Chương trình mới thúc đẩy đổi mới sáng tạo

GD&TĐ - Theo một số ý kiến từ chuyên gia giáo dục, khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các nhà trường cần đẩy mạnh quá trình đổi mới, sáng tạo để phù hợp với thực tế.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền là chuyên gia cao cấp, tư vấn cho các chương trình dự án phát triển giáo dục của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm qua.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền là chuyên gia cao cấp, tư vấn cho các chương trình dự án phát triển giáo dục của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm qua.

LTS: PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục trực thuộc Học viện Quản lý giáo dục; chuyên gia cao cấp, tư vấn cho các chương trình dự án phát triển giáo dục của Bộ GD&ĐT, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á cùng nhiều tổ chức quốc tế và trong nước suốt hơn 30 năm qua. Bà sẽ chủ trì phiên thảo luận về “Mô hình trường học tiên tiến thúc đẩy đổi mới sáng tạo” trong sự kiện Thắp lửa cùng tiến lên 2022 do Mạng lưới Quản lý giáo dục EdulightenUp tổ chức tại Vinpearl Hạ Long vào ngày 27 và 28/3 tới đây.

Tại sao Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi sáng tạo nhiều hơn?

Có nhiều cách nhìn khác nhau về xu hướng đổi mới giáo dục thế giới. Tuy nhiên, xu hướng tiên tiến ngày nay đều hướng tới phát triển toàn diện học sinh – như đổi mới giáo dục của Việt Nam theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới hiện nay.

Tư tưởng đổi mới căn bản, toàn diện của Chương trình GDPT mới được thể hiện ở toàn bộ mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, đánh giá học sinh. Tư tưởng xuyên suốt là chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.

Nôm na là học sinh không chỉ BIẾT, NHỚ được mà là phải LÀM được, thể hiện qua 5 phẩm chất: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Và 10 năng lực gồm 3 năng lực chung: Tự chủ, tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo; 7 năng lực chuyên môn: Tìm hiểu tự nhiên xã hội, công nghệ, thẩm mỹ, thể chất, tin học, tính toán và ngôn ngữ.

Các yêu cầu mới về “sản phẩm giáo dục” và thay đổi cách biên soạn sách giáo khoa (SGK) đòi hỏi các nhà trường phải có cách làm mới, phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo mới có thể thực hiện được Chương trình GDPT 2018.

Chương trình mới chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt; SGK biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức; không như trước đây SGK biên soạn theo tiết, giáo viên có thể không cần tìm hiểu Chương trình mà chỉ cần tuân thủ dạy theo các kiến thức có sẵn ở các bài học trong SGK, dẫn đến dạy học thiếu chủ động, sáng tạo.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục.

Ở cấp THPT, bên cạnh những môn học bắt buộc là sự xuất hiện các môn học tự chọn. Việc cho phép học sinh chọn môn học theo sở thích, sở trường là một nội dung quan trọng thể hiện tinh thần tiến bộ của Chương trình. Tuy nhiên đòi hỏi các nhà trường cần rất chủ động và sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động dạy học theo Chương trình mới. Do vậy với Chương trình GDPT 2018, giáo viên, nhà trường được giao quyền và trách nhiệm nhiều hơn và cũng đòi hỏi sáng tạo nhiều hơn.

Thế nào là trường học thúc đẩy đổi mới sáng tạo?

Có thể hiểu, một nhà trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo phải có các hoạt động kích thích sự sáng tạo của giáo viên, học sinh phải thúc đẩy việc học tập và sự phát triển các kỹ năng của mỗi cá nhân. Các hoạt động trong nhà trường phải đảm bảo thúc đẩy niềm vui học tập và tăng cường các điều kiện để giáo viên và học sinh thực hành sáng tạo.

Dưới đây là một số ví dụ về các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhà trường:

Giáo viên, tổ chuyên môn, nhà trường nghiên cứu chương trình mới, SGK, đặc điểm của học sinh tại trường của mình để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy của giáo viên cụ thể, phù hợp với đối tượng học sinh.

Thúc đẩy việc phát triển các chủ đề học tập liên môn, chuyên đề học tập (THPT), giáo dục STEM… Học sinh được học tập theo phương pháp trải nghiệm, thực hành và đưa ra các ý tưởng sáng tạo. Thông qua các dự án học tập, giáo viên trở thành người thiết kế chương trình và học sinh hợp tác giải quyết các vấn đề.

Học sinh được xếp lớp dựa vào năng lực và kỹ năng của bản thân. Phát triển các chương trình giáo dục địa phương, gắn kết vào cộng đồng địa phương. Thông qua môi trường công nghệ, giáo viên và học sinh sáng tạo, giao tiếp, truy cập thông tin và trải nghiệm phương pháp học tập tự định hướng.

Hiệu trưởng cần làm gì để thúc đẩy đổi mới sáng tạo?

Từ năm học 2020-2021, Chương trình GDPT 2018 đã bắt đầu triển khai ở cấp Tiểu học với lớp 1; năm học 2021-2022 triển khai cả ở Tiểu học với các khối 1, 2 và cấp Trung học cơ sở ở lớp 6; trong năm học 2022-2023 sắp tới sẽ tiếp tục triển khai ở Tiểu học từ lớp 1, 2, 3; THCS với lớp 6, 7 và THPT với lớp 10.

Thời gian biểu tuần lễ sáng tạo của Trường THCS Cầu Giấy – Hà Nội, một trường đổi mới sáng tạo được lựa chọn trình bày điển hình tại Hội thảo sắp tới.
Thời gian biểu tuần lễ sáng tạo của Trường THCS Cầu Giấy – Hà Nội, một trường đổi mới sáng tạo được lựa chọn trình bày điển hình tại Hội thảo sắp tới.

Thực tế hiện nay, không ít hiệu trưởng rất trăn trở về trường học cần làm gì để có thể thực hiện tốt Chương trình mới, thầy cô, học sinh và cha mẹ học sinh các cấp vẫn còn lo lắng, nhất là học sinh THPT sẽ học chương trình mới bắt đầu từ năm học tới đây. Rõ ràng, hiệu trưởng không thể “cầm tay chỉ việc” cho giáo viên như trước đây, mà cần phải tạo ra môi trường giáo dục “nảy nở sáng tạo chân thực” của mọi giáo viên và học sinh. Điều này hoàn toàn khác với căn bệnh thành tích trước đây.

"Một trong các bí quyết của việc tạo môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo là "trao quyền" cho giáo viên, tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho họ. Tiếp đến, thầy cô sẽ tiếp tục trao quyền đổi mới sáng tạo cho học trò trong từng tiết học, môn học. Đem lại niềm vui học tập cho học sinh khi khám phá ra những điều mới mẻ của thế giới cũng như khám phá ra những tiềm năng của chính bản thân mình” - Nhà giáo ưu tú Lê Kim Anh, Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Hiệu trưởng đừng nghĩ giáo viên phải tuân thủ mọi mệnh lệnh của mình, mà hãy đưa ra một tầm nhìn đổi mới sáng tạo, cùng tập thể sư phạm thiết kế các chương trình hành động thực tế có lộ trình phù hợp. Đồng thời hướng mọi thành viên của nhà trường, cha mẹ học sinh và các bên liên quan cùng hành động để phát triển tối đa tiềm năng của mỗi học sinh…

Không chỉ vậy, còn rất nhiều bí quyết nữa từ chính thầy cô hiệu trưởng đang dày công vun đắp trường học thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chúng ta sẽ được nghe các chuyên gia giáo dục trong nước, quốc tế, các hiệu trưởng đổi mới sáng tạo nói về chủ đề này ở các phiên Hội thảo của Mạng lưới Quản lý giáo dục Không Biên Giới, ngày 27-28/3 tại Vinpearl-Hạ Long, Quảng Ninh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.