Chung tay để “Điều ước cho em” vươn xa

GD&TĐ - Chương trình Điều ước cho em đã và đang nhận được sự hưởng ứng của nhà trường và địa phương khắp cả nước.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT  cùng lãnh đạo tỉnh Trà Vinh trao quà Điều ước cho em cho HS Trường TH Đa Lộc A, huyện Châu Thành, Trà Vinh vào tháng 1.2021. Ảnh: Thế Đại.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo tỉnh Trà Vinh trao quà Điều ước cho em cho HS Trường TH Đa Lộc A, huyện Châu Thành, Trà Vinh vào tháng 1.2021. Ảnh: Thế Đại.

Lan tỏa để Điều ước thành hiện thực

Theo chia sẻ của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, Chương trình Điều ước cho em được kỳ vọng sẽ tạo ra được mạng lưới cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau, chung tay để cùng phát triển sự nghiệp giáo dục tại các vùng khó khăn, qua đó kịp thời đồng hành, tiếp sức cho sự phát triển giáo dục vùng khó. 

Một trong những kênh kết nối chương trình hướng đến là trường giúp trường, bạn giúp bạn, thầy cô giúp thầy cô. Cơ hội kết nghĩa cho phép các trường cùng chia sẻ một cách bền vững về cả cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy và tài liệu học tập…

Chia sẻ về Chương trình Điều ước cho em, ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết: Mỗi phần quà, học bổng, cơ sở vật chất chương trình tặng cho nhà trường, tặng cho học sinh không chỉ có giá trị về vật chất mà còn là nguồn động viên lớn tới thầy, trò.

"Chương trình Điều ước cho em rất ý nghĩa, đã kịp thời hỗ trợ giáo dục vùng khó, biến ước mơ của thầy trò, thành hiện thực. Rất mong chương trình tiếp tục đồng hành, hỗ trợ thêm nhiều trường học trong cả nước… Dù khó khăn, nhưng thầy, trò sẽ tích cực hưởng ứng mục tiêu cao cả của chương trình là trường giúp trường, giáo viên giúp giáo viên và học sinh giúp học sinh", ông Thắng cho biết.

Là địa phương vừa nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình Điều ước cho em, huyện Phước Long (Bạc Liêu) hưởng ứng tích cực chương trình ý nghĩa này.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Bí Thư huyện ủy Phước Long, những phần quà, học bổng Chương trình Điều ước cho em dành tặng các trường học là rất kịp thời, ý nghĩa, đặc biệt là vào thời điểm thầy, trò đang tập trung triển khai Chương trình GDPT mới.

"Đây là nguồn động viên tinh thần cho tập thể, cán bộ, giáo viên nhà trường vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trồng người… Với ý nghĩa sâu sắc của chương trình này, sự đồng hành của mỗi địa phương, nhà trường là nguồn động lực để trường học vùng khó khăn hơn vượt qua khó khăn, thầy cô giáo yên tâm bám trường, bám lớp".

Ông Quảng Trọng Diện, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phước Long (Bạc Liêu) cho biết: Chương trình Điều ước cho em đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất của thầy, trò vùng khó. Những phần quà, học bổng, cơ sở vật chất… giúp nhà trường, thầy cô giáo và các em học sinh nỗ lực hơn, phấn đấu nâng cao chất lượng GD&ĐT. Đó còn là tấm lòng trân quý mà các cấp, ngành và đội ngũ nhà giáo cả nước hướng đến học sinh, đồng nghiệp vùng khó.

Mong học trò bớt vất vả

HS huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đến trường bằng đò. Ảnh: Q. Ngữ.
HS huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đến trường bằng đò. Ảnh: Q. Ngữ.

Hay tin Chương trình Điều ước cho em được triển khai, thầy Trần Chí Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hố Gùi, ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) bày tỏ mong muốn nhận được hỗ trợ để thầy, trò bớt vất vả.

Theo thầy Dũng, trường có 16 lớp với 267 học sinh, gồm 1 điểm chính và 2 điểm lẻ. Cả 3 điểm trường đều nằm trên ấp nghèo, trang thiết bị đã xuống cấp trầm trọng do xây dựng đã lâu và nhiều lần sửa chữa. Gần cửa biển nên mỗi khi đến mùa nước lên, sân trường,  phòng học đều bị ngập nước làm cho nền, vách tường bị bong tróc, sụt lún.

Điều kiện đi lại của học sinh gặp rất nhiều khó khăn khi phải lệ thuộc vào con nước lớn, ròng vì đa số là đi bằng phương tiện đường thuỷ. Đây là trường học hoàn toàn bị cô lập giao thông bộ. Nếu không để tồn tại các điểm lẻ này thì  học sinh có nguy cơ bỏ học. “Cách đây không lâu, khi xoá điểm lẻ thì gần như toàn bộ học sinh bỏ học vì không thể hàng ngày vượt 5 - 7 cây số bằng đường đồng ruộng đi học. Nếu đi bằng đò thì chi phí mỗi ngày mấy chục ngàn đồng”, thầy Dũng chia sẻ.

Thầy Thạch Sa Quên, Đại sứ Chương trình Điều ước cho em tỉnh Trà Vinh cùng học trò. Ảnh: Q. Ngữ.
Thầy Thạch Sa Quên, Đại sứ Chương trình Điều ước cho em tỉnh Trà Vinh cùng học trò. Ảnh: Q. Ngữ.

Niềm mong mỏi của thầy Dũng cũng là ước mơ, mong muốn của nhiều địa phương khác khi thầy, trò còn lắm khó khăn, vất vả. Thầy Thạch Sa Quên, Đại sứ Chương trình Điều ước cho em tỉnh Trà Vinh chia sẻ: “Hơn 16 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, tôi luôn mơ ước làm sao để trò nghèo được yên tâm đến lớp. Chúng tôi vô cùng biết ơn, cảm động khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao cho các thầy cô giáo tham dự chương trình một vinh dự, trách nhiệm lớn lao là trở thành 63 đại sứ đầu tiên của phong trào “5 điều ước”. Rất mong chương trình Điều ước cho em sẽ đến với thật nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên khắp cả nước”.  

Cô giáo Thạch Thị Bút Pha, Đại sứ Chương trình Điều ước cho em tỉnh Sóc Trăng luôn ấp ủ ước mơ học sinh được đầy đủ điều kiện học tập. Theo cô Bút Pha, Chương trình Điều ước cho em đã rất kịp thời chia sẻ với giáo dục vùng khó. “Tôi tin rằng, những điều tốt đẹp sẽ lan toả mạnh mẽ và nhận được đồng thuận lớn của toàn xã hội và tất cả những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.