Ước nguyện trẻ được đến trường
Xã Thanh Quân là xã cuối cùng của huyện Như Xuân giáp với tỉnh Nghệ An. Từ trung tâm huyện Như Xuân và đến xã Thanh Quân chừng hơn 30 km, nhưng phải mất gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua đoạn đường đã bị xuống cấp, hư hỏng lâu năm này. Đi qua những thửa ruộng bậc thang, những ngọn núi nối nhau, Trường mầm non xã Thanh Quân nằm gối bên sườn núi, cạnh những nếp nhà sàn của thôn Kẻ Lạng.
Là xã đặc biệt khó khăn, người dân xã Thanh Quân và các vùng lân cận (chủ yếu là dân tộc Thái) sống nhờ vào chăn nuôi nhỏ, lẻ; những ruộng lúa bậc thang; đồi mía, sắn khi được mùa, khi mất mùa. Giữa trưa của ngày tiết trời đông, những nếp nhà sàn ấm áp bởi những làn khói bếp phủ. Tiếng nước chảy bên khe suối, trâu già vẫy đuôi, cựa mình bên vũng nước. Trường lớp im ắng, lâu lâu lại nghe tiếng ru hời, à ơi của thầy, cô cho trẻ ngủ giờ nghỉ trưa. Không gian núi rừng Thanh Quân bình yên đến lạ!
Theo đúng lịch trình, chúng tôi ghé thăm trường mầm non khi các cháu đã ngon giấc ngủ. Đón chúng tôi với tấm lòng như lâu lắm mới có khách xa về thăm trường, các thầy, cô giản dị trong từng câu chuyện kể bên ấm chè lá cây rừng.
“Trước đây, xã Thanh Quân chưa có trường mầm non, người dân nơi đây mong muốn con em mình được đi học nên đã động viên những thanh niên đi học để về dạy trẻ em trong xã. Khi đó, trong xã chỉ có 6 người (toàn là nam) được cử đi học. Nhưng sau đó có 1 người bỏ giữa chừng, còn lại 5 người.
Năm 1996, chúng tôi thi tuyển vào trường để dạy học, phần thi chủ yếu là năng khiếu hát và múa. Ngày ấy, trường chưa được xây dựng nên phải học nhờ ở nhà sàn của nhà dân ở 2 thôn trong xã. Những ngày đầu nhiều vất vả khi cơ sở vật chất không có, trường có 5 thầy giáo là thầy Vi Văn Hướng, Vi Văn Tiến, Lương Văn Cường, Hoàng Thanh Tình, Vi Văn Dương chia nhau đến hai điểm trường để dạy. Lúc bấy giờ, các thầy dạy học mỗi tháng được trợ cấp 50 kg thóc/ 1 vụ.
Dù vậy, các thầy vẫn kiên trì bám lớp, bám trường với mong muốn trẻ con vùng cao quê hương mình được đến trường” - Thầy Vi Văn Hướng (SN 1969), giáo viên Trường mầm non Thanh Quân nhớ lại.
Sau này trường được xây dựng mới, nhiều giáo viên về trường nhưng cũng toàn giáo viên nữ. Thế nhưng, sự đặc biệt ấy cũng không khiến các thầy giáo mầm non nơi đây nản lòng, hàng ngày các thầy vẫn lên lớp chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, dạy học và chơi cùng các cháu như những người cha, người mẹ thứ hai.
Thầy Vi Văn Dương (SN 1967) chia sẻ: Mầm non là cấp học có nhiều đặc thù do lứa tuổi các em còn nhỏ, vì vậy lâu nay người ta vẫn quan niệm các cô giáo sẽ nhẹ nhàng, khéo léo, yêu thương học sinh như người mẹ thứ hai của các em ở trường.
Thời gian đầu khi chúng tôi đi dạy nhiều bạn bè cũng trêu trọc nhưng tôi nghĩ nghề gì cũng cần có nhiệt huyết là sẽ làm được. Đặc biệt với nghề giáo viên mầm non thì các thầy lại càng phải cố gắng nhiều hơn, có tình yêu trẻ, yêu nghề thì sẽ làm tốt và được các con yêu quý.
Tình yêu làm nên điều kỳ diệu
Những kỹ năng dạy trẻ mầm non tưởng như các thầy khó có thể làm được, nhưng mọi thứ đều trở nên thành thục khi các thầy dùng tình yêu trẻ, yêu nghề để vượt qua mọi khó khăn.
Dự các giờ học của các thầy nơi đây, chúng tôi như được trở về với tuổi thơ của mình trong những câu chuyện cổ tích, những bài hát, điệu múa… Mỗi thầy có phong cách và phương pháp dạy khác nhau dành cho từng lứa tuổi mầm non, nhưng đều thể hiện sự chuyên nghiệp. Giọng nói truyền cảm, chất chứa tình yêu thương của các thầy thu hút các cháu nhỏ trong từng bài dạy. Những đôi mắt trẻ chăm chú, thỉnh thoảng phá lên điệu cười thích thú với những lời nói, động tác của các thầy!
Thầy Hoàng Thanh Tình (SN 1974) tâm sự: Các thầy không chỉ được phân công dạy nhóm lớp lớn 4 đến 5 tưổi mà còn đảm nhiệm dạy lớp nhỏ từ 20 đến 36 tháng tuổi. Dạy các cháu ở lứa tuổi nhỏ này khó và vất vả hơn. Có những cháu, mới đi học còn lạ lẫm nên khóc rất nhiều, các thầy phải bế và dỗ dành nhiều hơn để các cháu quen dần môi trường mới lớp học.
Có những em đến giờ ngủ trưa nhưng khóc đòi về nhà với mẹ, các thầy lại bế đi khắp hành lang lớp học để dỗ cho em nín. Cấp học mầm non có nhiều vất vả hơn so với những cấp học khác nhưng vào nghề rồi mới thấy nhiều điều thú vị. Thời gian gắn bó với trẻ đã gần 20 năm rồi, chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với các con.
Khoảng thời gian hàng chục năm trong vai trò “người mẹ thứ hai” chăm trẻ nhỏ tại trường, các thầy giáo cũng đã phải trải qua những thời điểm khó khăn khi mới bước vào nghề, trước định kiến ngành nghề của mình… Giờ đây, như chẳng khó khăn nào mà các thầy không thể vượt qua trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Hơn ai hết, các thầy hiểu rõ tình yêu, sự vất vả của một người mẹ dành cho con là thế nào…
Có lẽ vì vậy mà khi được hỏi nếu có điều kiện bố trí công việc khác phù hợp hơn cho các thầy, các thầy đều nói sẽ không chuyển vì đã quen và yêu công việc dạy trẻ nơi đây rồi.
Trống điểm giờ giải lao, trẻ từ các lớp học ùa ra sân chơi đùa, nhiều em nhỏ nắm tay thầy, ôm cổ thầy cười đùa, em thì ngồi vào lòng thầy nghe kể chuyện. Chứng kiến những hình ảnh đó chúng tôi mới thấy được không phải các cô giáo dịu dàng, khéo léo mới dạy mầm non mà bằng tình yêu thương chân thành, lòng nhiệt huyết các thầy giáo tưởng như nghiêm khắc vẫn chiếm được tình cảm, sự yêu quý của trẻ; hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Cô Lê Thị Bảy - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Xuân - cho biết: Huyện Như Xuân có hơn 10 thầy giáo mầm non. Trong đó, Trường mầm non Thanh Quân có số giáo viên nam là nhiều nhất (5 người, gồm có 4 người ở điểm chính, 1 người dạy ở điểm lẻ). Các thầy ở đây không chỉ hát hay, múa dẻo mà còn rất khéo tay. Vừa qua, trong kỳ thi về làm đồ chơi, dụng cụ học tập cho học sinh, thầy Lương Văn Cường dạy ở điểm lẻ Trường mầm non Thanh Quân đã đạt giải Nhất.
Tạm biệt các thầy cô Trường mầm non Thanh Quân ra về nhưng hình ảnh những thầy giáo đeo kính dạy hát cho trẻ nhỏ ở đây như mang sắc màu lung linh, điều kỳ diệu, ấm áp giữa cuộc sống còn bộn bề, khó khăn này.