(GD&TĐ) - Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, từ nhỏ, Nhà giáo Ưu tú Hồ Quang Diệu sớm có ý thức học tập và đạt được nhiều kết quả cao. Từ nền tảng đó, thầy đã phấn đấu trở thành một nhà giáo mẫu mực, giàu kinh nghiệm. Nói về thời đi học của mình, thầy Diệu có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ...
Gian khó nhưng vẫn ham học
Nhà giáo Ưu tú Hồ Quang Diệu |
Trước Cách mạng tháng Tám, thầy Diệu sống ở quê cha Nghệ An. Sau đó, thầy theo gia đình tản cư về Thanh Hóa quê mẹ. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nguồn sống chính của gia đình lúc đó nhờ cậy cả vào sự tảo tần, chạy chợ buôn bán và việc tăng gia sản xuất của mẹ, song với tinh thần ham học, cả 5 anh chị em thầy ai cũng học giỏi.
Việc đi học thời đó cũng gặp nhiều khó khăn vất vả. Trường lớp lúc đó không có, lúc thì đi học nhờ ở nhà dân, lúc ở đình, chùa..., thầy cùng các anh, chị, em thường đi bộ 4-5 km mới tới trường.
Những năm học cấp 1, có lần giặc bỏ bom trúng nhà thầy nhưng may mắn mấy anh chị em không ai làm sao. Mấy mẹ con dọn đến nhà bác ở nhờ rồi sau đó được bà con chòm xóm dựng cho một căn nhà tạm bằng tranh tre nứa lá ở giữa cánh đồng.
Ngày ngày, mẹ vẫn chạy chợ buôn bán lấy tiền đong gạo và nuôi mấy anh em ăn học. Thương mẹ, anh lớn bảo em bé chăm ngoan học giỏi và tranh thủ đỡ đần mẹ công việc nhà.
Năm thầy Diệu học lớp 2, thầy và một bạn nam ngồi cạnh nhau nói chuyện trong giờ học, bị thầy giáo phát hiện và bắt phạt. Sau này, gặp lại thầy giáo cũ khi thầy Diệu đã là anh bộ đội về xã tuyển quân, ôn lại kỷ niệm cũ, thầy giáo của thầy đã xúc động rơi nước mắt chia sẻ: “Thầy rất vui và tự hào khi thấy học trò của mình trưởng thành. Vui hơn nữa là học trò đã không giận, ghét thầy vì trước đây đã phạt mình. Thầy không ghét bỏ gì các em mà thầy muốn các em nên người...”.
Năm học lớp 4, thầy Diệu vinh dự đại diện cho học sinh giỏi Trường cấp I Yên Định (Thanh Hoá) đi dự lễ tuyên dương học sinh giỏi và báo cáo điển hình học tập ở huyện. Nhưng do gia đình nghèo không có nổi một bộ quần áo dài để mặc, thầy Diệu đã phải mặc quần áo cộc đi dự lễ. Khi lên huyện, các thầy cô giáo thấy vậy vội chạy đi mượn một bộ quần áo dài cho thầy mặc...
Những năm tháng khó khăn, gian khổ đó thầy Diệu không bao giờ quên. Thầy rất tự hào mỗi khi có dịp kể lại cho học sinh của mình nghe. Mục đích ôn lại kỷ niệm để giáo dục học sinh vượt khó, tiết kiệm, không ỉ lại, vươn lên học tập tốt.
Mê đọc sách
Ngoài giờ học trên lớp, về nhà thầy Diệu lại tranh thủ mượn sách của các thầy giáo trong trường và thư viện về đọc. Thầy rất mê những tác phẩm văn học của Huy gô, Ban zắc, Puskin,...
Các thầy giáo đã tạo điều kiện cho thầy được mượn sách về đọc. Các cô thủ thư trong trường cũng ưu tiên mỗi khi thầy lên thư viện mượn sách. Nhiều hôm được nghỉ học trên lớp, thầy lên thư viện cả ngày. Buổi trưa các cô đóng cửa để về thì thầy mắc võng ở những hàng phi lao cạnh trường để đọc.
Có những cuốn sách hay như: Âm mưu và tình yêu, Kim Vân Kiều truyện... thầy đã mượn thư viện đọc đi, đọc lại đến mấy lượt. Thậm chí có tác phẩm thầy chép tay vào sổ như Kim Vân Kiều truyện. Chính việc chép tay cuốn Kim Vân Kiều truyện rồi học thuộc nên sau này khi đã làm nghề dạy học, đối chiếu với Truyện Kiều của Nguyễn Du, thầy đã hiểu rất rõ sự sáng tạo của ông.
Điều này cũng giúp thầy có cách dạy sâu sắc nhất khi giảng về tác phẩm Truyện Kiều. Đặc biệt, đề tài nghiên cứu văn học về Truyện Kiều của thầy còn được Tổng Liên đoàn Lao động tặng Bằng khen Lao động sáng tạo.
Suốt những năm tháng học phổ thông, thầy Diệu luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Thế nhưng môn văn là môn thầy say mê nhất. Tốt nghiệp phổ thông thầy Diệu đã chọn nghề sư phạm với tâm nguyện trở thành thầy giáo dạy văn.
Những năm tháng học đại học, thầy càng say mê đọc sách và nghiên cứu văn học. Cũng chính nhờ có sự say mê đó mà những bài giảng của thầy về Truyện Kiều cho các em học sinh giỏi văn, chuyên văn sau này đã rất hiệu quả.
Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm, thầy đạt loại xuất sắc, điểm luận văn tốt nghiệp được 10 điểm. Thời đó, thầy là người duy nhất được luận văn 10 điểm.
Cả cuộc đời vì sự nghiệp giáo dục, thầy đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Đó là phần thưởng cao quý dành cho lòng say mê học tập, nghiên cứu của thầy Hồ Quang Diệu.
Hiền Anh