránh cho bản thân rơi vào những tình huống “tình ngay, lý gian”, nhiều shipper cũng đã tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết. Ông Trương Văn Cường (58 tuổi, trú tại huyện Tiền Hải, Thái Bình) cho biết, những kiến thức này chủ yếu được thu thập, tích lũy từ thực tiễn hoạt động công việc.

6 năm làm shipper, ông Trương Văn Cường đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm để tránh rơi vào những sự việc đáng tiếc có liên quan đến pháp luật.
6 năm làm shipper, ông Trương Văn Cường đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm để tránh rơi vào những sự việc đáng tiếc có liên quan đến pháp luật.

Với kinh nghiệm 6 năm làm shipper, ông Cường cho hay, nghề nào cũng có những quy tắc, quy định riêng và nghề nghiệp mà ông đang làm cũng như thế. Quy tắc đầu tiên để tránh việc “rước họa vào thân” đó là việc phải yêu cầu khách được kiểm tra hàng trước khi giao.

“Thông thường, với những đơn hàng không có vấn đề gì, họ sẽ thoải mái để mình kiểm tra. Còn với những đơn hàng “có vấn đề”, đa phần khách sẽ đều từ chối cho shipper kiểm tra.

Thông qua cuộc trò chuyện với khách, shipper cũng có thể sơ bộ đánh giá được người mình đang phục vụ, từ đó có được quyết định nhận hay từ chối đơn hàng”, ông Cường chia sẻ.

Tuy nhiên, để tránh sự khó chịu cho khách, ông Cường cho rằng, không phải những đơn hàng nào shipper cũng yêu cầu được kiểm tra. Qua việc quan sát, những người làm nghề lâu năm sẽ đánh giá được đặc điểm những món hàng nghi ngờ là hàng cấm.

Những gói hàng này theo ông Cường thì thường được bọc kín, quấn băng keo nhiều lớp và có giá trị, thường là cao hơn so với những đơn hàng khác.

Nguyên tắc thứ 2, đó là shipper phải luôn đặt ra được câu hỏi nghi ngờ với những đơn hàng mà khách sẵn sàng trả phí vận chuyển cao. Thông thường, phí vận chuyển thường là 30.000 - 50.000 đồng cho một đơn hàng.

Tuy nhiên, có những khách lại lấy lý do đang vội, cần giao hàng gấp hay gì đó và hứa hẹn sẽ bồi dưỡng với số tiền cao hơn rất nhiều so với giá vận chuyển. Lúc này, shipper cũng cần bình tĩnh, yêu cầu được kiểm tra hàng trước khi giao.

Ông Cường kể, sau nhiều năm hành nghề, ông cũng từng gặp phải trường hợp tương tự mà nếu như không cảnh giác, rất có thể ông đã gặp rắc rối với pháp luật.

“Lần đó, tôi nhận được một đơn hàng từ phố Huế (Hai Bà Trưng) vận chuyển ra Ô Chợ Dừa (Đống Đa) lúc trời đã khá khuya. Một nam thanh niên chuyển cho tôi 3 hộp được bọc kín và nhờ tôi chuyển gấp.

Bù lại tôi sẽ được trả tiền công cao hơn. Khi thấy tôi khăng khăng yêu cầu được kiểm tra hàng, nam thanh niên này thú nhận đây là 3 hộp xì gà ngoại nhập không có giấy tờ gì. Cuốc hàng đó, tôi từ chối dù số tiền thù lao 200.000 đồng đối với những người lao động như chúng tôi là rất lớn”, ông Cường chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Long kiểm tra đơn hàng của khách.

Ông Nguyễn Văn Long kiểm tra đơn hàng của khách.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm để shipper tránh vướng phải những phiền toái không đáng có, ông Nguyễn Văn Long (49 tuổi, trú tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) cho biết bản thân ông chỉ nhận những đơn hàng có địa chỉ người gửi, người nhận rõ ràng và nhận hàng ở những khu vực đèn đường sáng, nhiều người qua lại.

Nam shipper cho biết những trường hợp khách không cho kiểm tra hàng vì lý do tế nhị nào đó, ông sẽ không ngần ngại yêu cầu khách cho chụp lại hình ảnh hoặc chứng minh thư nhân dân đồng thời ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn để làm căn cứ đối chứng nếu chẳng may rơi vào tình huống xấu.

Chuyên gia khuyến cáo gì?

Tiến sĩ, Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an.

Tiến sĩ, Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an.

Tiến sĩ, Thượng tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) đánh giá: Shipper là những người thường xuyên đối diện với nguy cơ vô tình vận chuyển các đơn hàng bị cất giấu ma túy hoặc chất nổ, vũ khí...

Khi những shipper rơi vào tình huống trên và bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, họ sẽ gặp nhiều khó khăn để chứng minh sự vô can, ngoại phạm của mình.

Vị chuyên gia tội phạm học cho biết, để chứng minh bản thân trong sạch trong những trường hợp này, các shipper cần xuất trình được tài liệu, chứng cứ như thông tin liên hệ người gửi, nhận hàng; thông tin trao đổi về việc gửi hàng; chứng cứ chứng minh về việc nhận tiền công vận chuyển; chứng cứ xác định về việc đã kiểm tra hàng hóa trước khi vận chuyển; hóa đơn, chứng từ của hàng hóa...

“Khi được nhờ cầm hộ hay vận chuyển hàng hóa, mỗi người cần đề cao cảnh giác và đặt ra câu hỏi nếu chẳng may đây là hàng cấm thì cần làm gì để chứng minh ngoại phạm cho mình”, Thượng tá Đào Trung Hiếu đưa ra quan điểm.

Bên cạnh đó, bằng kinh nghiệm thực tiễn trong nhiều năm trong nghề, ông Hiếu cũng đưa ra một số lời khuyên để những người shipper tránh rơi vào những tình huống vô tình tiếp tay cho hành vi vận chuyển hàng cấm.

Theo đó, khi nhận một kiện hàng để vận chuyển, shipper cần làm rõ người gửi hàng là ai, chuyển cho ai; yêu cầu ghi rõ các thông tin như họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số CCCD. Đối với trường hợp nhờ chuyển hộ, người được nhờ cần làm rõ lý do chuyển hàng hộ, làm rõ quan hệ các bên có đủ độ tin cậy, thân thiết để nhờ vả hay không.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, shipper trong quá trình trao đổi, giao dịch cần ghi âm lại các cuộc gọi, nói chuyện; chụp ảnh điện thoại người gửi hàng; lưu lại các tin nhắn nhờ vả (nếu có), đặc biệt, cần kiểm tra tận mắt, tận tay xem hàng hóa được nhờ vận chuyển là gì? Với những hàng hóa mà bằng mắt thường khó có thể xác định chủng loại, chất lượng, vị chuyên gia gợi ý, có thể yêu cầu xuất trình tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

“Không dễ tin vào lời trình bày của người gửi. Khi nhận đơn hàng, shipper nếu thấy không yên tâm thì nên từ chối vận chuyển, không nên vì tham chút lợi ích vật chất mà tự đẩy mình vào các rủi ro pháp lý. Với những lời đề nghị càng hấp dẫn, chẳng hạn như tiền công vận chuyển cao bất thường thì càng phải cảnh giác”, Thượng tá Hiếu nói.

Theo chuyên gia tội phạm học, không chỉ đội ngũ shipper, mọi người dân cũng cần nâng cao cảnh giác trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày tại nơi công cộng, đặc biệt là tại nhà ga, sân bay... Không nên trông hộ, giữ hộ hay xách hộ người lạ những vali, túi xách, đồ đạc hàng hóa nếu không biết bên trong có gì.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ