Những ngôi trường 'thay áo mới'

GD&TĐ -Thiếu nước sạch, phòng học xuống cấp, nhà vệ sinh hôi hám là những thực trạng đã tồn đọng nhiều năm tại các trường công lập Ấn Độ.

Trường Công lập Delhi, Ấ́n Độ.
Trường Công lập Delhi, Ấ́n Độ.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục New Delhi đã từng bước xoá bỏ hình ảnh này và trở thành mô hình tiên phong cho cả nước.

Ngôi trường màu đỏ

Pradeep Paswan, 20 tuổi, từng trốn học nhiều tuần liên tiếp, đôi khi là cả tháng vì không thể chịu đựng những căn phòng nóng nực vào mùa hè, nhà vệ sinh bẩn thỉu, hôi hám tại trường học. Nhưng giờ đây, đều đặn mỗi ngày, nam sinh dậy trước 7 giờ sáng, khoác lên mình bộ đồng phục được là thẳng thớm và háo hức di chuyển đến Trường Sarvodaya Vidyalaya, thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Ngôi trường mở ra trước mắt Paswan với một diện mạo hoàn toàn khác biệt. Những tòa nhà được xây mới, nhà vệ sinh sạch sẽ thay thế những bức tường hoen ố và xuống cấp trầm trọng. “Ngôi trường giờ đây không còn là nỗi ác mộng. Em đi học với mong muốn tri thức sẽ giúp mình thay đổi cuộc đời”, Paswan, hiện đang học lớp 12 chia sẻ.

Tại Ấn Độ, giáo dục được ví như “phao cứu sinh” giúp người dân thoát khỏi vòng lặp đói nghèo. Nhưng trái ngược với hy vọng của những mảnh đời khó khăn nhất, các trường công lập nước này từ lâu đã không đảm bảo an toàn vệ sinh và cơ sở hạ tầng.

Những ngôi trường xuống cấp, không có nước sạch. Công tác quản lý yếu kém, chất lượng giáo viên thấp. Thậm chí, bữa ăn học đường cũng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo khảo sát nhanh về trẻ em trong giai đoạn 2013 – 2014 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), gần 22% trường học Ấn Độ không có nhà vệ sinh dành cho trẻ em gái và 58% trường mầm non không có nhà vệ sinh. Gần 56% trường mầm non thiếu nước sạch. Các trường công lập ở nông thôn không có hệ thống lọc nước và nước dùng vẫn chứa chất gây ô nhiễm như sắt, asen, florua...

Ngôi trường của Paswan nằm trong một khu dân cư dành cho tầng lớp lao động nghèo ở Delhi. Trường từng được gọi là “ngôi trường màu đỏ” theo màu sắc đồng phục nhưng lý do chính là học sinh nhà trường thường xuyên ẩu đả dẫn đến thương tích.

Khung cảnh bây giờ hoàn toàn trái ngược. Là trường điểm trong khu vực, Trường Sarvodaya Vidyalaya hiện nay được rất nhiều phụ huynh đăng ký cho con theo học. Năm học 2021 – 2022, với chỉ tiêu là 3.500 học sinh, nhà trường đã phải từ chối đơn đăng ký của hàng trăm ứng viên. Bên cạnh chương trình phổ thông, học sinh học cách làm vườn, nuôi dưỡng hạnh phúc và tâm hồn. Chương trình là một phần của dự án thúc đẩy “giá trị nhân văn” trong trường học và giảm thiểu học vẹt.

Năm 2021, 100% học sinh nhà trường hoàn thành kỳ thi đánh giá năng lực lớp 10 và lớp 12, so với con số lần lượt là 89% và 82% vào năm 2014. Đồng phục màu đỏ nay đã thay thế bằng những bộ quần áo màu xanh nước biển cho nam và màu tím oải hương cho nữ.

Ngôi trường “thay da đổi thịt” nhờ sự chuyển mình của ngành Giáo dục New Delhi. Năm 2015, Phó thủ hiến New Delhi, Manish Sisodia, thời điểm đó là người đứng đầu ngành Giáo dục New Delhi, đã đến thăm các trường công lập địa phương. Ông đau lòng khi chứng kiến cảnh tượng tồi tàn của những cơ sở này.

“Bước vào một trường học, bạn có thể ngửi thấy mùi hôi thối của nhà vệ sinh cách đó 50m. Tôi nhận ra rằng, nếu chính quyền không thể thay đổi cảnh quan trường học, nền giáo dục làm sao có thể thay đổi?”, ông Manish bày tỏ.

Trường học 'thay áo mới'

Các lớp học tại New Delhi được sửa chữa khang trang, sạch đẹp.

Các lớp học tại New Delhi được sửa chữa khang trang, sạch đẹp.

Sự xuống cấp nghiêm trọng của các trường học đặt giáo dục trở thành một trong những lĩnh vực cần được cải thiện của New Delhi, bên cạnh các dịch vụ y tế, điện, nước... Cùng năm, nhậm chức Thủ hiến New Delhi, ông Arvind Kejriwal, lãnh đạo Đảng Aam Aadmi, đã bày tỏ mong muốn “cải tổ” hệ thống giáo dục nhằm giúp phụ huynh yên tâm hơn khi gửi con cái đến các trường công lập. Lời hứa này cũng nằm trong mục tiêu tái xây dựng New Delhi ngày càng văn minh, sạch sẽ.

Về vấn đề vệ sinh, an toàn trường học, Chính quyền New Delhi đã ký hợp đồng với các công ty tư nhân nhằm dọn dẹp vệ sinh và cảnh quan của hàng trăm cơ sở giáo dục công lập. Đồng thời, chính quyền thuê quân nhân quốc phòng đã về hưu làm người giám sát hoạt động sửa chữa cơ sở hạ tầng trường lớp. Họ thay ban giám hiệu nhà trường quản lý việc sửa chữa để cán bộ quản lý tập trung cho công tác chuyên môn.

Trong giai đoạn năm 2015 - 2021, Chính quyền New Delhi đã chi khoảng 10 tỷ USD cho hơn một nghìn trường học, dành cho khoảng 1,8 triệu học sinh. Số tiền này cao gấp nhiều lần nguồn phân bổ ngân sách dành cho giáo dục của các chính quyền tiền nhiệm. Số tiền này được sử dụng để xây dựng phòng học, phòng thí nghiệm, sân vận động ngoài trời; đồng thời, phát triển chương trình giảng dạy và thành lập các hội đồng giáo dục có nhiệm vụ quản lý và hỗ trợ trường học.

Song song, Chính quyền ông Kejriwal đặt mục tiêu cải thiện và nâng cao chất lượng giảng dạy. Các trường công lập đã hợp tác với các chuyên gia giáo dục đầu ngành, cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Ấn Độ trong dự án thiết kế chương trình giảng dạy phổ thông mới.

Ngoài những vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục, một thách thức khác mà chính quyền ông Kejriwal phải đối mặt là sự thiếu tin tưởng của học sinh, giáo viên và phụ huynh đối với ngành giáo dục địa phương.

Để lấy lại niềm tin trong xã hội, năm 2016, New Delhi thành lập các ủy ban quản lý trường học, hội phụ huynh học sinh, công đoàn giáo viên... Những tổ chức này là “cầu nối” giữa nhà trường với chính quyền địa phương, đồng thời giám sát hoạt động của ngành giáo dục.

Bên cạnh đó, các trường công lập phải tổ chức họp hàng tháng. Ở đó, hiệu trưởng và giáo viên sẽ thảo luận công khai về thành tích và các vấn đề tồn đọng, đồng thời đề xuất mua mới hoặc sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị. Chính quyền cho phép chuyển giáo viên hợp đồng sang giáo viên trong biên chế để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên công lập.

Cùng năm, chính quyền New Delhi tổ chức các buổi tập huấn cho hơn 25 nghìn giáo viên công lập. Nội dung thảo luận tập trung vào phương pháp xây dựng sự kết nối giữa giáo viên và học sinh. Giáo viên được khuyến khích nói chuyện với học sinh về hoàn cảnh gia đình, từ đó hiểu được những thuận lợi và khó khăn khi học sinh tiếp cận giáo dục.

Từng tham gia khoá tập huấn, giáo viên Anita Singh chia sẻ: “Các khóa học giúp tôi cảm thấy được trao quyền trong giáo dục. Tôi cũng nhận thấy giáo dục và thực tế vốn song hành với nhau. Nếu giáo viên không chia sẻ và đồng cảm với thực tế hoàn cảnh của học sinh, họ không thể thuyết phục học sinh tin rằng giáo dục sẽ giúp các em thay đổi”.

Sau đó một năm, mỗi trường công lập được cử một giáo viên đại diện tham gia khoá bồi dưỡng năng lực, nghiệp vụ tại các cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới như Trường Đại học Cambridge (Anh), Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore (Singapore). Chi phí do địa phương chi trả.

Hiệu trưởng Trường Sarvodaya Vidyalaya, Atul Kumar, từng được tham gia khoá đào tạo kéo dài một tuần ở London, Anh, chia sẻ: “Chúng tôi được tiếp xúc với các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới và cảm thấy tự tin hơn”.

Khó khăn phía trước

Một tiết học tại Trường Sarvodaya Vidyalaya, New Delhi, Ấn Độ.

Một tiết học tại Trường Sarvodaya Vidyalaya, New Delhi, Ấn Độ.

Ngay từ những ngày đầu nắm quyền New Delhi, đảng Aam Aadmi đã phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng trường học là tài sản quốc gia, giáo viên là những viên ngọc quý và học sinh là báu vật của đất nước. Chăm lo cho giáo dục là mục tiêu hàng đầu của quan chức địa phương.

Chuyên gia giáo dục PADMA SARANGAPANI (Viện Khoa học Xã hội Tata, Mumbai)

Sau hơn 1/2 thập kỷ, hệ thống giáo dục New Delhi đã có những chuyển biến tích cực. Các trường học New Delhi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tỷ lệ học sinh trên giáo viên ở một số trường học còn nằm ở mức cao. Nhiều toà nhà cần được tu sửa. Nhưng mục tiêu của Thủ hiến Kejriwal đã dần hiện hữu.

Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Ấn Độ năm 2017 và 2021, ở các môn Tiếng Anh, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, học sinh New Delhi đạt điểm số cao hơn đáng kể so với các bạn trên toàn quốc. Trong 5 năm qua, 250 nghìn học sinh tại các trường tư ở New Delhi đã chuyển sang trường công lập.

Sự thay đổi tích cực của ngành Giáo dục New Delhi, còn được gọi là “mô hình Delhi”, đang trở thành tấm gương cho nhiều địa phương tại Ấn Độ. Các bang khác như Telangana, Tamil Nadu đã yêu cầu ngành giáo dục địa phương học tập “mô hình Delhi” nhằm cải thiện chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn. Nhiều giáo viên công lập tại New Delhi phản ánh tiền lương và phúc lợi đã không tăng trong nhiều năm. Ngoài ra, việc đưa học sinh trở lại trường sau 2 năm dịch Covid-19 cũng gặp không ít khó khăn.

Đơn cử, tại Trường Sarvodaya Vidyalaya, trong 2 năm dịch, khoảng 150 học sinh đã bỏ học. Một số em đã trở lại trường nhưng “quên cách viết tên”. Nhưng ánh sáng của tri thức không lụi tàn và vẫn ngày một bùng sáng mạnh mẽ.

Sau nhiều giờ thu gom phế liệu để phụ giúp gia đình, nam sinh Paswan trở về nhà vào lúc 1 giờ sáng. Cơ thể mệt mỏi, đôi mắt đỏ ngầu nhưng thay vì thả mình lên chiếc giường êm ái, Paswan mở cuốn vở môn Tiếng Phạn ra và bắt đầu đọc. “Trường học đang giúp em tìm kiếm một công việc được tôn trọng và giúp em tin rằng mình có thể làm những điều lớn lao. Vì vậy, dù mệt mỏi, em không cho phép bản thân được lười biếng”, Pawsan bày tỏ.

Theo NYT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.