Khóa 10 Công nghệ thông tin của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh có hơn 10 bạn sinh viên người Lào. Mặc dù đây là ngành học được đánh giá khó, các bạn tiếp thu chậm hơn do có nhiều thuật ngữ chuyên ngành, nhưng các giáo viên cho biết, bù lại sinh viên Lào rất chăm chỉ, ngoan, ý thức học tốt.
Hiện tại trường có khoảng hơn 100 Sinh viên Lào theo học, chủ yếu ở các khoa Điện, Công nghệ thông tin,Kế toán… Gặp bạn Soune Thamixay Saman đang miệt mài thực hành tại xưởng ô tô, nếu không được giới thiệu thì khó mà phân biệt với các bạn sinh viên Việt Nam khác.
“Em rất thích học thực hành, ở đây thời gian đầu em cũng mất 1 năm để học tiếng. Đến khi tiếng Việt tốt rồi thì bắt đầu học chuyên ngành, các thầy hướng dẫn em rất cụ thể. Năm nay là năm cuối, em đã được đi thực tập nhiều nơi và tay nghề vững rồi. Tốt nghiệp ra trường, em sẽ về quê hương để làm việc” - Soune Thamixay Saman chia sẻ.
Chị Phạm Thị Ngọc Lan, chuyên viên Quản lý lưu học sinh Lào, Phòng Công tác học sinh sinh viên, Trường ĐHSPKT Vinh cho biết: Các bạn sang học chủ yếu theo 3 diện: Học bổng của Bộ LĐTB&XH, học bổng của tỉnh Nghệ An và diện tự túc. Đối với những sinh viên sang học theo diện tự túc, nhà trường hỗ trợ khoảng 50% học phí và tiền ở ký túc xá. Ngoài ra còn có học bổng dành cho những bạn học tốt.
Khi đến trường học tập, khó khăn đầu tiên của các bạn là khả năng sử dụng tiếng Việt. Để giúp đỡ sinh viên Lào trong trao đổi và tiếp thu kiến thức, nhà trường đã tích cực bồi dưỡng tiếng Việt cho các em. Bên cạnh đó, Đoàn trường, phòng công tác HSSV đã phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An áp dụng mô hình “Đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân – homestay”.
Bạn Kongnamvong Chittavanh đến từ tỉnh Viên Chăn (CHDCND Lào) là sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, trường ĐH SPKT Vinh được thụ hưởng từ mô hình homestay, chia sẻ: “Em được bố Vinh, mẹ Liễu ở phường Hưng Dũng nhận làm con nuôi, quan tâm, và yêu thương em như con ruột. Các bạn em cũng có bố mẹ nuôi, như quê hương và gia đình thứ hai của mình. Việt của em ngày càng tiến bộ vì được trực tiếp nói chuyện, giao lưu với người dân. Đặc biệt,”.
Được biết, trong thời gian học tập tại Nghệ An, Chittavanh bị tai nạn đứt dây chằng đầu gối khi đá bóng. Lúc này, bố mẹ nuôi của Chittavanh là bố Vinh – mẹ Liễu, đã đưa bạn đi bệnh viện, chăm sóc tận tình. Khi bố mẹ của Chittavanh sang thăm con, thì bố em không may bị ốm và lại được bố mẹ nuôi của con mình chăm sóc. “Bố em nói, gia đình em đã nợ đất nước, con người Việt Nam một món nợ lớn, đó là nợ tình cảm”, chàng sinh viên nói. Chitavanh cũng là sinh viên giành được giải nhất Cuộc thi "Nói tiếng Việt cho sinh viên và tình nguyện viên quốc tế năm 2016".
Cùng với việc học tập, các bạn được tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động văn hóa, công tác Đoàn, Hội như: Trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác Đoàn; giao lưu thanh niên biên giới; phối hợp đào tạo cán bộ; tổ chức các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; xây dựng làng hữu nghị thanh niên biên giới Việt - Lào...; giao lưu tết cổ truyền Bunpymay... Qua những hoạt động đó, góp phần vun đắp tình đoàn kết giữa sinh viên Việt – Lào cũng như tình cảm hữu nghị của hai đất nước Việt - Lào.
Một số hình ảnh sinh viên Lào học tập, sinh hoạt tại Nghệ An:
. Các bạn sinh viên Lào học Khoa công nghệ thông tin, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh |
Theo các giảng viên cho biết, HSSV Lào có ý thức học tập rất tốt |
Bạn Soune Thamixay Saman (thứ 2 từ trái sang) thực hành tại xưởng ô tô |
Hầu hết các bạn sinh viên Lào ở trong ký túc xá, rất yêu thích văn nghệ, thể thao |
Giao lưu đánh bóng với các bạn |