Những nữ anh hùng ngoài đời thực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong bối cảnh nam giới 'thống trị' lĩnh vực y tế, vẫn xuất hiện những nữ bác sĩ có đóng góp to lớn cho y học.

Tiến sĩ Jane Cooke Wright.
Tiến sĩ Jane Cooke Wright.

Họ thậm chí còn được coi như những nữ anh hùng trong đời thực. Dưới đây là những nữ bác sĩ góp phần làm thay đổi ngành y, do trang web Global Citizen có trụ sở tại Mỹ bầu chọn.

Tiến sĩ Jane Cooke Wright

Jane Cooke Wright (1919 - 2013) là một trong những nữ bác sĩ người Mỹ gốc Phi đầu tiên. Là nhà nghiên cứu về bệnh ung thư tại Harvard, bà đã thử nghiệm phương pháp điều trị hóa trị cá nhân cho các bệnh nhân, mở ra hướng điều trị quan trọng trong y học hiện đại.

Là một phụ nữ tiên phong thực sự trong lĩnh vực y tế, Tiến sĩ Jane Cooke Wright sinh ra trong gia đình có truyền thống đáng kinh ngạc. Cha bà - ông Louis Tompkins là người Mỹ gốc Phi đầu tiên tốt nghiệp Trường Y Harvard.

Tấm gương của cha đã thúc đẩy Jane vươn cao hơn nữa. Cả Jane và chị gái - bà Barbara đều theo nghề y. Jane Cooke Wright tốt nghiệp xuất sắc Trường Cao đẳng Y tế New York năm 1945.

Sự nghiệp của Jane Cooke Wright bao gồm một danh sách dài các thành tích: Điều trị cả ung thư vú và ung thư da; tiên phong về hóa trị liệu. Bà đồng thời đã xuất bản hơn 100 bài báo về hóa trị liệu ung thư. Nữ chuyên gia cũng đã dẫn đầu các nhóm nghiên cứu về ung thư đến châu Phi, Trung Quốc, Đông Âu và Liên Xô.

Jane Cooke Wright cũng là một trong bảy người sáng lập Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ. Bà là người phụ nữ đầu tiên được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Ung thư New York.

Ngoài ra, bà còn là bác sĩ người Mỹ gốc Phi được xếp hạng cao nhất tại một trường cao đẳng y tế vào năm 1967 và được Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson bổ nhiệm vào Ban Cố vấn Ung thư quốc gia.

Tiến sĩ Helen Mayo

Là một bác sĩ và nhà giáo dục y khoa đến từ Adelaide (Australia), Tiến sĩ Helen Mayo được biết đến bởi thành công trong việc hạn chế tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao tại Nam Úc vào đầu thế kỷ 20.

Helen đã thành lập hiệp hội chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ sơ sinh đầu tiên trong khu vực. Ban đầu, tổ chức này được gọi là Trường học của các bà mẹ ở Adelaide và sau đó trở thành Hiệp hội Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ sơ sinh nổi tiếng.

Helen Mayo cũng là người đứng ra đòi quyền lợi cho những phụ nữ khác. Là người phụ nữ đầu tiên ở Australia được bầu vào hội đồng trường đại học, bà Mayo đã thành lập Câu lạc bộ Lyceum Adelaide.

Đây là nơi phụ nữ có thể gặp gỡ và giúp đỡ những người khác thăng tiến trong các lĩnh vực họ có triển vọng. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Helen Mayo còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống phúc lợi trẻ sơ sinh của Australia.

Tiến sĩ Anthony Novello

Tiến sĩ Anthony Novello là người phụ nữ và người gốc Tây Ban Nha đầu tiên giữ chức vụ Tổng Y sĩ tại Mỹ từ năm 1990 - 1993. Bà Novello đồng thời còn là phó đô đốc trong Quân đoàn Ủy ban Dịch vụ Y tế Công cộng và Ủy viên Y tế của bang New York.

Trong thời gian làm bác sĩ phẫu thuật, bà tập trung vào nhiều chủ đề bao gồm: Sức khỏe phụ nữ, uống rượu khi chưa đủ tuổi vị thành niên, trẻ em thiểu số, hút thuốc và AIDS. Tiến sĩ Anthony Novello là người chịu trách nhiệm phát động Sáng kiến Trẻ em Khỏe mạnh Sẵn sàng Học tập. Bà cũng tham gia vào việc thúc đẩy việc tiêm chủng cho trẻ em.

Tiến sĩ Susan Love

Tiến sĩ Susan Love - bác sĩ phẫu thuật người Mỹ, là một trong những chuyên gia sức khỏe phụ nữ được kính trọng nhất. Susan Love là tác giả và người ủng hộ nghiên cứu phòng ngừa ung thư vú.

Bà thành lập Quỹ Nghiên cứu Tiến sĩ Susan Love vào năm 1983. Nhiệm vụ của quỹ là “đạt được một tương lai không có ung thư vú, bằng cách tập trung vào phòng ngừa và tìm ra nguyên nhân”. Dự án khác mà Tiến sĩ Susan Love thành lập còn bao gồm Chương trình Quân đội Phụ nữ.

Đây là một chương trình nghiên cứu đối tác tập trung vào các phương pháp chữa trị phòng ngừa ung thư vú cho cả phụ nữ và nam giới. Một dự án khác của Tiến sĩ Love là Nghiên cứu Sức khỏe Phụ nữ. Nghiên cứu đã sử dụng một nhóm thuần tập trực tuyến để đưa ra lời khuyên về tiền bạc và y tế cho phụ nữ.

Tiến sĩ Susan Love từng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Chính điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực của bà trong việc ủng hộ sự chú ý tốt hơn dành cho cả các nhà nghiên cứu để tìm ra phương pháp chữa trị ung thư.

Tiến sĩ Gertrude Elion

Là một nhà hóa sinh và dược sĩ người Mỹ, Tiến sĩ Gertrude Elion đã đoạt giải Nobel Y học năm 1988. Bà đã phát minh ra nhiều loại thuốc điều trị bệnh bạch cầu, bệnh gút, sốt rét, mụn rộp do virus và ngăn ngừa thải ghép thận. Đóng góp nổi tiếng nhất của Tiến sĩ Gertrude Elion là thuốc kháng virus đầu tiên điều trị AIDS - aziothymidine, được gọi là AZT.

Gertrude chưa bao giờ nhận bằng tiến sĩ trong lĩnh vực hóa sinh của mình. Tuy nhiên, bà đã được trao bằng danh dự của Trường Đại học Bách khoa New York và bằng Tiến sĩ Khoa học danh dự của Trường Đại học Harvard.

Ngoài Nobel, Elion là một trong số ít phụ nữ nhận được Huân chương Garvan của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ năm 1968, được trao tặng Huân chương Khoa học Mỹ năm 1991.

Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được đưa tên vào Đại sảnh Danh vọng các nhà phát minh quốc gia. Năm 1995, Elion còn được chọn làm Thành viên nước ngoài của Hiệp hội Hoàng gia Anh, cùng rất nhiều học hàm giáo sư cũng như học vị tiến sĩ danh dự khác.

Theo Global Citizen

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: Website nhà trường

Cần 'cú hích' cho đại học vùng

GD&TĐ - Dù đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng 30 năm qua, các đại học vùng vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.