Hội chứng nghiện smart phone
Có lẽ đây là điểm nhận dạng cơ bản nhất của vợ chồng thời công nghệ. Điện thoại lúc nào cũng cầm trên tay, thậm chí cả khi ăn, khi tắm, khi ngủ, khi trông con. Mắt dán vào điện thoại, khi đó mọi thứ xung quanh như không tồn tại, kể cả người bạn đời và con cái.
Vợ chồng Hiền Hùng (Q.Thủ Đức, TPHCM) lấy nhau được hơn một năm, niềm vui đón cậu con trai bé bỏng chào đời còn chưa kịp tắt thì gia đình trẻ đã xảy ra chiến tranh lạnh. Chung quy, cũng chỉ tại cái điện thoại.
Hiền kể, từ ngày lấy nhau về đã biết chồng mê game. Đi làm thì thôi chứ hễ ở nhà là ôm khư khư lấy điện thoại, máy tính bảng để luyện game, không đỡ đần vợ bất cứ chuyện gì. Vợ gọi thì cứ ừ hữ.
Mọi chuyện bắt đầu gay gắt hơn từ khi Hiền mang bầu nhưng do cơ địa không được khỏe nên bị động thai. Từ đó, mẹ Hiền phải từ quê Nghệ An vào chăm con gái, nhưng không vì thế mà Hùng, chồng Hiền bớt nghiện smart phone. Thậm chí, ỷ có mẹ vợ chăm, vợ lại ì ạch nằm một chỗ nên Hùng càng được thế.
“Mẹ mình thì làm bù đầu, từ nấu bữa sáng, dọn dẹp nhà cửa đến chợ búa, rồi chăm mình. Chồng mình thì đi làm về là leo lên phòng, đóng cửa lại, mặc kệ mẹ muốn làm gì thì làm, vợ muốn ra sao thì ra. Quần áo đi làm về thay ra cũng chẳng buồn cho vào máy giặt. Chỉ nhanh nhanh chóng chóng cắm mặt vào điện thoại”- Hiền phân trần.
Thậm chí khi ăn cơm có mẹ vợ ngồi bên cạnh, chồng cũng không bỏ được cái điện thoại. Không nói được lời nào với mẹ. “Mình bầu bí ốm nghén mà một câu hỏi han của chồng cũng không có. Thiệt chứ, chồng mình còn yêu điện thoại hơn yêu vợ”, chị than thở.
Mẹ Hiền dù cũng buồn nhưng nghĩ con rể đi làm cả ngày mệt mỏi, lại mọi gánh nặng về kinh tế lúc này đều do con rể đảm đương nên cũng không vì thế mà so đo. Chỉ đến khi con gái đến ngày đẻ, nửa đêm vỡ nước ối, mẹ vội vàng kêu con rể sửa soạn đồ đạc và đưa con gái vào viện. Con rể vẫn không rời tay khỏi điện thoại. Trên taxi trong khi vợ thì kêu gào vì đau và sợ, chồng vẫn thản nhiên ngồi chơi game, chốc chốc lại kêu bùm chíu.
“Mẹ mình chỉ nói số khổ rồi con ạ, rồi bà thở dài bế cháu. Sinh con xong, chồng cũng chẳng đỡ đần được gì. Có mấy ngày mình nằm viện, mẹ cũng tất bật trong đó, khi trở về, nhà không khác gì ổ chuột với quần áo và rác rưởi. Có lẽ mình cần phải nhìn nhận lại cuộc hôn nhân này” - Hiền chốt lại đầy chua sót.
Nghiện facebook
Không đơn thuần chỉ là nghiện chơi game như chồng Hiền, vợ Khanh (Q.Bình Thạnh) lại có sở thích sefie (tự sướng) bất cứ khi nào và ở đâu, với ai. Bởi vậy mới có bao chuyện dở khóc dở cười.
Tết năm ngoái, Khanh đưa vợ con về quê ở Đồng Nai ăn Tết cùng bố mẹ. Ngay sáng Mồng 1, khi sửa soạn xong mâm cơm cúng Tổ tiên, chưa kịp nhang khói, vợ Khanh đã nhanh tay đưa điện thoại làm vài kiểu ưỡn ẹo trước ban thờ, rồi đưa lên fecebook với câu status: “Mùng 1 cúng ông facebook”, khiến bố mẹ Khanh được phen nóng mắt.
Bố mẹ chồng nhỏ to với nhau, vợ Khanh cũng lén chụp được bức ảnh đăng lên facebook. Vài phút sau, cả nhà biết chuyện, ông bà tự ái giận vợ chồng Khanh đến cả tháng.
Con đau con ốm, gọt hoa quả cứa vào tay, mua bộ quần áo mới, đi đám hiếu đám hỉ, vợ Khanh cũng không quên “tự sướng”. Khanh có nói nhiều vợ cũng chỉ được vài bữa rồi đâu lại vào đấy.
Rồi chưa kể, sau mỗi lần về quê chồng là mỗi lần vợ Khanh kể tội trên face. Nào là chuyện em chồng lười, việc gì cũng đùn chị dâu làm. Nào chuyện bố mẹ chồng nhà quê, không tâm lý, chăm cháu theo kiểu ngày xưa. Nào chuyện hàng xóm tám chuyện… Đến mức có lần mẹ Khanh đã phải điện thoại lên Sài Gòn cho anh, kêu anh dạy lại vợ ăn nói cho tử tế kẻo bà con họ cười chê. Cũng vì chuyện đó mà vợ chồng Khanh lục đục suốt cả tuần lễ.
Đó là chưa kể chuyện vợ chồng, bất kể chuyện gì, dù lớn dù nhỏ, dù ngọt lành hay đắng đót, vợ Khanh thường không nhỏ to với chồng mà ngay lập tức hấm hức trên facebook, không quên dòng trạng thái cảm xúc rất khó ưa như: cảm thấy khó ở trong người, cảm thấy đắng lòng, cảm thấy bức xúc…
Những lúc như thế nào, là bạn bè lại hỏi chuyện, lên cơ quan bạn bè cũng hỏi chuyện, rồi họ hàng ở quê điện hỏi. “Ba cái chuyện vợ chồng mà để cả bàn dân thiên hạ biết, người hiểu chuyện thì thông cảm, người không hiểu thì họ kêu làm trò, không ở được thì giải tán. Đưa lên facebook chẳng giải quyết được gì, chỉ khiến người ta cười chê. Thật không ra làm sao” - Khanh thở dài tâm sự.
Ghen tuông quá đà
Trong thời đại công nghệ, mọi thứ đều mong manh dễ vỡ thì có lẽ thứ dễ tổn thương nhất lại là tình cảm vợ chồng. Điều quan trọng là người trong cuộc phải biết đâu là điểm dừng.
Hùng làm trong một công ty nước ngoài, thường xuyên phải đi tiếp khách. Có lần dẫn đối tác nước ngoài đi ăn, trong đó có một cô thư ký rất khả ái. Người nước ngoài họ rất lịch thiệp, cô thư ký đó thay mặt đoàn tặng hoa cho bên Hùng và Hùng là người đại diện nhận.
Tấm ảnh đó sau được đăng lên facebook. Chỉ một tích tắc sau, vợ Hùng đã làm “cơn mưa” cuộc gọi và tin nhắn với đầy những lời lẽ ghen tuông, oán trách. Khi Hùng về đến nhà, vẫn thấy vợ đang vật vã khóc lóc và dọa ly hôn vì không chịu được người chồng trăng hoa.
Chưa hết, bạn bè ở cơ quan của Hùng, vợ đều nắm hết và kết bạn. Hằng ngày, vợ vào facebook của từng người để kiểm tra, đặc biệt là trong những dịp liên hoan. Có lần cô bạn đồng nghiệp trong một dịp liên hoan công ty bị say nên Hùng tiện đường đưa về.
Hôm sau, cô bạn đăng lên facebook lời cảm ơn. Vậy là bão tố lại nổi lên trong gia đình Hùng, cô bạn đồng nghiệp còn bị vợ Hùng khủng bố tinh thần. Đến mức Hùng phải thay mặt vợ xin lỗi bạn.
Trong cơ quan, mọi người cũng sợ ảnh hưởng đến gia đình Hùng nên hạn chế đưa Hùng vào những cuộc vui. Vậy nên, Hùng nói, đôi lúc thấy mình như người thừa ngay giữa cơ quan cũng chỉ vì thói hay ghen tuông vô cớ của vợ.
Không chỉ dừng lại ở đó, vợ Hùng còn quản lý facebook của chồng rất chặt chẽ. Mọi nhất cử nhất động của Hùng đều bị vợ săm soi, bới móc. Công việc áp lực, Hùng than mệt mỏi, vợ cũng suy diễn ra anh có bồ nên mệt mỏi với gia đình.
Có lần trong cuộc nói chuyện với bạn trên facebook, một cậu bạn cũ hỏi Hùng khỏe không và nói hôm trước đi café với Thi và em có hỏi thăm mày. Ngay lập tức, Hùng bị vợ truy vấn rằng em Thi là em nào, tình cũ phải không, em còn lưu luyến đó. Mà thực tình, Hùng chỉ nhớ mang máng Thi là cô bé học cùng trường ngày xưa. Chỉ vậy thôi mà gia đình Hùng “tanh bành” mất mấy ngày.
Với Hùng, công nghệ phát triển mừng đâu chưa thấy, chỉ thấy cuộc sống ngày nào cũng như đống lửa, thấp thỏm xem động thái của vợ.