Những người đi gom nhặt hạnh phúc cho trẻ mồ côi

GD&TĐ - Giữa những đứa trẻ mồ côi, không cha, không mẹ đang ngồi chăm chỉ học bài, các cô, các anh thực sự là điểm tựa tinh thần vững trãi, ấm áp nghĩa tình…

Cơ sở mới của Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai tại phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)
Cơ sở mới của Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai tại phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)

 “Cha mẹ nào cũng mong cho con mình sau này thành công trong cuộc sống, còn riêng với cán bộ, nhân viên ở đây chỉ mong các con sống vui, sống khỏe và sống có trách nhiệm với bản thân mình…” - Cô Nguyễn Thị Xuân – Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai (phường Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), người đã tình nguyện gắn bó cuộc đời mình với những trẻ em mồ côi trong nhiều năm qua chia sẻ.

Ngôi nhà chung ấm áp nghĩa tình

Không hiểu vì sao khi đi trên con đường dẫn vào cơ sở mới của Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai, trong tôi lại có cảm giác giống như lần đầu tiên cách đây gần 4 năm đặt chân đến thăm cơ sở lúc đang còn ở tổ 27 Đông Trà (phường Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn). 

Có lẽ vì khung cảnh con đường nhỏ dẫn vào Trung tâm còn mang nhiều nét hoang sơ như tâm hồn của những đứa trẻ có số phận kém may mắn đang được chăm sóc, nuôi dưỡng ở đây.

Hôm đến thăm, chúng tôi thật sự xúc động khi được chứng kiến một khung cảnh thật đầm ấm, những đứa trẻ cùng các thầy cô chụm đầu làm bánh, cười cười, nói nói, rộn rã cả căn phòng. 

Qua cô Trần Thị Ngọc Anh - Phó Giám đốc - chúng tôi được biết, Trung tâm di chuyển từ phường Hòa Hải lên đây cách đây 2 năm và hiện chăm sóc nuôi dưỡng 50 trẻ. 

Tất cả các trẻ đến đây đều có hoàn cảnh đặc biệt, phần lớn là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, số còn lại còn cha hoặc còn mẹ nhưng đều mang bệnh nặng không thể tự nuôi sống được bản thân. 

Các em tới đây mong tìm được một nơi chở che, một điểm tựa yêu thương, nâng đỡ để tiếp bước vào đời. Ở đây, các em không những được đi học ở trường, mà còn được học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp tại trung tâm. 

Ngày ngày được các thầy cô dạy bảo từng nếp ăn, nếp ở, tạo lập những kỹ năng sống, giúp các em dần dần xây dựng cuộc sống tự lập.

Nếu có dịp đến thăm các trẻ mô côi tại trung tâm, chắc hẳn ai cũng có cảm nhận về trung tâm như một gia đình lớn, mọi thành viên đều sống trong tình thương yêu, cùng lo lắng, chia sẻ với nhau từ những điều giản dị đời thường nhất. 

Bên cạnh các em vẫn luôn có những tấm lòng cao cả, họ là những cán bộ, nhân viên ân cần, săn sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Những người đã tự nguyện đến với các em không chỉ bằng tình thương yêu của một người mẹ, người cha, mà còn mang cả tấm lòng ấm áp của một người thầy, người cô, với một nguyện ước hết sức đời thường: “Mong các em sẽ không còn lẻ loi giữa cuộc đời này”.

Cần có thêm những tấm lòng san sẻ!

Được chuyển đến cơ sở mới với hệ thống cơ sở vật chất được xây dựng khá khang trang, có thêm điều kiện tốt để chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ, nhưng cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai vẫn còn nhiều trăn trở với bộn bề những nỗi lo toan. 

Là đơn vị trực thuộc quản lý của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng, nhưng Trung tâm không được hưởng nguồn kinh phí từ Hội nên mọi hoạt động gặp phải rất nhiều khó khăn.

Theo Ban lãnh đạo Trung tâm, hiện nay kinh phí hoạt động hàng năm đều dựa vào sự hỗ trợ của tổ chức Hội Những người Việt Nam ở Pháp (AASORV). 

Ngoài ra, để có thêm kinh phí trang trải mua sắm trang thiết bị, vật dụng và cải thiện bữa ăn, chi phí sinh hoạt, học tập cho các trẻ…tập thể cán bộ, nhân viên còn tích cực tăng gia sản xuất bằng các mô hình phát triển kinh tế. 

Tuy nhiên, từ khi lên cơ sở mới, mô hình trồng nấm bào ngư và chăn nuôi không thể tiếp tục thực hiện được vì không có điều kiện.

Tự nguyện gắn cuộc đời mình với những trẻ thơ có số phận kém may mắn và là người trực tiếp chăm sóc, dạy tiếng Anh cho các em tại trung tâm trong nhiều năm qua, anh Lê Đức Khánh tâm sự: 

“Từ khi gắn bó cuộc đời mình với các em, chúng tôi đã nghiệm ra một điều, để chăm sóc, giáo dục tốt các em thì chỉ có tình thương yêu thôi chưa đủ. 

Bởi vì những lý do rất nhạy cảm nên tâm hồn các em rất dễ bị tổn thương, mặc cảm với số phận, luôn có cảm giác lẻ loi, đơn độc… Thế nên mình cần có những kinh nghiệm cuộc sống nhất định và phải biết hi sinh đi những lợi ích đời thường cá nhân”.

Bởi vậy, cho dù cuộc sống mỗi cán bộ, nhân viên ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng tất cả đều chung một suy nghĩ: “Cuộc sống không có hạnh phúc lớn mà chỉ có gom nhặt những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà thành”. Nên ai cũng tâm nguyện sẽ tiếp tục đi gom nhặt hạnh phúc cho những trẻ thơ có số phận không may để nhân lên hạnh phúc cuộc đời!

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ