Những nhà giáo đi B: xúc động ngày gặp lại

Những nhà giáo đi B: xúc động ngày gặp lại
Những nhà giáo đi B trong buổi gặp mặt tại Khách sạn 23 Lê Thánh Tông - Hà Nội. Ảnh: N.N
Những nhà giáo đi B trong buổi gặp mặt tại Khách sạn 23 Lê Thánh Tông - Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn

Đây là một hoạt động đầy ý nghĩa được tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày ngày Giải phóng miền Nam nhằm tri ân đội ngũ thầy cô giáo đã đi B trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Buổi gặp mặt lần này càng có ý nghĩa hơn khi Chi hội cựu giáo chức các nhà giáo đi B chính thức được thành lập.

Trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước, ngành Giáo dục đã có những đóng góp rất to lớn. Một lực lượng nhà giáo ở Miền Bắc đã được Đảng, Nhà nước điều động vào Miền Nam chi viện, hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp giải phóng đất nước. Nhiều nhà giáo đã hi sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ. Một lực lượng nhà giáo cách mạng của Miền Nam ở vùng giải phóng và trong vùng địch tạm chiếm đã ngoan cường, dũng cảm duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn gian khổ.

Hiện nay, thế hệ nhà giáo đó hầu hết đã nghỉ hưu, là những cựu giáo chức vẫn tâm huyết với ngành, sống mẫu mực. Nhiều người trong số họ hiện đang phải mang thương tật và đời sống còn nhiều khó khăn.

Trong buổi gặp mặt đầy ý nghĩa và xúc động này, nhiều thầy cô giáo đã cùng ôn lại những kỷ niệm kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng.

Bác Nguyễn Đức Châu, người từng được bổ nhiệm làm trưởng ty giáo dục tỉnh Mỹ Tho năm 1968 nhớ lại: Năm 1965, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, bác đã bỏ cả gia đình với vợ trẻ và 2 con thơ, đứa nhỏ mới vài tháng tuổi để vào Nam. Cùng đi với bác chỉ có một người bạn người Bắc, nhưng người bạn đó cũng hy sinh sau khi vào Nam được 6 tháng. Công việc của bác là mở những trường lớp tập trung, có những lớp là để đào tạo giáo viên cho các làng, thôn, xã; có những lớp đào tạo học sinh phổ thông để làm cốt cán cho giáo dục, cốt cán cho các ngành. Ngoài ra còn phải làm công tác đấu tranh với địch về giáo dục, xây dựng cơ sở giáo dục trong vùng địch tạm chiếm. Khó khăn thì khó có thể kể hết, khoảng cách giữa cái sống và cái chết mong manh vô cùng...

Cô
   Cô Phạm Thị Hải Ấm. Ảnh: gdtd.vn

Cô Phạm Thị Hải Ấm, nguyên cán bộ của Bộ GD&ĐT vào Nam ngày 5/3/1969 theo khung giáo viên sư phạm bổ sung cho các tỉnh kết nghĩa trong miền Nam không thể quên được câu nói của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thời đó căn dặn trước khi lên đường: Hãy mang những gì ưu việt nhất của miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào miền Nam. Câu nói đó đã theo cô trong suốt quá trình công tác. Thời đó, ngày đi dạy học sinh, tối đi dạy giáo viên, các cô tự hào vì được coi như những hạt giống đỏ của miền Bắc. Cuộc sống thì vô cùng gian khổ, sống chết không biết lúc nào nên thư về nhà thậm chí cũng không mấy viết. Có người vừa viết thư xong thì hy sinh.

Những kỷ niệm với cô đến nay còn nóng hổi như chuyện vượt Trường Sơn, trèo đèo lội suối, anh em đồng đội sống chết bên nhau. Đáng nhớ nhất là những ngày đầu vào Nam, khó thích nghi với nhiều sinh hoạt lạ lẫm. Trong Nam 6 tháng mùa khô, 6 tháng mùa nước mà mùa nước thì nước ngập mênh mông, đi đâu cũng phải bằng xuồng, tất cả sinh hoạt cá nhân phải biết bơi xuồng mới giải quyết được. Cô kể lại, những người không quen thường hy sinh ngay lúc đầu. Những ai trụ được trong mấy tháng đầu, có kinh nghiệm sẽ sống sót được...

Cũng theo cô Phạm Thị Hải Ấm, cả nước có khoảng trên 3000 nhà giáo tham gia đi B trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong số đó, hơn 1000 người đã hy sinh. Và chính cô Ấm là người đã trân trọng lưu lại danh sách hàng nghìn nhà giáo đi B đã hy sinh đó với một mối ân tình đặc biệt.

Lập Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ