Những nữ hiệu trưởng truyền cảm hứng sáng tạo cho đồng nghiệp

GD&TĐ - Với vai trò đứng đầu đơn vị, hiệu trưởng là những người định hướng, mở lối và đi đầu trong công cuộc đổi mới, đồng thời lan tỏa, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp.

Học sinh Trường Mầm non Giáp Bát (Hà Nội).
Học sinh Trường Mầm non Giáp Bát (Hà Nội).

Cô hiệu trưởng "mê sáng chế"

Cô Nguyễn Thị Cẩm Linh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, trong đó có 9 năm trên cương vị quản lý. Cô luôn nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thử thách bằng sự tận tụy với công việc, tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng sáng tạo và phấn đấu vươn lên.

Nói về đổi mới sáng tạo, cô Linh chia sẻ: Mỗi nhà giáo đều có trong mình những tâm huyết và sáng tạo nhất định, nhưng cán bộ quản lý phải là những người định hướng, mở lối và đi đầu trong công cuộc đổi mới; phải là những người có tâm huyết và sáng tạo nhiều nhất, để đem ngọn lửa tâm huyết sáng tạo ấy thổi vào cho đội ngũ giáo viên trong nhà trường.

Phát minh "Chiếc bàn ánh sáng" của cô Nguyễn Thị Cẩm Linh.
Phát minh "Chiếc bàn ánh sáng" của cô Nguyễn Thị Cẩm Linh.

Tại Trường mầm non Giáp Bát, trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy và học, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn do khuôn viên nhỏ bé (hơn 1.000 m2), hệ thống sân vườn thiên nhiên còn hạn chế, thiếu các điều kiện cho học sinh trải nghiệm, khám phá và đặc biệt là thiếu trang thiết bị hiện đại hỗ trợ giáo viên trong hoạt động dạy và học.

Từ thực tế đó, cô Linh luôn trăn trở, nghiên cứu và tìm tòi, học hỏi mong sẽ tìm ra hướng khắc phục được những khó khăn cho ngôi trường của mình. Năm học 2020-2021, cô thiết kế và ứng dụng thành công 2 thiết bị mang tên “Chiếc bàn ánh sáng” và “Máy chiếu sáng tạo” vào công tác tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo tại Trường Mầm non Giáp Bát.

Cô Nguyễn Thị Cẩm Linh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Giáp Bát.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Linh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Giáp Bát.

Với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, bạn bè, người thân, sau nhiều lần thử nghiệm, sản phẩm “Chiếc bàn ánh sáng” do cô Linh chế tạo đã ra đời. Sản phẩm này thực sự cuốn hút, hấp dẫn, giúp học sinh học và chơi mà quên mất là mình đang học bởi được đến với thiên nhiên, với các khám phá thú vị từ một góc nhìn hoàn toàn mới lạ.

Sau thành công của "Chiếc bàn ánh sáng", cô Linh đã truyền được ngọn lửa sáng tạo đến với các giáo viên trong trường để từ đó thi đua cùng nhau sưu tầm thùng gỗ, các nguyên vật liệu để tự thiết kế Chiếc bàn ánh sáng cho lớp học của riêng mình. Đến nay, tất cả lớp học của Trường Mầm non Giáp Bát đều có bàn ánh sáng. Sản phẩm này được nhân rộng ra một số trường trong quận Hoàng Mai.

Từ thành công trên, cô Cẩm Linh tiếp tục nghiên cứu điều kiện để đưa máy chiếu sáng tạo vào phòng chức năng của nhà trường như: Phòng chiếu phim, góc du lịch qua màn ảnh, không gian văn học... để học sinh được  hòa mình trong những không gian sống động, thế giới tự nhiên.

Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hà cùng giáo viên Trường Mầm non Yên Sở.
Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hà cùng giáo viên Trường Mầm non Yên Sở.

Cô giáo "xin đất" làm khu trải nghiệm

Năm 2000,  sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nhà trẻ Mẫu giáo Trung ương, cô Nguyễn Thị Hà về công tác tại Trường Mầm non Yên Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Mang trong mình trái tim yêu nghề, tràn đầy nhiệt huyết, cô đã không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức nhà giáo, tự học tự sáng tạo để có nhiều đổi mới trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.

Từ năm 2006 đến nay, với cương vị là Phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng nhà trường, cô Hà luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, cùng với Ban giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn xây dựng tập thể nhà trường đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến lồng ghép vào chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ.

Với những kinh nghiệm của mình, cô hiệu trưởng đã truyền lửa yêu nghề cho giáo viên, tạo điều kiện cho đội ngũ học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhà trường tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin cho giáo viên, xây dựng mô hình “Giáo viên hỗ trợ nhau cùng phát triển", tạo môi trường hạnh phúc để mỗi cá nhân phát huy hết năng lực của mình.

Trong những năm vừa qua cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hà luôn chú trọng đến việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Cô làm tốt công tác tham mưu đầu tư cở sở vật chất trong và ngoài các lớp đồng bộ hiện đại, môi trường lớp học sáng - xanh - sạch -đẹp, luôn thu hút hấp dẫn trẻ.

Học sinh Trường Mầm non Yên Sở được vui chơi trong không gian rộng rãi.
Học sinh Trường Mầm non Yên Sở được vui chơi trong không gian rộng rãi.

Sự phát triển chương trình theo hướng hiện đại hóa đã giúp chất lượng giáo dục của nhà trường trong những năm học vừa qua có kết quả vượt bậc. Điều này được thể hiện khi năm 2020, nhà trường nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020.

Năm học 2020-2021, cô Hà đã tận dụng tốt nguồn lực của địa phương để xây dựng một khu vui chơi ngoài trời rộng 2.700m2. Với chi phí rất thấp, cô Hà cùng tập thể nhà trường đã sáng tạo ra khu vui chơi, trải nghiệm thiên nhiên tuyệt vời cho trẻ.

Cô Hà cho biết: Đây là ước mơ đã ấp ủ từ lâu với mong muốn tạo được khu vui chơi ngoài trời như một công viên thu nhỏ, với những đồ chơi ngoài trời từ các nguyên vật liệu thiên nhiên, giúp các bé thư giãn, trải nghiệm, sống gần gũi với với thiên nhiên để phát triển toàn diện...

Sau hơn một năm đưa vào sử dụng, khu vui chơi, trải nghiệm đã mang lại nhiều giá trị. Qua quá trình sử dụng, trẻ mạnh dạn tự tin hơn trong các hoạt động, nảy sinh nhiều sáng kiến, ý tưởng. Khu vui chơi đã giúp trẻ được phát triển toàn diện về thể chất nhận thức, thẩm mỹ và những cảm xúc tích cực.

Theo bà Trần Thị Thu Hà- Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, trong những năm qua, các thầy cô giáo Thủ đô có nhiều ý tưởng giải pháp đổi mới trong quản lý, chỉ đạo dạy học, đổi mới phương pháp, xây dựng trường học hạnh phúc, bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy học trực tuyến, công tác giáo viên chủ nhiệm, ứng dụng công nghệ thông tin, làm đồ dùng dạy học. Những tâm huyết, đổi mới sáng tạo của các cô xứng đáng là tấm gương để đồng nghiệp noi theo, học tập, rèn luyện và cống hiến hết mình cho ngành Giáo dục Thủ đô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.