Quy mô, mạng lưới của hệ thống trường PTDTNT được củng cố và phát triển. Trung bình mỗi tỉnh có 1 trường PTDTNT tỉnh và mỗi huyện có 1 trường PTDTNT huyện. Điều này mang lại nhiều cơ hội hơn cho học sinh người dân tộc.
Quy mô và chất lượng được nâng cao
Đến năm 2015 cả nước đã có 308 trường PTDTNT được thành lập ở 50 tỉnh/TP trực thuộc Trung ương, trong đó có 3 trường trực thuộc Bộ GD&ĐT, 54 trường cấp tỉnh, 254 trường cấp huyện (tăng 14 trường so với năm học 2011 - 2012, trước khi thực hiện Đề án); Quy mô HS học trong các trường PTDTNT là 88.219 em (chiếm 8,03% số học sinh DTTS cấp trung học của cả nước), trong đó, HS PTDTNT cấp THCS là 56.778 em, cấp THPT là 31.441 em.
Đến nay, đã có 120/308 trường PTDTNT được công nhận đạt chuẩn quốc gia (đạt gần 39%), tăng 26% so với trước khi thực hiện Đề án. So với chỉ tiêu phê duyệt tại Đề án, tỷ lệ này vượt 9%.
Chất lượng đội ngũ CBQL, GV của hệ thống trường PTDTNT cũng được nâng cao. Số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường PTDTNT được bố trí đủ theo quy định.
Số HS tốt nghiệp THCS và THPT của các trường PTDTNT được tiếp tục đào tạo tăng qua từng năm học. Số HS các trường PTDTNT thi đỗ thẳng vào ĐH, CĐ cũng ngày càng tăng, có nhiều HS đoạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh, quốc gia.
Tính trung bình hằng năm, hơn 50% HS các trường PTDTNT tốt nghiệp THPT thi đỗ thẳng vào ĐH, CĐ. Gần 20% HS đi học cử tuyển và dự bị đại học, khoảng 30% vào học trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và về địa phương tham gia công tác, lao động sản xuất.
Đặc biệt, năm học 2014 - 2015, năm học cả nước tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của hệ thống trường PTDTNT đạt 95,64%, cao hơn khoảng 4% so với tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc, trong đó có 7 địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp 100% và 40/50 địa phương có tỷ lệ HS PTDTNT tốt nghiệp THPT cao hơn tỷ lệ chung toàn quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những mặt hạn chế như: Thiết bị dạy học chưa được đầu tư đồng bộ cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất; Chưa xây dựng được website và hệ thống thông tin quản lý các trường PTDTNT; Việc cung cấp các tài liệu đã được biên soạn cho các trường PTDTNT còn rất hạn chế.
Chú trọng tới chất lượng toàn diện
Ông Bùi Văn Cửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - cho biết: Ngay từ khi triển khai Đề án, các cấp chính quyền địa phương và các Ban, ngành đoàn thể trong tỉnh đã phối hợp chỉ đạo, triển khai các nội dung theo phân cấp từ tỉnh đến các địa phương.
Chính nhờ phối hợp chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên ngay từ khi triển khai Đề án các địa phương đã làm tốt công tác huy động nguồn lực đầu tư cho xây dựng các công trình.
Ngoài các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia... thì UBND từ cấp huyện, xã tùy theo từng nội dung triển khai Đề án tại địa phương tích cực phối hợp vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường PTDTNT bằng các hình thức phù hợp như: Hiến đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường mở rộng diện tích đất, cấp đất xây dựng mới đảm bảo đủ diện tích xây dựng đạt chuẩn quốc gia, tạo cơ sở phát huy dân chủ trong công tác kế hoạch đầu tư để người dân được biết, bàn bạc, thống nhất ý kiến coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Vì vậy, 8/8 trường PTDTNT đều được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, xây mới phòng học, phòng bộ môn, thư viện, cải tạo sơ sở vật chất… với tổng kinh phí cả giai đoạn là 63.994 triệu đồng.
Từ cuối năm 2014, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch Kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, dạy nghề và nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015 – 2020 với mục tiêu khoảng 10% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường PTDTNT; trong đó 9,8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường PTDTNT cấp THCS, 10,3% học tại các trường PTDTNT cấp THPT.
Cũng nhờ việc tích cực triển khai Đề án mà cho đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 11/12 trường PTDTNT đạt chuẩn (tỷ lệ 91,7%). Trong đó, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa là trường đầu tiên đạt chuẩn quốc gia trong hệ thống các trường phổ thông trong cả nước. Phấn đấu đến hết năm học 2015 - 2016, đạt 100% chỉ tiêu các trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT của tỉnh chia sẻ: Để nâng cao chất lượng giáo dục cho HS dân tộc thì công tác chú trọng xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTNT luôn được ngành Giáo dục đặt lên hàng đầu.
Sở GD&ĐT thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường học đảm bảo đạt chuẩn kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.
Tỉnh còn tổ chức bồi dưỡng tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đổi mới hình thức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và đồng bộ về cơ cấu bộ môn, phù hợp với điều kiện thực tế của các nhà trường và theo đúng Thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với HS các trường nội trú dân tộc, theo ông Nguyễn Châu Vĩnh, Trưởng phòng Giáo dục dân tộc, Sở GD&ĐT Bình Phước, ngành GD&ĐT đã tăng cường thực hiện các hoạt động giáo dục đặc thù trong trường PTDTNT gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống cho học sinh. Các trường đều thực hiện tốt việc khám sức khỏe định kỳ, chữa bệnh, sơ cứu kịp thời cho HS, làm tốt công tác phòng ngừa bệnh dịch.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục còn trang bị cho HS những kiến thức văn hóa, lịch sử địa phương, hoạt động văn nghệ, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và giáo dục toàn diện cho học sinh thông qua hoạt động tổ chức giao lưu văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số; Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề truyền thống và phân luồng cho học sinh các trường PTDTNT; Tăng cường hoạt động lao động sản xuất cải thiện cuộc sống cho học sinh dân tộc.