Con muốn nói khi nào?
Hôm trước, đến nhà bạn chơi, tôi chứng kiến màn đối thoại của hai mẹ con chị Hồng Ánh (đường Hồng Hà - Hà Nội). Cậu con trai đang lúi húi làm gì ở trong phòng, chị giục con: Hưng, cất ngay cái iPad đi, không học hành gì cả lại cắm đầu cắm mặt vào xem xét lăng nhăng đấy hả…
Tiếng cậu con vọng ra nghe đã có sự phản ứng: Con đang học mà mẹ… Học cái gì thì học cho tập trung vào, lúc nào cũng vừa chơi vừa học… tôi đẻ ra anh, tôi lại chả đi guốc vào bụng anh đấy… Mẹ hơi bị chủ quan đấy mẹ ạ.
Chắc gì mẹ đã hiểu con nhất như mẹ cứ hay khẳng định. Lúc nào mẹ cũng chê trách con chỉ có ăn và học cũng không xong. Mẹ không thấy khó nhưng mà con thấy học hành để giỏi giang như mẹ muốn khó lắm.
Học dễ thế thì việc gì học sinh cứ phải đi học thêm hết cái nọ cái kia như thế… Con học cũng vất vả và khổ cực như mẹ đi làm kiếm tiền đấy mẹ ạ….
Tôi phì cười vì sự “phản biện” của cậu học sinh lớp 7 nhưng cũng nháy mắt công nhận với cô bạn là thằng bé lập luận khá có lý…
Ngay trong vấn đề hiểu con cũng có nhiều người cứ tưởng đáp ứng, thỏa mãn các yêu cầu của con là đã có thể hiểu được con và đã làm bạn được với con.
Nếu không hiểu được những diễn biến tâm lý bên trong của con, không hiểu được cảm xúc, suy nghĩ hay nguyện vọng, sở thích của con thì mới chỉ hiểu được cái vỏ vật chất mà thôi. Đừng chủ quan nghĩ rằng mình đẻ ra con thì mình hiểu hết về con các bố mẹ. Những kinh nghiệm của người lớn, những mong muốn tốt đẹp của bố mẹ chưa hẳn đã là “cấp thiết” với con cái nếu như các bậc phụ huynh không biết truyền dạy một cách khéo léo.
Không ít lần đứa con cảm thấy ấm ức vì phải tuân thủ một chiều những sự áp đặt. Từ những chuyện đơn giản nhất như chụp ảnh chung, chuyện mặc quần áo thế nào, cho đến việc lớn hơn như học hành ở đâu, thi vào trường gì và những bước chuyển mình bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.
Hiểu con không dễ
Các chuyên gia tâm lý giáo dục đã chỉ ra 6 kiểu dạy dỗ sai lầm của các bố mẹ làm ảnh hưởng tới tương lai của con cái mình. Đó là kiểu cha mẹ quá bao bọc, cha mẹ thích đàm phán, cha mẹ hay la mắng, cha mẹ quá cầu toàn, cha mẹ cho đi quá nhiều và cha mẹ áp đặt.
“Mẹ cháu hay so sánh cháu với bạn này bạn kia ở lớp hoặc con của bạn bố mẹ. Cháu hiểu ý mẹ cháu muốn cháu cố gắng hơn để giỏi giang hơn, nhưng cháu có phải là bạn ấy đâu nên có những cái cháu không thể làm giống hệt như bạn ấy được.
Cháu cũng nỗ lực nhiều hơn nhưng hễ mỗi lần cháu bày tỏ suy nghĩ của mình là mẹ cháu lại lấn át và bảo là mẹ chưa nói xong con đã cãi xong. Giỏi cãi thế thì đi ra ngoài đường mà cãi nhau với thiên hạ, không cần phải phụ thuộc vào bố mẹ đủ thứ như vậy nữa… Cháu rất là buồn.
Cháu muốn mẹ hiểu cháu nhưng càng cố thanh minh thì càng mắc tội khỏe cãi láo cô ạ…” - Tâm sự của cậu bé Đức Trung (lớp 7 Trường THCS Xã Đàn (Hà Nội) cũng là tâm trạng của nhiều đứa trẻ đang ở độ tuổi có nhiều biến động trong tâm sinh lý.
Nếu các ông bố, bà mẹ không ngừng học hỏi, cập nhật những kiến thức mới để áp dụng trong dạy dỗ và giáo dục, định hướng cho con thì ngay cả việc hiểu được tâm tư, nguyện vọng của con cái họ cũng đã rất khó khăn.
Đã từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn tâm lý học đường và đúc kết để viết cuốn sách Mặt trái của yêu thương, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Wedo Wegood) khuyên các bậc phụ huynh cần có sự thay đổi về tư duy và tâm lý hơn trong việc dạy con thời hiện đại:
Dạy con đường mang triết lý quá cao siêu bởi các con cần biết để vận hành từ những điều nhỏ nhất vào cuộc cuộc sống hàng ngày. Khi con lớn dần lên thì những vấp váp, tình huống sẽ càng nhiều hơn, phức tạp hơn nhưng đó cũng vẫn là những gì cần giải quyết, cần ứng xử, cần làm được.
Không có một chuyên gia nào giúp con giỏi bằng bố mẹ cả, vì thực tế bố mẹ là người trải nghiệm cuộc sống cùng con từng ngày.