Có một thời mọi hoạt động ca múa nhạc (Kabuki) và biểu diễn nghệ thuật trà đạo (Sado) hay cắm hoa (Ikebana) của Nhật Bản… đều do nam nhân đảm nhiệm. Họ được gọi là Taikomochi, tức các nhạc sĩ đánh trống hoặc Hokan - những người kể chuyện, pha trò cười.
Nói chung, Taikomochi gồm rất nhiều nghệ sĩ đa tài, trẻ trung, thanh tú đứng ra chuyên biểu diễn ca vũ kỹ cho giới quý tộc và bắt đầu phát triển ở đây từ thế kỷ 13 và rồi ít gặp từ thế kỷ 19.
Giống như các kỹ nữ Geisha hôm nay cực kỳ duyên dáng - yểu điệu, họ cũng ăn mặc hào hoa, sang chảnh. Ai nấy đều thoa mặt trắng muốt, bôi son đỏ, đội tóc giả dày, diện áo kimono sặc sỡ.
Đi lại, nói năng hết sức nhẹ nhàng, tao nhã, trong đó có một số cử chỉ đặc trưng của nữ giới như lấy tay che miệng, cười khúc khích hay vẫy tay đon đả và cúi chào một cách cung kính, quyến luyến để lần sau quý khách lại tới.
Tiệc trà nào, sinh nhật gì, lễ thượng thọ chi, kế tiếp là lễ khánh thành, lễ nhậm chức, tiệc hỷ - hiếu… đều có mặt họ. Một phần do họ là các bậc thầy trong lĩnh vực pha trà, mời rượu, cắm hoa, làm bánh, tiếp đón, chưa kể là có nhiều người còn biết đánh đàn, thổi sáo, gõ trống, múa quạt, diễn kịch và nhất là biết hát nhiều ca khúc cổ truyền.
Ngoài tiếng hát ngọt ngào, thì những ánh mắt trìu mến, những cử chỉ khoan thai, đằm thắm là những gì của Taikomochi thường đọng lại trong lòng công chúng. Có thể nói, họ chính là các Geisha nam hay kỹ nam đầu tiên khi mà Geisha nữ còn chưa ra đời.
Thế kỷ 13 là giai đoạn nước Nhật và cả vùng đều trải qua khá nhiều cuộc chiến, nên giới quý tộc và nhà binh (Samurai) rất cần được giải trí, nhất là giải trí về nghệ thuật. Trong thế kỷ 13, văn học, mỹ thuật, ca nhạc và cả sân khấu đều đã có những bước tiến nhảy vọt và nam nhi là những người thường đi tiên phong trong lĩnh vực này.
Bên cạnh việc học hành bình thường như các tài tử văn nhân, nhiều người còn biểu diễn cho nhau xem, và có một bộ phận không nhỏ chọn việc biểu diễn, mua vui cho giới quan chức, nhà giàu để kiếm tiền. Ngay cả người xem vì sự thú vị của nghệ thuật đờn ca và ích lợi từ nghề ca hát cũng bỏ cả vợ con để đi học và làm Taikomochi.
Dần dà, họ được nuôi dưỡng bởi chính giới quyền quý và các lãnh chúa của vùng. Những phú hộ này nuôi hẳn cả một đội ngũ Taikomochi trong nhà để lúc nào cần xem hát thì xem. Một số khác nhân các sự kiện trọng đại lại mời Taikomochi tới để biểu diễn, pha trò cho vui, khuây khỏa khi nhọc mệt, nhất là các lãnh chúa thường hay tổ chức tiệc mua vui.
Taikomochi vì thế đã trở thành người bạn, người hầu cận, người trút bầu tâm sự, thậm chí người cố vấn trong nhiều danh gia vọng tộc, giúp chủ nhân vạch ra các đối sách, mưu lược và còn đồng hành bên họ trong các cuộc chiến.
Góp sức trong suốt ba trăm năm, đến thế kỷ 17 khi nước Nhật ở thời kỳ thanh bình nhất, Taikomochi bỗng chuyển sang làm một công việc thuần túy hơn, ấy là chỉ biểu diễn kỹ nghệ, thay vì làm nhiều việc, đặc biệt có người chỉ làm Otogishu hay Hanashishu - người tấu hài, sưu tập những mẩu chuyện tiếu lâm, vui vẻ trong dân gian để tường thuật lại.
Chính họ là tác giả của thể loại kịch độc thoại Nhật Bản mà người kể ngồi hàng giờ một chỗ trên một cái đệm hay chiếu và dùng nhiều dụng cụ thô sơ, như cái quạt để mô phỏng vạn sự.
Đóng góp không nhỏ cho Taikomochi còn phải kể đến đại sư của Tịnh độ tông Anrakuan Sakuden, khi ông viết nên tập truyện Seisuisho - Cười để quên ngủ, được rất nhiều kỹ nam sử dụng.
Tuy nhiên, vào thế kỷ 16 - 17, trong xã hội cũng thấy sự xuất hiện của một nhóm phụ nữ được học hành và có tài năng xuất chúng và vì sự ham thích diễn xuất cũng lên sâu khấu và về sau tạo ra cái tên Geisha (ở Kyoto là Geiko).
Nhờ sắc đẹp, sự tinh tế, khéo léo trời cho người con gái, các kỹ nữ đã thay thế kỹ nam và chiếm vị trí cao trong làng giải trí. Đã từng có hơn 600 Taikomochi vào thế kỷ 17, song sang thế kỷ 19 chỉ còn 45 người và tới giờ còn khoảng 5 người, gồm 4 ở Tokyo và 1 ở Kyoto.
Khi thiếu vắng Taikomochi, người ta mới thấy rằng, làm nghệ thuật biểu diễn, mua vui, phục vụ trà rượu thật là khắt khe, kén chọn, không phải ai cũng làm được, nhất là khi bây giờ nhiều người không còn thích nam giới làm hầu rượu nữa.
Hơn thế, để làm một Geisha, các kỹ nữ phải học múa hát, đi đứng phong thái từ nhỏ, thường là từ tám - chín tuổi. Ai nấy cũng phải biết một loại nhạc cụ dân tộc và càng chơi giỏi các bài hát xưa càng tốt. Vì phục vụ trà rượu cũng cần biết pha chế và có tửu lượng đáng kể.
Ngoài ra, cần có nhiều vốn từ vựng, kiến thức văn hóa chuyên sâu để khi nói và trả lời, khiến ai đều cảm mến, vui vẻ. Nữ Geisha đã khó, nam Geisha càng khó hơn do cái nhìn của đại chúng nói chung còn phiến diện.
Dù vậy, cuộc sống hiện nay vẫn tiếp nhận, ghi nhận được nhiều điều hay từ Taikomochi, mà nổi bật là các buổi biểu diễn hài độc thoại, thu hút rất nhiều bạn nghe đài và xem truyền hình.