(GD&TĐ)- Chỉ còn một ngày trước khi bước vào môn thi đầu tiên, tâm lý hồi hộp và lo lắng khiến nhiều sĩ tử “bỏ quên” những vấn đề tưởng nhỏ nhưng có ảnh hưởng quan trọng đến kỳ thi ĐH.
TS xem sơ đồ phòng thi tại buổi làm thủ tục dự thi sáng nay (3/7). Ảnh: Lê Huế |
Chuẩn bị trước mỗi buổi thi
Ngoài việc cần nhớ rõ ràng địa điểm hội đồng thi, thí sinh cần đặc biệt lưu ý đến những giấy tờ cũng như vật dụng mang theo khi bước vào phòng thi.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường phải tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh được dự thi, tuyệt đối không được gây khó dễ cho thí sinh nên trong trường hợp bị mất giấy tờ tùy thân và các giấy tờ liên quan thì thí sinh vẫn được dự thi. Tuy nhiên, không vì thế mà các sĩ tử chủ quan. Nên nhớ, khi đi thi, luôn mang những giấy tờ như giấy báo thi, Chứng minh nhân dân… bên mình.
Chuẩn bị thật kỹ các dụng cụ học tập phục vụ cho môn thi, đảm bảo đầy đủ và chất lượng sử dụng tốt. Đặc biệt lưu ý những vật dụng không được mang vào phòng thi. Đối với máy tính cầm tay, cần ghi nhớ, chỉ được mang loại máy được phép sử dụng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đó là các máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản (tính năng ghi chép, ghi số điện thoại...), không có thẻ nhớ cắm thêm vào. Danh sách cụ thể các máy tính cầm tay thông dụng (làm được các phép tính số học, các phép tính lượng giác và các phép tính siêu việt) được mang vào phòng thi như sau: Casio FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 500VNPlus, FX 570 MS, FX 570 ES; VinaCal 500MS, VinaCal 570 MS; Vietnam Calculator VN-500RS; VN 500 ES; VN 570 RS, VN 570 ES; Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM; Canon FC 45S, LS153TS, F710, F720 và các máy tính tương đương.
Tuyệt đối không được mang điện thoại vào phòng thi, nếu có mang theo điện thoại phải nhớ gửi lại ở ngoài phòng thi. Mặc dù quy định này đã được đặc biệt lưu ý trong ngày làm thủ tục và trước mỗi buổi thi nhưng năm nào cũng có không ít thí sinh bị đình chỉ thi vì mắc lỗi này. Thí sinh cần ghi nhớ, nếu mang điện thoại di động vào phòng thi, dù không sử dụng hoặc để ở chế độ tắt nguồn thì vẫn bị coi là vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi. Bộ GD&ĐT cũng đã có yêu cầu các hội đồng coi thi phải có nơi để thí sinh gửi điện thoại di động trước khi vào phòng thi.
Chuẩn bị tâm lý trước khi vào phòng thi cũng rất quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bài thi. Thí sinh cần cố gắng tạo cho mình tâm lý thực sự thoải mái, tự tin, bình tĩnh. Về việc ôn tập, trước ngày thi chỉ nên rà soát lại một loại hệ thống kiến thức, tránh tập trung ôn luyện cho đến khi đến cửa phòng thi sẽ tạo tâm lý căng thẳng, mất bình tĩnh…
Vấn đề chủ động trong việc đi lại cũng rất quan trọng, thí sinh nên đến điểm thi không quá muộn, không quá sớm. Không ít thí sinh phải bỏ thi vì đến muộn quá giờ làm bài.
Trong phòng thi
Ngày mai (4/7), các thí sinh khối A, V sẽ bước vào đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 với các môn thi Toán, Lý, Hóa, năng khiếu.
Khi ngồi trong phòng thi, thí sinh cần xem kỹ trong ngăn bàn, chung quanh chỗ ngồi của mình xem có tài liệu không. Biết lấy lại bình tĩnh nếu có cảm giác quá hồi hộp.
Đặc biệt, đối với các môn thi trắc nghiệm, các thí sinh cần ghi nhớ những lưu ý của Bộ GD&ĐT để tránh những sai sót không đáng có.
Cụ thể, thí sinh cần mang bút mực (hoặc bút bi), bút chì đen, gọt bút chì, tẩy vào phòng thi; nên mang theo đồng hồ để theo dõi giờ làm bài vì thời gian thi trắc nghiệm chỉ có 90 phút; cần giữ cho tờ bài làm phẳng, không bị rách, gập, nhàu, mép giấy bị quăn, vì bài làm sẽ được chấm bằng máy.
Khi nhận đề thi, thí sinh phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời; khi được cán bộ coi thi cho phép, thí sinh bắt đầu xem và phải kiểm tra đề thi. Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi (hoặc có 2 đề thi trở lên) thí sinh phải báo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý. Thí sinh cần ghi tên và số báo danh của mình vào đề thi.
Trên phiếu trả lời trắc nghiệm chỉ được viết một thứ mực không phải là mực đỏ và tô chì đen ở ô trả lời; không được tô bất cứ ô nào trên phiếu trả lời trắc nghiệm bằng bút mực, bút bi. Khi tô các ô bằng bút chì, phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô; không gạch chéo hoặc chỉ đánh dấu vào ô được chọn; ứng với mỗi câu trắc nghiệm chỉ được tô 1 ô trả lời. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh dùng tẩy tẩy thật sạch chì ở ô cũ, rồi tô kín ô khác mà mình mới lựa chọn.
Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và các câu trả lời tô chì, thí sinh tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu trả lời. Bài có dấu riêng sẽ bị coi là phạm quy và không được chấm điểm.
Khi làm từng câu trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ nội dung câu trắc nghiệm, phải đọc trọn vẹn mỗi câu trắc nghiệm, cả phần dẫn và bốn lựa chọn A, B, C, D để chọn phương án đúng (A hoặc B, C, D) và dùng bút chì tô kín ô tương ứng với chữ cái A hoặc B, C, D trong phiếu. Làm đến câu trắc nghiệm nào thí sinh dùng bút chì tô ngay ô trả lời trên phiếu ứng với câu trắc nghiệm đó. Tránh làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu vì dễ bị thiếu thời gian.
Không được tô 2 ô trở lên cho một câu trắc nghiệm vì trong trường hợp này, máy sẽ không chấm và câu đó không có điểm. Số thứ tự câu trả lời mà thí sinh làm trên phiếu trả lời phải trùng với số thứ tự câu trắc nghiệm trong đề thi. Tránh trường hợp trả lời câu trắc nghiệm này nhưng tô vào hàng của câu khác trên phiếu trả lời trắc nghiệm.
Lập Phương