Ngôi trường của trẻ nghèo vào năm học mới

GD&TĐ - Từ nhiều năm nay, Trung tâm Phát huy Bình An (quận 8, TPHCM) được coi là ngôi trường của các em thuộc dân nhập cư, gia đình khó khăn, không có điều kiện đến lớp học chính quy. 

Ngôi trường của trẻ nghèo vào năm học mới

Với các em, ngày 1 buổi đi học, 1 buổi đi mò cua, bắt ốc, bán vé số, bán nước… nên việc chinh phục con chữ không hề dễ dàng. Cứ đầu năm học mới, số HS rất cao, nhưng cuối năm lại giảm từ 10 - 20%. Dù còn có những khó khăn, nhưng Trung tâm luôn nỗ lực hết sức để lo cho các em từ quần áo, tập vở, SGK, xe đạp… đón năm học mới với những hi vọng mới.

Chỉ mong các em đi học đầy đủ…

Đó là chia sẻ của sơ Đặng Thị Thu Hạnh, quản lý Trung tâm khi nói về việc học của các em nhỏ nơi đây. Bởi theo sơ, mỗi em HS ở đây có nhiều hoàn cảnh rất khác nhau, nhưng điểm chung là vô cùng khó khăn không thể theo học ở các trường chính quy.

Khi cái ăn, cái mặc là nỗi lo hằng ngày, thì với gia đình các em, việc học tập, có cũng được, không có cũng được. Vì vậy, việc vận động các em tới trường học thường xuyên, là một kỳ công với các giáo viên ở Trung tâm.

Sơ Hạnh kể, khi các giáo viên tới nhà tìm hiểu, mới thấy hết sự khó khăn của các em, nhiều em có hoàn cảnh… không thể nghèo hơn được nữa. Có em 10, rồi 12, thậm chí 14 tuổi hỏi con biết chữ chưa, chỉ lắc đầu… và đặc biệt rất nhiều em không có giấy khai sinh, không có tạm trú, tạm vắng…

 

Giáo viên của Trung tâm vận động gia đình để các em một buổi đi mưu sinh, một buổi tới trường để biết con chữ, để học làm người, nhưng không phải phụ huynh nào cũng đồng tình, không phải ai cũng hợp tác… Thậm chí có gia đình, vì thiếu tiền mua đồ ăn mà chiếc xe đạp Trung tâm mua cho con mình để tới trường cũng phải bán rẻ…

Theo sơ Hạnh, Trung tâm được thành lập từ năm 2009, thuộc chương trình Bạn trẻ em đường phố (Friends For Street Children - FFSC). Năm học này, Trung tâm có gần 250 em, học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5 đang tham gia học tập các sáng thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Nói là lớp nhưng có nhiều em 12 tuổi vẫn học lớp 1 vì chưa biết đọc, biết viết, có nhiều em lên 7, 8 đến Trung tâm bài học đầu tiên chính là cách cầm bút, học đánh vần, học xưng hô, lễ nghĩa…

Luôn nỗ lực để các em đủ đầy

Sau thời gian nghỉ hè, năm học mới ở trung tâm Bình An đã bắt đầu được gần 4 tuần. Sơ Hạnh chia sẻ, năm học này, Trung tâm có gần 250 em - con số kỷ lục kể từ ngày thành lập.

Nhận các em rồi, cặp sách, quần áo, tập vở, bút mực, đến cả lọ siro thuốc ho, thuốc hạ sốt, thuốc nhỏ mũi… cho các em cũng là cả một vấn đề và Trung tâm luôn cố gắng đủ đầy để đảm bảo việc học cho các em suốt một năm. Theo sơ Hạnh, năm nay nhờ sự hỗ trợ của một số mạnh thường quân, Trung tâm nhận được gần 150 triệu đồng tiền hỗ trợ để chuẩn bị năm học mới.

Được biết, tham gia giảng dạy các em phần lớn là giáo viên tiểu học trên địa bàn đã về hưu. So với dạy học ở trường công lập, dạy học trẻ em ở đây được các cô đánh giá vất vả gấp nhiều lần. Tuy nhiên, vì nhiệt huyết nghề nghiệp và mong trò nghèo được học chữ, các cô tham gia giảng dạy bằng cả tấm lòng.

 

Cô Lưu Thị Hoa chia sẻ, nếu không có tình thương dành cho các em thì rất khó bám lớp. Đa số là con em lao động nghèo, cha mẹ ít quan tâm đến học hành nên khi mới vào lớp, nhiều em bướng bỉnh, không có thói quen chào hỏi thậm chí nói tục, có em học vài hôm xin nghỉ vì… không thích học. Ngoài dạy chữ, các cô phải uốn nắn cả tác phong, nề nếp, từ cách ăn nói, ứng xử, chào hỏi, quan tâm người xung quanh… Điều các giáo viên trăn trở là sự hợp tác của phụ huynh trong dạy con là rất hiếm. Vì vậy, giáo viên vất vả mà sự tiến bộ của trẻ cũng chậm hơn.

“Dạy ở đây có nhiều điều để chia sẻ lắm. Nhiều em có hoàn cảnh vô cùng đáng thương, như trường hợp của em Tuyết Nhi ba đi cai nghiện, mẹ thì bỏ đi chẳng biết nơi nào, để cho bà trông cháu. Rồi có em ba mẹ chẳng biết chữ, khi nhà trường ghi lịch nghỉ học ở bảng thông báo, sáng ra vẫn thấy chở con tới rồi hỏi… sao hôm nay không học; Có em khi giáo viên hỏi tên đầy đủ, ngày tháng năm sinh (vì nhiều em chẳng có giấy tờ khai sinh, chẳng có tạm trú) phụ huynh cũng không nhớ rõ là ngày nào… Rồi cười xòa bảo “để tui về hỏi vợ đã cô giáo”, cô Hoa kể.

Ấy vậy mà các giáo viên nơi đây vẫn gắn bó 7 - 8 năm với Trung tâm, vẫn thường xuyên đi vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ cho các em. Niềm vui của họ chính là thấy HS đến học đều đặn, lễ phép và biết đọc, biết viết, biết thêm nhiều điều từ cuộc sống xung quanh.,

Hạnh phúc hơn, mỗi năm có tầm 3 - 4 em có thể vào lớp 6 ở một số trường THCS trên địa bàn. Về điều này, sơ Hạnh vui mừng nói: “Năm học này Trung tâm có 9 em được vào lớp 6 nên chúng tôi vui lắm. Mong các em có thể duy trì việc học tập càng lâu càng tốt. Bên cạnh đó, để cho các em vào được lớp 6, chúng tôi được hỗ trợ rất lớn của Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, tạo điều kiện cho các em tham gia kỳ thi giữa và cuối năm”.

Chia sẻ về những ấp ủ trong tương lai, sơ Hạnh hi vọng, Trung tâm sẽ được nhân rộng ra, ngày càng có nhiều mạnh thường quân hỗ trợ để nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Ngoài ra, khi đến khu chợ Bình Điền, sơ Hạnh thấy có nhiều em nhỏ được cha mẹ gửi qua đêm để làm việc ở chợ với mức phí khoảng 50.000 đồng/đêm. “Thiết nghĩ nếu có kinh phí làm một cơ sở của Trung tâm ở gần khu vực đó sẽ hỗ trợ được phần nào về chuyện trông con cho dân lao động nghèo, cho họ bớt vất vả thì tốt biết bao” - sơ Hạnh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ