Những điều ước làm tươi rạng tương lai

GD&TĐ - Chương trình “Điều ước cho em” đã và đang mang lại những luồng gió mới, hi vọng mới cho giáo dục vùng khó.

Học trò Trường PTDT bán trú Tiểu học & THCS Nhạn Môn (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) bên công trình mới từ chương trình “Điều ước cho em”. Ảnh: NTCC
Học trò Trường PTDT bán trú Tiểu học & THCS Nhạn Môn (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) bên công trình mới từ chương trình “Điều ước cho em”. Ảnh: NTCC

Cùng với các đại sứ, những điều ước tiếp tục được lan tỏa, mang cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng cho học trò mọi miền đất nước.

Khởi sắc từ nơi điều ước đã nhiệm màu

Công tác tại cơ sở giáo dục mà “điều ước cho em” đã trở thành hiện thực, cô Ma Thị Hằng - giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS Nhạn Môn, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) - chia sẻ: Sau khi nhận được tài trợ từ chương trình “Điều ước cho em”, trường có sự thay đổi rõ rệt về cơ sở vật chất, đời sống hàng ngày của học sinh, đặc biệt đối với các em học tại điểm trường lẻ như Khuổi Ỏ, Phiêng Tạc, Ngảm Váng, Nặm Khiếu, Slam Vè.

Phụ huynh yên tâm hơn khi con em mình được học tập, ăn uống, nghỉ ngơi tại lớp và không phải dậy sớm để chuẩn bị cơm cho các em vào ngày học hai buổi. Càng yên tâm hơn khi các con được sử dụng nguồn nước sạch, bảo đảm vệ sinh.

Đặc biệt, tại điểm trường Slam Vè, học sinh được ngồi học tại lớp chắc chắn, an toàn và không lo ngại bất trắc có thể xảy ra kể cả ngày nắng hay mưa. Các em không lo ngại mỗi khi trời vào đông với cái rét cắt da cắt thịt của miền Bắc bởi đã có áo phao và cái chăn dày ấm.

Theo cô Ma Thị Hằng, cũng nhờ chương trình hỗ trợ bữa ăn trưa tại các điểm trường lẻ mà học sinh đi học đều hơn, giúp thầy cô lên lớp bảo đảm chương trình theo đúng kế hoạch.

Chị Ma Thị Trong - phụ huynh em Bùi Hải Nam (học sinh lớp 4), Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Nhạn Môn - phấn khởi cho biết: “Chương trình đã tiếp thêm sức mạnh cho cả thầy và trò trong nhà trường, tạo điều kiện tốt cho thầy trò cùng cố gắng. Từ khi chương trình được thực hiện, nhà trường có nhiều thay đổi.

Cơ sở vật chất được nâng lên, học sinh thêm yêu trường lớp, có điều kiện học tập tốt hơn. Rất mong chương trình sẽ quan tâm và giúp đỡ thêm những học sinh thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn để các em có thể biến giấc mơ học hành đến nơi đến chốn thành hiện thực”.

Trà Vinh là một trong những địa phương đầu tiên chương trình “Điều ước cho em” trở thành hiện thực. Kể từ khi chương trình được tổ chức tại Trường Tiểu học Đa Lộc A, huyện Châu Thành cách đây 10 tháng, nhiều đổi thay tích cực đã đến với thầy trò nơi đây. Chương trình đã mang lại luồng gió mới, hi vọng mới và những đổi thay tích cực trong suy nghĩ, động lực phấn đấu của các học trò.

Cô Trương Thị Mỹ Xuyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Lộc A - cho biết: “Trường nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, học trò còn biết bao thiếu thốn. Thật bất ngờ và vui mừng khi chương trình “Điều ước cho em” đến với thầy trò nhà trường sớm nhất tỉnh Trà Vinh. Chương trình đã trao tặng: Máy lọc nước, tivi, xe đạp, học bổng cho học sinh nghèo, sữa và bánh kẹo cho học sinh... Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cũng có chương trình tặng quà cho thầy cô giáo. Đây là nguồn động viên lớn lao đối với thầy trò chúng tôi”.

Theo cô Xuyên, những phần quà từ chương trình không chỉ có ý nghĩa vật chất, bù đắp phần nào khó khăn của thầy và trò, mà còn là nguồn động viên lớn về tinh thần. Chương trình thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, tổ chức đoàn thể và toàn xã hội tới sự nghiệp giáo dục.

Sự quan tâm ấy góp phần động viên thầy cô giáo và học sinh cố gắng, nỗ lực hơn, đồng thời nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc. “Tôi mong chương trình “Điều ước cho em” sẽ tiếp tục đến với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên khắp cả nước”, cô Trương Thị Mỹ Xuyên bộc bạch.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tặng máy lọc nước cho Trường Tiểu học Đa Lộc A (Châu Thành, Trà Vinh). Ảnh tư liệu
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tặng máy lọc nước cho Trường Tiểu học Đa Lộc A (Châu Thành, Trà Vinh). Ảnh tư liệu

Nhịp cầu lan tỏa những ước mơ

Các thầy cô của học trò vùng khó nói chung, Đại sứ chương trình “Điều ước cho em” nói riêng đều có chung mong ước điều kiện giáo dục ngày càng cải thiện. Họ luôn mong một ngày, học trò được quan tâm đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, thu hẹp dần khoảng cách, hướng tới sự công bằng trong tiếp cận giáo dục, vững vàng với vai trò chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.

Thầy Thạch Sa Quên (dân tộc Khmer), Trường THPT Cầu Ngang A, Cầu Ngang – Đại sứ chương trình “Điều ước cho em” của tỉnh Trà Vinh, chia sẻ: Chương trình “Điều ước cho em” đến Trà Vinh, cả giáo viên và học sinh rất phấn khởi vui mừng, thầy cô có thiết bị dụng cụ dạy học, còn học sinh có được phương tiện đi học.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều vùng, nhiều nơi, thầy trò thiếu các cơ sở, thiết bị dạy và học. Mong chương trình tiếp tục triển khai và thực hiện để có nhiều hơn nữa học sinh được thụ hưởng những điều kiện học tập tốt hơn.

Vẫn còn đó ước mơ giản dị của cô Hồ Thị Táo (dân tộc Vân Kiều), Trường Mầm non Tà Rụt, thị trấn Krông Klang, Đakrông – Đại sứ chương trình tại Quảng Trị. Theo cô Hồ Thị Táo, Trường Mầm non Tà Rụt luôn cố gắng đem đến những điều tốt đẹp nhất cho trẻ.

Tuy nhiên, vẫn thiếu nhiều đồ dùng cho các em ở điểm trường lẻ, nhà vệ sinh và nhà công vụ của giáo viên đã xuống cấp. “Tôi mong chương trình “Điều ước cho em” sẽ biến những ước mơ nhỏ nhoi của cô và trò nơi đây thành hiện thực”, cô Táo mong mỏi.

Là Đại sứ chương trình “Điều ước cho em”, cô Táo luôn cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình, sẽ tiếp tục kêu gọi thật nhiều tấm lòng hảo tâm, chương trình dự án để hỗ trợ các em một số đồ dùng, thiết bị dạy học. Cùng với nhà trường tham mưu với các cấp, ngành để kêu gọi hỗ trợ cho thầy cô vùng khó về nhà công vụ, nhà vệ sinh.

Còn cô Triệu Mùi Viển, giáo viên Trường Mầm non Bộc Bố, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) – Đại sứ chương trình “Điều ước cho em” tỉnh Bắc Kạn, chia sẻ: “Tôi rất vui và vinh dự được trở thành đại sứ, là cầu nối để nói lên điều ước của các em nhỏ vùng cao còn nhiều khó khăn. Với vai trò là đại sứ, khi chương trình “Điều ước cho em” được hiện thực hóa tại địa phương, tôi đã phối hợp với Đoàn thanh niên, Câu lạc bộ Hơi ấm vùng cao cố gắng thực hiện và kêu gọi các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Khó khăn và thiếu thốn của các cháu nhỏ ở vùng cao không thể kể hết, cần lắm những giúp đỡ của chương trình. Tôi mong chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện và lan tỏa rộng hơn nữa đến với tất cả học sinh vùng cao, đồng bào khó khăn để mang lại hi vọng về tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.