Nó thường bắt đầu bằng việc tổng kết đánh giá của giáo viên chủ nhiệm về hoạt động của tập thể lớp trong tuần, biểu dương những cá nhân tích cực và phần lớn thời gian là để cảnh cáo, phê bình những học sinh vi phạm nội quy và sau đó là xếp loại thi đua từng học sinh.
Tôi thấy giờ sinh hoạt như vậy chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, có những học sinh tuần này đã vi phạm, tuần sau lại tiếp tục tại phạm tiếp và một số học sinh có tâm lí sợ đến tiết sinh hoạt cuối tuần”.
Đó là tâm sự của cô Lê Thị Hương - Giáo viên Trường THPT Triệu Sơn (Thanh Hóa). Từ trải nghiệm thực tế, cô Lê Thị Hương cho rằng, cần phải thay đổi, cải tiến giờ sinh hoạt để thực sự hiệu quả.
15 phút khởi động
Cô Hương cho rằng, phần nhận xét, đánh giá trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm thường chiếm từ 15 - 20 phút; bắt đầu bằng những tóm tắt kết quả học tập và rèn luyện của cả lớp trong tuần của ban cán sự lớp.
Thông qua sổ đầu bài, sổ trực tuần, sổ trực xung kích lần lượt các tổ trưởng nhận xét tuần học của mình (nghỉ học, bỏ tiết, đi học muộn, trang phục, đồng phục, tinh thần, thái độ học tập, bầu chọn cá nhân xuất sắc hoặc tiến bộ vượt bậc của tổ,….)
Lớp trưởng nhận xét hoạt động của lớp trong tuần học, nghiêm túc chỉ ra những tiến bộ, hoặc hạn chế của tập thể lớp trong mọi mặt hoạt động.
Sau đó, giáo viên chủ nhiệm chỉ nhận xét, đánh giá chung về mọi hoạt động của tập thể lớp một cách khách quan, công bằng qua việc kiểm tra, giám sát, thu thập từ các nguồn tin học sinh, cán sự lớp, giáo viên bộ môn, lãnh đạo nhà trường, phụ huynh học sinh,…
Có khen chê kịp thời nhưng khéo léo; đưa ra kế hoạch và phương hướng phấn đấu của tập thể lớp trong tuần học tiếp theo
Trong phần này, cũng thực hiện các nội dung như bầu chọn các cá nhân, tập thể tổ xuất sắc nhất để khen thưởng, động viên kịp thời; lập danh sách các cá nhân học sinh chưa tiến bộ và có hướng điều chỉnh cụ thể (tùy theo hình thức vi phạm mà đưa ra giải pháp cụ thể nhưng tránh lăng mạ, xúc phạm học sinh mà cần cho học sinh tự nhận lỗi và có ý thức phấn đấu tự sửa lỗi. Có thể lấy ý kiến từ các bàn trưởng.
Phát huy tinh thần tự quản
Sau phần nhận xét, đánh giá, nội dung Sinh hoạt tập thể kéo dài từ 25 - 30 phút. Ở nội dung này, theo gợi ý của cô giáo Lê Thị Hương, mỗi tuần giáo viên yêu cầu 1 tổ học sinh chuẩn bị các hoạt động vui - học - rèn kĩ năng sống, khả năng hòa đồng với tập thể học sinh, …và chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động này trong giờ sinh hoạt.
Các em có cơ hội được nói, được thể hiện mình, trở thành người tổ chức, điều khiển các hoạt động như thi hát giữa các tổ, học bài hát truyền thống, hái hoa dân chủ bằng các câu hỏi về kiến thức môn học về hiểu biết xã hội, kĩ năng ứng xử, tự bộc lộ mình hoặc nêu cảm nhận về bạn bằng các hình thức trả lời các câu hỏi như bạn thích nhất màu gì? Quan niệm của em về tình bạn chân thành, thần tượng của bạn là ai? Tại sao? trong tương lai bạn chọn nghề gì? Tại sao?…
“Khi tổ chức các hoạt động này, tôi nhận thấy các em lúc đầu còn ngại ngùng nhưng sau đó tỏ ra thích thú và rất hào hứng” - Cô Hương cho biết.
Với tinh thần tự quản, nội dung sinh hoạt một giờ sinh hoạt lớp còn có thể diễn ra như sau: Quản ca bắt nhịp, cả lớp vui vẻ mở đầu bằng bài đồng ca thật khí thế; lớp trưởng giới thiệu rồi mời giáo viên chủ nhiệm cùng các bạn xuất sắc trong tuần (đã được bầu trong cuộc họp cán bộ lớp) lên ngồi ở bàn danh dự (có trang trí lịch sự);
Lớp trưởng mời các tổ trưởng và các lớp phó lần lượt báo cáo, rồi cho lớp tự do góp ý; lớp trưởng nhận xét và tổng kết kết quả thi đua trong tuần, rồi công bố trọng tâm công việc tuần tới.
Sau đó là nhận xét, đánh giá, tuyên dương, phê bình, nhắc nhở của giáo viên chủ nhiệm, tổ chức các hoạt động tập thể vui, bổ ích,…
Qua tiết sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần, các học sinh sẽ tự tin không bỡ ngỡ trong việc lựa chọn nghề theo lực học của mình, theo sở thích… rồi chọn đúng ngành để đi.
Những bài học không đao to búa lớn
Cũng theo cô Lê Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm cần chú ý dạy học sinh cách học làm người, cách sống, cách ứng xử với mọi người. Không cần giáo huấn quá nhiều không cần những lời đao to búa lớn mà có khi chỉ là những tâm sự mang tính chất cá nhân hoặc những câu chuyện nhỏ về bài học làm người.
Cô Hương kể: Có những hôm tôi không nói gì cả mà chỉ kể cho các em nghe một mẩu chuyện trong sách, báo, internet mà tôi sưu tầm được để các em tự rút ra bài học cho mình.
Ví dụ, chuyện về chiếc vòng tròn để các em nhận ra không phải cái gì cũng hoàn hảo, những khiếm khuyết đôi khi lại đem đến giá trị có ý nghĩa cho cuộc sống.
Cũng có khi tôi kể cho các em nghe những mẫu chuyện ngắn về Bác Hồ, về tuổi thơ của một số nhà khoa học mà tôi biết.
Và gần gũi, thiết thực với các em hơn cả là sau mỗi kì thi đại học, tôi đều sưu tầm trên mạng internet những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập và đạt thủ khoa hoặc giành điểm cao trong kì thi đại học, những tấm gương về người tốt, việc tốt ở lứa tuổi học sinh THPT để giờ sinh hoạt tập thể kể cho các em nghe hoặc cung cấp thông tin để ban cán sự lớp lấy đó làm tư liệu trong giờ sinh hoạt tập thể kể về gương người tốt, việc tốt…
Cũng có tuần ( thường là cuối một học kì và cuối mỗi năm học), tôi cho các em chơi trò tự bạch các em tự bộc bạch trên giấy về ước mơ, hoài bão của bản thân; những điều mà các em đã làm được hoặc chưa làm được trong học kì hoặc năm học; những vướng mắc mà các em gặp phải trong học tập và cuộc sống; những mong muốn, đề xuất (nếu có) đối với tập thể lớp và những góp ý với cô giáo chủ nhiệm.
Kết quả không nằm ngoài dự đoán của tôi, những tờ giấy mà tôi thu được là những bộc bạch, những dòng cảm xúc khá chân thành của học sinh qua đó tôi nắm bắt được tâm tư, tình cảm của các em để có biện pháp tác động phù hợp.
Đây cũng là hình thức tôi thu nhận các thông tin ngược về phương pháp chủ nhiệm cũng như giảng dạy của mình từ đó có những điều chỉnh cần thiết.
Kế hoạch cụ thể cho sinh hoạt 15 phút đầu giờ
Trong các giờ sinh hoạt 15 phút đầu giờ, cô Lê Thị Hương thường lên kế hoach cụ thể cho từng buổi và phân công cho từng cá nhân phụ trách.
Trong tuần ngoài những nội dung bắt buộc theo quy định của Đoàn trường, cô Hương cho biết mình đã xin dành ra hai buổi.
Một buổi dành cho học sinh trao đổi về ước mơ, hoài bão, định hướng nghề nghiệp của bản thân trong tương lai; cũng có khi cho các em bày tỏ quan điểm của mình về tình yêu, tình bạn trong sáng.
Buổi còn lại cho các em tìm hiểu về gương người tốt, việc tốt nhất là các tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập.
“Tôi làm việc này với quan điểm mưa dần thấn lâu, mỗi tuần các em kể về một tấm gương sáng thì tâm hồn các em cũng dần “sáng” theo” - Cô Hương tâm sự.