Phận shipper

GD&TĐ - Anh shipper tên Đạt bị anh mua hàng tên Nhạt cùng vợ dùng hung khí đánh cho gãy cả hai tay chỉ vì lời qua tiếng lại.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Anh shipper tên Đạt bị anh mua hàng tên Nhạt cùng vợ dùng hung khí đánh cho gãy cả hai tay chỉ vì lời qua tiếng lại “ai là người chịu 30 nghìn tiền phí ship nếu không nhận hàng đã đặt?”.

Vụ việc xảy ra hôm 17/2 trên địa bàn xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Hôm 20/2, công an đã bắt khẩn cấp hai vợ chồng này nhưng vẫn chưa khởi tố vụ án.

Có lẽ họ đang chờ kết quả giám định thương tật từ Bệnh viện 17 Đà Nẵng - nơi anh Đạt đang điều trị, để xác định mức độ tổn hại đối với nạn nhân này. Việc shipper Đạt bị đánh trọng thương đã nói lên phần nào về “thân phận làm shipper” hiện nay của nhiều thanh niên chưa tìm được việc làm ổn định.

Theo tường trình của anh Đạt, anh được phân công giao món hàng gồm hai cây đỗ quyên giá 200 nghìn đồng cộng 30 nghìn tiền phí cho gia đình Nhạt ở địa chỉ nói trên. Mở gói hàng ra xem, Nhạt không đồng ý nhận hàng, anh Đạt nối mạng với bên bán hàng để hai bên trao đổi.

Cuộc gọi kết thúc, bên bán hàng yêu cầu bên nhận hàng là phải trả phí ship nếu không nhận hai cây đỗ quyên nọ. Tuy nhiên, Nhạt chẳng những không trả 30 nghìn đồng phí ship, mà còn cùng với vợ dùng hung khí tấn công anh shipper này đến gãy cả hai tay phải đưa đi cấp cứu.

Rồi đây sẽ có cuộc đối chất giữa nạn nhân và kẻ hành hung để xem hai bên đã nặng lời với nhau như thế nào mới dẫn đến kết cục thật đáng tiếc và cũng đáng trách đó.

Nhưng dù sao thì cái sai vẫn thuộc về vợ chồng người mua hàng, vì không thể xót 30 nghìn đồng hoặc nghe anh shipper kèo nhèo đòi nợ mà tấn công người ta dẫn đến thương tích như thế. Tiếc 30 nghìn đồng nhưng có khi phải tốn gấp cả trăm lần số tiền ấy chứ chả chơi!

Kể từ khi xuất hiện hình thức bán hàng online, xã hội có thêm một nghề mới, đó là nghề giao hàng, giờ ai cũng gọi theo tên tiếng Anh là shipper. Dịch Covid-19 đã phong tỏa mọi ngõ ngách của cuộc sống đã làm tăng thêm số lượng người tham gia giao hàng theo hình thức này.

Vừa tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua nhưng cũng qua hình thức bán hàng này mà bao nhiêu khóc cười giữa anh shipper với chủ bán hàng lẫn người mua hàng.

Người mua hàng hoàn toàn không trực tiếp thấy sản phẩm mình mua mà chỉ tin vào quảng cáo của bên bán qua hình ảnh được đưa lên mạng. Bên bán hàng có nêu ra điều khoản là nếu không thấy đúng như quảng cáo thì khách có quyền trả lại. Nhưng cái khoản trả phí ship hàng, nếu trả lại sản phẩm, thì rất tù mù.

Về phía người mua hàng, do hàng không đúng như quảng cáo nên trả lại. Đã mua không được món hàng mình đặt, giờ lại phải trả phí thì vô lý quá. Về phía người bán, đã bán không được hàng, giờ lại phải trả phí cho bên giao hàng thì… càng vô lý hơn. Cuối cùng, nạn nhân trong cuộc mua bán không thành này chính là anh shipper.

Chở một món hàng đến tay người nhận, nếu cả bán lẫn mua đều trót lọt, anh shipper chỉ hưởng tỷ lệ hoa hồng theo thỏa thuận với công ty chứ chả phải anh ta hưởng trọn.

Nhưng nếu thỏa thuận bị trục trặc, như vụ việc đã dẫn trên đây, anh shipper hứng trọn, kể cả việc bị hành hung. Đó là chưa kể có những trường hợp khách hàng “thả bom”, tức cho địa chỉ ảo!

Shipper quả là một nghề đầy nhọc nhằn nhưng không kém phần bất an là vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.