Ấn Độ: Có cần đóng cửa trường học?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không ít trường học tại Ấn Độ yêu cầu đóng cửa để phòng bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quyết định này là không cần thiết.

Trẻ được yêu cầu học trực tuyến do tay chân miệng.
Trẻ được yêu cầu học trực tuyến do tay chân miệng.

Quyết định gây lo ngại

Nhiều nơi ở Delhi và Vùng Thủ đô Quốc gia (NCR) (Ấn Độ) đã báo cáo về việc các trường học tạm thời dừng giảng dạy trực tuyến vì lo ngại sự bùng phát của dịch bệnh tay chân miệng.

Mới đây, các trường học tại khu vực này ghi nhận không ít ca mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Các chuyên gia nhận định, ngay cả một sự gia tăng nhẹ trong số ca nhiễm Covid-19 (không nhất thiết ở trẻ em đi học) cũng thúc đẩy việc đóng cửa trường học.

Một mối quan ngại khác là sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ. Việc đóng cửa trường học nhằm ứng phó với dịch bệnh được cho là một xu hướng đáng lo ngại. Đại dịch Covid-19 và những thông tin sai lệch liên quan có thể khiến ban quản lý nhà trường và phụ huynh phản ứng thái quá.

Đôi khi, những thông tin về dịch bệnh khiến người dân lo lắng một cách không cần thiết. Thậm chí, bất kỳ bệnh đường hô hấp nào ở trẻ em đang đi học hoặc phát ban cũng đều được coi là một dấu hiệu nguy hiểm.

Tay chân miệng là một bệnh phổ biến do virus gây ra. Bệnh do một nhóm virus gây ra, bao gồm coxsackievirus a16 và enterovirus 71. Mặc dù có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng bệnh này phổ biến hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Bệnh đã được biết đến từ lâu và ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới. Các triệu chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng là sốt nhẹ, nhiễm trùng cổ họng, nổi mụn nước ở miệng hoặc trong lưỡi. Bệnh cũng có thể khiến người mắc giảm cảm giác thèm ăn, suy nhược toàn thân và mệt mỏi.

Bệnh nhân cũng có thể xuất hiện những nốt đỏ xuất hiện trên đầu gối, khuỷu tay và các bộ phận cơ thể khác. Đôi khi, người mắc tay chân miệng có thể không xuất hiện ban trên các bộ phận cơ thể, nhưng có vết loét đau trong miệng. Trong nhiều trường hợp, việc trẻ bỏ ăn, không ngủ hoặc cáu kỉnh có thể là những dấu hiệu duy nhất của tay chân miệng.

Tiến sĩ Lahariya - bác sĩ, chuyên gia về vắc-xin và các bệnh truyền nhiễm tại Ấn Độ cho biết: “Mặc dù tên của tay chân miệng có thể gây hiểu lầm, nhưng trên thực tế, đây là một căn bệnh rất nhẹ. Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng sẽ tự khỏi mà không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào. Trong một số trường hợp hiếm, việc điều trị triệu chứng có thể được áp dụng để hạ sốt hoặc giảm ngứa kèm theo phát ban”.

Ảnh hưởng đến giáo dục

Trong bối cảnh số ca tay chân miệng được ghi nhận, một số trường học tại Ấn Độ đã tạm dừng giảng dạy trực tiếp. Đồng thời, tổ chức các lớp học trực tuyến, nhằm ngăn chuỗi lây nhiễm của dịch bệnh. Một trường học tư thục tại Mohali đã ghi nhận 6 ca mắc tay chân miệng. Trong khi đó, Trường công lập Delhi đã chuyển sang giảng dạy trực tuyến, khi phát hiện một số học sinh mầm non mắc bệnh. Trường Trung học St. John cũng đã đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

Bệnh tay chân miệng ở Ấn Độ lây lan chủ yếu vào mùa hè và gió mùa. Năm nay, tương đối nhiều trẻ em ở Ấn Độ mắc bệnh tay chân miệng đến khám. Tuy nhiên, không ít phụ huynh lo ngại, những nốt ban của trẻ có thể xuất hiện do bệnh đậu mùa. Điều đó cho thấy, ý thức về các căn bệnh này đã được nâng cao.

Đồng thời, việc báo cáo và tìm kiếm sự hỗ trợ chăm sóc của cha mẹ đã được cải thiện. Theo Tiến sĩ Lahariya, việc trường học Ấn Độ thường xuyên đóng cửa vì nhiều lý do “phù phiếm” khác nhau đang tạo ra sự lo lắng trong xã hội. Quyết định đóng cửa kéo dài liên quan đến đại dịch đã ảnh hưởng đến việc giáo dục trẻ em ở Ấn Độ, cũng như khắp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

“Việc đóng cửa trường học không nên trở thành một thói quen thường xuyên để phản ứng với dịch bệnh. Các trường cần tuân theo một cách tiếp cận có cấu trúc và hệ thống hơn. Qua đó, đảm bảo tính liên tục của các lớp học trực tiếp”, chuyên gia này nhận định.

Bởi, theo Tiến sĩ Lahariya, trong những tháng tới, khi sự xuất hiện và báo cáo của các bệnh truyền nhiễm đang được cải thiện, tình hình như vậy có thể phát sinh một cách thường xuyên. Vì vậy, cần có cơ chế phối hợp giữa phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường, cơ quan y tế và các nhà hoạch định chính sách.

Chuyên gia đồng thời khuyến cáo, phụ huynh cần tìm hiểu về các bệnh thông thường từ những nguồn đáng tin cậy. Hoặc, phụ huynh có thể tham khảo ý kiến của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để hiểu thêm về dịch bệnh. Thực tế, phương tiện truyền thông xã hội và các nguồn chưa được xác nhận có thể gây hiểu lầm cũng như căng thẳng quá mức.

“Chúng ta cũng cần nhớ rằng, bệnh đậu mùa không phải là mối quan tâm ngay lập tức đối với công chúng và không phải là lý do để xem xét việc đóng cửa các trường học. Trong khi đó, đậu mùa khỉ là một bệnh tiếp xúc và không lây qua đường hô hấp như Covid-19”, chuyên gia cho biết.

Bên cạnh đó, không ít phụ huynh có mối quan tâm và lo lắng về việc cần có sự quan tâm hệ thống hơn, cũng như tăng cường các dịch vụ y tế học đường ở cả trường công và tư. Cần tăng cường khả năng tiếp cận dễ dàng với nhân viên y tế (bác sĩ và / hoặc y tá) đối với học sinh và phụ huynh.

Qua đó, tìm kiếm lời khuyên để ngăn chặn bất kỳ mối lo ngại không đáng có nào. Hiện tại, việc quan trọng là ngành giáo dục cần tăng cường các dịch vụ y tế trường học ngay lập tức.

“Có khả năng là ở những tuần và tháng tới, trong bối cảnh Covid-19 tăng mạnh và dịch đậu mùa khỉ đang diễn ra, nhiều bệnh hơn sẽ được báo cáo. Đồng thời, các ca nhiễm bệnh sẽ được ghi nhận.

Một quyết định cân bằng và có hiểu biết nên được thực hiện trên các khía cạnh này. Đã đến lúc chúng ta, với tư cách là một xã hội, được hướng dẫn bởi các bằng chứng khoa học”, Tiến sĩ Lahariya nhấn mạnh.

Theo IndianXpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.