Những nhóm thuốc nào vừa được Bộ Y tế gia hạn sử dụng?

GD&TĐ - Theo Luật Dược hiện hành, thuốc muốn lưu thông hợp pháp trên thị trường phải được doanh nghiệp đăng ký lưu hành.

Đến hết 31/12/2022, có 5.000 thuốc trong số hơn 10.000 đã được gia hạn thì tự động hết hạn. Ảnh minh họa.
Đến hết 31/12/2022, có 5.000 thuốc trong số hơn 10.000 đã được gia hạn thì tự động hết hạn. Ảnh minh họa.

Gần 8.900 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin sinh phẩm có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.

Ngày 8/2, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế có Quyết định số 62 công bố danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội (Đợt 1).

Trong danh mục này, gần 8.900 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin sinh phẩm có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.

Danh mục này gồm 3 nhóm: 6.819 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước; 1.856 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất tại nước ngoài và 203 loại vắc-xin, sinh phẩm.

Các thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố đợt này gồm thuốc điều trị bệnh lý thông thường và bệnh lý chuyên khoa như tim mạch, tiêu hóa, tiểu đường, cơ xương khớp, hô hấp, nhiễm khuẩn, ung thư...

Năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 29/2022 của Chính phủ, Bộ Y tế đã công bố hơn 10.300 thuốc tiếp tục sử dụng giấy đăng ký đến hết ngày 31/12/2022.

Đầu tháng 12/2022, Bộ Y tế có báo cáo tổng kết triển khai về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo Luật Dược 2016 trước tình trạng hơn 9.000 giấy đăng ký (chiếm 40% số lượng thuốc trên thị trường) hết hạn đăng ký đến hết ngày 31/12/2022, nghĩa là không thể lưu hành từ ngày 1/1/2023 do không được gia hạn.

Cùng đó, theo tính toán của Bộ Y tế, năm nay, có thêm 3.802 giấy đăng ký thuốc hết hiệu lực. Điều này dẫn đến số lượng hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc phải xử lý từ cuối năm 2022 đến hết năm nay là rất lớn (gần 14.000 thuốc).

Tình trạng đó gây nguy cơ thiếu thuốc trầm trọng nếu không nhanh chóng xử lý. Bộ Y tế cũng nhận định, nếu không gia hạn kịp thời, doanh nghiệp dược phải dừng sản xuất, kinh doanh, người lao động mất việc làm.

Trong khi đó, thủ tục gia hạn theo quy định hiện hành vẫn rất chậm và không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; nhân lực của Cục Quản lý dược “bị quá tải” khi một năm phải xử lý hàng nghìn hồ sơ.

“Dự kiến mỗi tháng Cục Quản lý dược chỉ xử lý được khoảng 500 hồ sơ gia hạn, tối đa khoảng 6.000 hồ sơ một năm”, báo cáo của Bộ Y tế nêu.

Theo Luật Dược hiện hành, thuốc muốn lưu thông hợp pháp trên thị trường phải được doanh nghiệp đăng ký lưu hành. Đây là điều kiện bắt buộc. Giấy do Bộ Y tế cấp có thời hạn 5 năm hoặc 3 năm. Trong 12 tháng trước khi giấy hết hạn, cơ sở đăng ký phải nộp hồ sơ gia hạn giấy này, nếu không phải ngừng cung ứng loại thuốc đó.

Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, Nghị quyết 30 của Quốc hội và Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép mở ra cơ chế những thuốc nào đến hết thời hạn lưu hành thuốc mà chưa kịp gia hạn thì sẽ được kéo dài để đảm bảo nguồn cung.

Đã có 10.304 thuốc đã được gia hạn. Bên cạnh đó, cộng với những điều đang làm hàng ngày thì mỗi tháng tăng thêm 500 thuốc, một năm khoảng 6.000 thuốc thì có khoảng hơn 21.000 thuốc đảm bảo cung ứng đủ.

“Tuy nhiên, đến hết 31/12/2022, có 5.000 thuốc trong số hơn 10.000 đã được gia hạn thì tự động hết hạn. Cộng với những thuốc hết hạn một cách tự nhiên thì năm 2023 khoảng 3.800, năm 2024 khoảng 3.600 nữa thì chúng ta thiếu trên 12.000 thuốc. Như vậy, chiếm khoảng 50% thuốc đang lưu hành”, bà Đào Hồng Lan nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ