Mặc dù, hầu hết mọi người nhận ra geisha với cách trang điểm đặc biệt, kiểu tóc và bộ kimono cầu kỳ, nhưng đáng ngạc nhiên là rất ít người thực sự hiểu được vai trò của họ trong xã hội ở đất nước có lịch sử lâu đời này.
Làm thế nào để trở thành geisha?
Trong lịch sử Nhật Bản, geisha được xem là trung tâm và linh hồn tại các cuộc nhóm họp, tiệc tùng của tầng lớp cao trong xã hội. Họ được huấn luyện bài bản để đảm nhận tốt vai trò của mình. Bề ngoài, các geisha được ngưỡng mộ trong trang phục truyền thống thiết kế cầu kỳ, hoa văn phức tạp và khá nặng nề.
Họ trang điểm đậm để làm tăng vẻ đẹp, bên cạnh các kiểu tóc độc đáo và những bộ tóc giả y như thật. Tuy nhiên, giá trị thực sự của geisha lại thuộc về phần bên trong của họ, với các kỹ năng giao tiếp, thành thạo các môn nghệ thuật và cách ứng xử của giới thượng lưu.
Ở Nhật Bản thường diễn ra các cuộc họp mặt, tiệc tùng của giới tinh hoa trong xã hội. Khi các samurai (võ sĩ), shogun (tướng quân) và các nhân vật cao cấp khác họp mặt, geisha sẽ có mặt để tiếp đãi họ, trở thành tâm điểm của những bữa tiệc truyền thống.
Những cô gái trẻ đẹp sẽ làm cho không khí trở nên sinh động, với những cuộc trò chuyện thú vị, thu hút, làm hài lòng ngay cả những vị khách nghiêm túc nhất. Ngoài ra, geisha còn là người chơi thành thạo đàn shamisen, một nhạc cụ truyền thống độc đáo của Nhật Bản.
Mọi cô gái đều muốn trở thành người thanh lịch như một geisha. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được mục đích này, họ phải trải qua những cuộc sàng lọc, đào tạo kỹ lưỡng.
Cho đến Chiến tranh Thế giới thứ Hai, việc đào tạo geisha vẫn không thay đổi sau nhiều thế kỷ. Những người nông dân nghèo thường gửi những cô con gái nhỏ của họ - một số chỉ mới lên chín tuổi - để được đào tạo trở thành geisha, đơn giản vì họ không đủ khả năng nuôi dưỡng chúng.
Trong thời gian này, các cô gái sẽ có mối liên hệ sâu sắc với “mẹ” geisha (giáo viên) và okiya - ngôi nhà mà cô ta phục vụ. Bước chân vào đây, gần như là lần cuối cùng cô gái gặp gia đình.
Khi ở trong okiya, các cô gái sẽ sống trong một xã hội mẫu hệ nghiêm ngặt, không có đàn ông. Các okaa-san, hay còn gọi là người mẹ của ngôi nhà, luôn giám sát việc đào tạo nghiêm ngặt, thường kéo dài trong nhiều thập niên.
Tất nhiên, một geisha tương lai sẽ phải vượt qua các thứ bậc. Cô ta bắt đầu như một người giúp việc nhà đơn giản, và sau đó có thể trở thành người học việc. Qua nhiều năm, với các kiến thức được học, cô có thể vươn lên thứ hạng của một geisha chính thức.
Không có gì khó hiểu, khi các cô gái phục vụ mới đến thường bị các cô gái dày dạn kinh nghiệm của gia đình coi thường hoặc ngược đãi. Nhưng cũng có nhiều mối quan hệ bền chặt và tình bạn được phát triển trong những nhóm này, đặc biệt là khi một cô gái trở thành người học việc nơi một geisha kỳ cựu.
Quá trình đào tạo để trở thành geisha luôn là một con đường gian truân, gian khổ và có thể kéo dài suốt đời. Trong suốt sự nghiệp của mình, một geisha có thể phải trả nhiều khoản nợ, gồm tiền đào tạo, tiền đầu tư vào những bộ kimono mới tinh xảo mà cô ấy cần phải có.
Một bước quan trọng trên con đường trở thành geisha của cô gái là nghi thức mizuage, hay cuộc đấu giá trinh tiết. Những người đàn ông có địa vị cao sang và tầm ảnh hưởng lớn sẽ đưa ra mức giá cao nhất để có được sự trinh trắng của cô gái.
Toàn bộ số tiền sẽ được chuyển đến chủ nhân của ngôi nhà và dùng để chi phí cho geisha trong tương lai. Sau khi mại dâm bị cấm ở Nhật Bản, nghi thức này bị bãi bỏ.
Vai trò của geisha
Giải thích vai trò của geisha không phải là một việc dễ dàng. Nói một cách dễ hiểu, người phụ nữ thanh lịch này là một bà chủ, một nghệ sĩ giải trí, một quý bà và là người giữ gìn các truyền thống lâu đời của Nhật Bản.
Trong quá trình đào tạo kéo dài, một geisha sẽ trở thành bậc thầy của những màn biểu diễn truyền thống mang đậm dấu ấn nghệ thuật cổ điển. Tham gia vào tầng lớp cao nhất của xã hội, gồm các samurai ưu tú và các shogun, được họ tiết lộ nhiều bí mật nhạy cảm, nhưng geisha luôn biết giữ mồm giữ miệng.
Một trong những vai trò quan trọng nhất của geisha, và cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều quan niệm sai lầm về họ, là mối quan hệ với nam giới. Dù là tâm điểm của những bữa tiệc chỉ có đàn ông đẳng cấp cao tham dự, nhưng geisha không giống như những người phụ nữ khác, họ luôn biết kiềm chế với sự cứng rắn trong tâm hồn.
Tuy nhiên, đối với những người đàn ông tập hợp xung quanh, geisha giúp họ trải nghiệm môi trường riêng tư, cá nhân. Theo những tập quán phức tạp của xã hội Nhật Bản, cảm xúc không được thể hiện một cách tự do ra bên ngoài.
Ngay cả trong gia đình, mọi người phải có ý thức tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt. Do đó, trong bầu không khí riêng tư do geisha tạo ra, và nhờ sự bảo mật đáng tin cậy của họ, những quý ông có thể tự do thể hiện cảm xúc, trở thành một phiên bản khác, đó là con người thật của họ.
Hiện thân của vẻ đẹp
Ban đầu, vào khoảng thế kỷ thứ 6 CN, các geisha (được gọi là “nghệ sĩ giải trí”) thường là nam giới. Tuy nhiên, trong thời kỳ Heian, kéo dài từ năm 794 đến năm 1185 CN, vai trò nữ của geisha đã được hình thành.
Theo thời gian, và đặc biệt là trong thời kỳ Heian hưng thịnh, geisha đã có mặt tại triều đình Nhật Bản. Người ta chú trọng nhiều đến vẻ đẹp và geisha là hiện thân của khái niệm này. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu khái niệm “vẻ đẹp” của người Nhật như thế nào.
Nó được tìm thấy trong những điều đơn giản và tinh tế, trong sự sang trọng và thanh bình, trong sự yên tĩnh và thiên nhiên mộc mạc. Vì vậy, một geisha thanh lịch thường làm mọi việc một cách từ tốn, có cân nhắc, đĩnh đạc và ôn hòa. Trong suốt thời kỳ Trung cổ và đầu hiện đại, các geisha thể hiện mọi khía cạnh của những gì được coi là vẻ đẹp.
Bề ngoài, điều này được đặc trưng bởi trang điểm đậm: Tầng lớp quý tộc và geisha có khuôn mặt trắng bệch, son môi sáng và hàm răng đen tuyền. (Trước đây, răng đen không chỉ dành riêng cho geisha, mà còn cho phụ nữ nói chung, một yếu tố làm tăng vẻ đẹp).
Người bảo trợ
Geisha có thể chọn một đối tác thân thiết hoặc người bảo trợ, những người đàn ông giàu và có ảnh hưởng lớn trong xã hội Nhật Bản. Người bảo trợ sẽ đầu tư rất nhiều vào một geisha tiềm năng, và cô gái này được kỳ vọng sẽ trả món nợ tài chính đó trong sự nghiệp sau này của mình.
Không có gì lạ khi có người đàn ông phải lòng một geisha, bởi vì cô là hiện thân của sự duyên dáng và thanh lịch. Trong thời đại mà hôn nhân đa phần được sắp đặt, nhiều đàn ông cảm thấy mình không hạnh phúc hoặc không hài lòng với gia đình của họ. Vì vậy, họ thường tìm kiếm sự đồng cảm từ geisha.
Đây thường là những chỉ huy quân sự cấp cao, doanh nhân giàu có hoặc những nhân vật chính trị có ảnh hưởng. Khi bị quyến rũ bởi một geisha duyên dáng, họ có thể trở thành người bảo trợ cho cô ấy, một danna - nếu được đồng ý.
Người bảo trợ là ân nhân và người tình của geisha. Người này càng có quyền lực cao, tầm ảnh hưởng rộng thì danh tiếng của geisha cũng tăng theo.
Ông ta cũng có thể giúp cô trả những món nợ lớn, tạo cho cô một cuộc sống ổn định. Một geisha chỉ có thể có một danna tại một thời điểm và có thể kết thúc mối quan hệ nếu muốn, để tìm kiếm một danna mới.
Chỉ còn là biểu tượng
Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã có những tác động tàn phá đến toàn bộ nền văn hóa và truyền thống của Nhật Bản - bao gồm cả geisha. Phần đông người Nhật đã phải di dời sau chiến tranh và một số truyền thống lâu đời nhanh chóng biến mất. Khi chiến tranh kết thúc, nhiều ngôi nhà của geisha đã bị quân Mỹ phá hủy.
Các geisha kỳ cựu phải tìm kiếm công việc khác. Ngoài ra, những người hành nghề mại dâm từ các khu vui chơi giải trí giờ đây có thể bắt chước các geisha và cung cấp dịch vụ tình dục cho quân đội Mỹ. Điều này đã tạo ra một quan niệm sai lầm phổ biến rằng geisha thực chất là gái mại dâm ở tầng lớp thượng lưu.
Chiến tranh đã làm giảm truyền thống geisha và số lượng của họ. Hiện chỉ có vài trăm geisha truyền thống thực sự tồn tại ở Nhật Bản, chủ yếu là tại Kyoto.
Tất nhiên, trong thời hiện đại, trở thành geisha không còn phải trải qua những gian truân nữa. Hầu hết những người phụ nữ này có cuộc sống bình thường, họ có thể theo đuổi học vấn, kết hôn và xây dựng gia đình.
Tuy nhiên, các khía cạnh mang tính biểu tượng của geisha vẫn được bảo tồn, tiếp nối truyền thống có từ nhiều thế kỷ.