Những mảnh đời chưa có...tên

GD&TĐ -Người ta thường nhắc đến “Việt Kiều” với mường tượng đó là những người giàu có, thế nhưng, ở xóm Việt Kiều (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng tỉnh Long An), họ mưu sinh với nghề bán vé số, cắt lục bình,…và quan trọng hơn, cuộc đời họ không biết đến bao giờ mới được đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương.

Gia đình này có hai thế hệ sống chung trong cái chòi dựng trên sông.
Gia đình này có hai thế hệ sống chung trong cái chòi dựng trên sông.

Về cố quốc với hai bàn tay trắng

Theo đúng nghĩa là hai bàn tay trắng, bởi, người Việt Kiều về quê hương thường có quà, có hàng xóm đến thăm, có ít nhiều kinh tế, nhưng, ở xóm Việt Kiều xã Tuyên Bình, tỉnh Long An, họ còn không có gì hết, kể cả …cái tên của chính mình.

Xóm Việt Kiều nằm gần biên giới. Họ là những người dân di cư từ Campuchia về. Không một tấc đất cắm dùi, không một giấy tờ tùy thân.

Họ theo cha mẹ sang Campuchia từ những ngày còn nhỏ, có người ở bên đó cũng được hơn 20 năm, thế nhưng, hoàn cảnh khó khăn quá, không kiếm đủ miếng cơm manh áo, họ lại kéo nhau về nước.

Hồi hương trong hoàn cảnh không có tiền, không có đất, lại “mất gốc” chẳng anh em họ hàng, những người dân phải mượn tạm đất trống dựng lều chen chúc mấy người trong mấy m2 mà mới nhìn không ai nghĩ đó là “nhà”.

Thậm chí, nhà nào nghèo quá phải dựng chòi trên sông để sống. Xung quanh, mọi thứ đều được làm rất tạm bợ và khó hình dung đó là nơi mà cả hai thế hệ đang sống chung.

Những mảnh đời chưa có...tên  ảnh 1

Căn nhà dựng tạm bợ với nhiều vật dụng "tả tơi"

Người trong xóm Việt kiều không có quốc tịch vì chính quyền Campuchia từ chối cấp do họ là dân phiêu bạt, tứ xứ tới làm ăn chứ không phải dân định cư.

Về tới Việt Nam, họ khao khát được công nhận là người Việt nhưng hầu như không ai trong trong xóm có giấy tờ gì chứng minh gốc gác. Chính vì vậy, họ cũng chẳng có công ăn việc làm vì không có chứng minh thư nhân dân, không có sổ hộ khẩu.

Đàn ông trai tráng cũng ở nhà, ai thuê thì làm mướn chứ không thể xin vào các khu công nghiệp hay kiếm việc làm nuôi gia đình, vợ con. Lâu dần, họ cứ trông chờ vào những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm xuống phát gạo, cho quà, họ sống qua ngày.

Ông Nguyễn Văn Nghi (sinh năm 1969) về Việt Nam từ năm 2009 cho biết: Cuộc sống gia đình tôi không ổn định, khi về cố quốc, chúng tôi thuê đất để dựng tạm căn nhà ven sông này ở qua ngày với giá 1,5 triệu/1 năm, ký hợp đồng 2 năm liền.

Các con tôi đều phải đi bán vé số, cắt lục bình phơi rồi bán lấy tiền. Các cháu không có giấy tờ nên cũng không được đi học. Cũng may, hai con nhỏ là Nguyễn Thị Út và Nguyễn Thị Chinh được các chú bộ đội dạy học ở lớp học xóa mù chữ nên chỉ có hai cháu là biết chữ”.

Chờ một cái…tên hợp pháp

Đến xóm Việt Kiều vào buổi sáng muộn, thế nhưng đàn ông trai tráng vẫn ở nhà, người thì trông con, người đang uống rượu, người cắt lục bình, cuộc sống của họ cứ trôi qua như thế. Chỉ thương những đứa trẻ hồn nhiên, dù đã lớn mà còn chưa được đặt tên hợp pháp bởi, các cháu đều chưa có giấy khai sinh.

Hầu hết các cháu trong xóm đều đang độ tuổi đến trường, cháu nào cũng dạn dĩ bởi cũng đã quen với những đợt đến thăm, trao quà của xã hội.

Nhưng quá tuổi, các cháu vẫn không được học hành, đã thế, người dân trong xóm lại đẻ rất nhiều con nên cứ đứa lớn nuôi đứa bé, rồi lại thay nhau bắt xe lên thị trấn bán vé số lấy tiền mua gạo.

Được biết, nhiều cháu phơi lục bình bán được 6 nghìn đồng/1 kg khô và những đứa trẻ trong xóm cứ vừa làm vừa chơi cho hết tuổi thơ của mình.

Cháu Mai Hiên (8 tuổi) cho biết: “Buổi sáng cháu đi bán vé số, hôm nào may mắn cũng bán được 100 nghìn về đưa mẹ mua thức ăn. Có hôm không bán được gì thì tối về phụ mẹ bó lục bình. Cháu thích được đi học lắm nhưng mẹ cháu bảo cháu phải chờ có tên trên giấy mới được đến trường”.

Những mảnh đời chưa có...tên  ảnh 2

Những cháu nhỏ được ở nhà phơi lục bình và tự chơi với nhau không người trông nom

Thế là cứ cháu lớn đi bán vé số thì cháu bé ở nhà hoặc trông em, hoặc phơi lục bình để bán. Nhìn những đứa trẻ nheo nhóc, lại nghĩ không biết tương lai rồi sẽ về đâu?

Thật may, nhiều năm gần đây, Bộ đội biên phòng Tỉnh Long An đã phối hợp với các nhà trường, chính quyền địa phương để tham gia giúp đỡ các gia đình trong việc nhận dạy học cho các cháu.

Thế là, cứ mỗi buổi tối, sau khi đã xong xuôi nhiệm vụ “kiếm tiền”, các cháu lại đạp xe đến trường để các chú bộ đội dạy học chữ. Hỏi các em sau này muốn làm gì, các cháu đều chung ước mơ: Cháu muốn học chữ, muốn được đi làm.

Nhưng, cho đến giờ, các cháu vẫn không biết khi nào mình mới có cái giấy khai sinh…Và lấy gì để đảm bảo rằng cuộc sống của các cháu sẽ không như cha mẹ mình hiện nay. Tương lai rồi sẽ về đâu, hay lại nổi trôi như những cánh lục bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.