Quyết giữ lại con kể cả khi con sinh ra bị dị tật
Lê Thị Thúy Đoan (1989) là con gái thứ hai trong một gia đình có 3 chị em ở phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội. Bố mẹ của Thúy Đoan đều là những người công nhân chân chất, hiền lành...
Chia sẻ trên VTV1, bà Nguyễn Thị Thuyên, mẹ của Thúy Đoan cho biết, khi biết tin mình có bầu lần thứ hai (tức mang thai Đoan) vợ chồng bà rất đỗi mừng vui. Nhưng không may, đến tháng thứ 3 của thai kỳ, bà bị sốt cao, phải điều trị kháng sinh. Bác sĩ đã khuyên vợ chồng bà nên bỏ thai bởi có thể đứa trẻ sinh ra sẽ bị dị tật nhưng ông Lê Văn Công (bố Đoan) nhất quyết vẫn giữ lại giọt máu của mình.
“Lúc đó, tôi quả quyết, con bị như thế nào thì mình vẫn chấp nhận. Dù có bị dị tật cũng nhất quyết giữ con lại chứ không bỏ”, ông Công nhớ lại.
Khi Thúy Đoan được 4 tháng tuổi, bằng cảm quan của người mẹ, bà Thuyên phát hiện con gái có những biểu hiện của người câm điếc. Bố mẹ làm gì cô bé đều có thể thấy bằng mắt nhưng lại không phản ứng lại được như những đứa trẻ bình thường. Sau nhiều lần lặng lẽ khóc một mình, bà liền tâm sự với chồng “con có triệu chứng của đứa trẻ câm điếc”.
Ngay sau đó, bà Thuyên và ông Công đã đưa con đi đến rất nhiều bệnh viện để tìm cách chữa trị, hòng có thể chữa lành bệnh cho Đoan. Tuy nhiên, trải qua rất nhiều lần chữa trị và châm cứu đau đớn, cô bé Đoan vẫn không thể nghe và không thể nói. Dẫu vậy, gia đình vẫn quyết tâm cho con gái đi học để biết cái chữ và không bị tách biệt với cộng đồng.
Khi đi học ở trường tiểu học Hy Vọng (trường học dành cho người khiếm thính), các thầy cô cũng cho Đoan đeo máy trợ thính và dạy cô tập nói. Dù vậy, Đoan vẫn không thể nghe và nói được nhiều. Cô thấy bản thân mình như bị bất lực trong giao tiếp và kết nối với những người xung quanh. Đoan thậm chí không thể hiểu được cả tình yêu mà bố mẹ dành cho mình bởi có một thứ rào cản ngôn ngữ vô hình “chặn” lại. Vì lo sợ con gái yếu đuối lại có hạn chế về khả năng giao tiếp, bố mẹ thường không tự tin để Đoan đi xa một mình. Điều ấy làm cho cô có đôi lúc thấy rất mặc cảm, tự ti.
Tuy nhiên, sau khi học được ngôn ngữ ký hiệu, mọi thứ gần như đã thay đổi theo một chiều hướng mới. Đoan tự tìm cách liên kết chúng với ngôn ngữ viết và dần dần, cô có thể tự tay viết được các đoạn văn bản dài. Cô có thể nói chuyện với người nghe bằng văn bản. Dẫu vậy, điều đó cũng rất hạn chế, bởi ngôn ngữ viết của Đoan chưa thật sự phong phú.
May mắn lớn nhất trong cuộc đời Thúy Đoan có lẽ là khi cô gặp được Nguyễn Thúy My, điều phối viên truyền thông của VSSE. My gặp gỡ và quen biết Đoan từ khi Đoan còn là một cô thợ may cho đến khi trở thành một giáo viên ngôn ngữ ký hiệu. Thúy My còn là người đã đồng hành cùng với Thúy Đoan trong quá trình xin visa sang dự thi Hoa hậu Điếc toàn cầu 2015 ở Czech.
“Người ta nói rằng, nếu bạn học một ngôn ngữ mới có nghĩa là bạn đã mở ra một chân trời mới. Đối với tôi, ngôn ngữ ký hiệu cũng vậy. Nó đã mang đến cho tôi những nền văn hóa và những câu chuyện rất tuyệt vời. Thúy Đoan là một trong số những người như vậy. Đoan đã thay đổi rất nhiều, từ một cô gái rất giản dị, thỉnh thoảng hay cáu kỉnh nhưng đến bây giờ Đoan đã rất tự tin, tham gia rất nhiều chương trình, sự kiện với tư cách người mẫu. Giấc mơ của Đoan đã bay xa hơn so với những điều trước đây bạn ấy mơ ước”, Thúy My tâm sự.
Đạp bằng khiếm khuyết để vươn tới ước mơ
Vốn dĩ cuộc đời rất bất công và ông trời sẽ không lấy đi của ai mọi thứ nên từ khi biết đến ngôn ngữ ký hiệu, Thúy Đoan đã bước sang một trang đời mới. Dù không thể nghe và không thể nói nhưng cô lại có một vẻ đẹp rạng ngời, sự thông minh và bản lĩnh. Ngày Thúy Đoan quyết tâm bằng mọi giá phải lên đường sang Czech tham gia Hoa hậu Điếc toàn cầu, gia đình cô đã hết sức lo lắng và cực lực phản đối.
“Tại sao bố mẹ nói chuyện được với chị và em gái mà lại không nói chuyện được với con. Tại sao con lại bị tách ra như vậy? Trước đây, lúc nào mình cũng ở quanh quẩn xó nhà và cảm thấy thất vọng về bản thân. Ngoài kia có rất nhiều người tốt nhưng chẳng ai có thể giúp được mình cả. Mình cảm thấy cực kỳ tuyệt vọng. Làm sao có thể hòa nhập được với những người kia. Mình không hiểu ngôn ngữ của họ.
Mọi người trong xã hội có những con đường thành công riêng nhưng người điếc chẳng bao giờ có cơ hội như họ cả. Nên dù khó khăn tới đâu mình cũng phải cố gắng để vượt qua và chứng tỏ người điếc cũng có thể làm được như mọi người khác trong xã hội. Khi mình quyết định dự thi Hoa hậu người điếc thế giới 2015 thì bố mẹ đã cực lực phản đối”, Thúy Đoan cho biết.
Bố Đoan lý giải rằng, sở dĩ ông bà không muốn cho con đi thi Hoa hậu Điếc toàn cầu bởi lo lắng con mình không thể nghe, không thể nói... khi sang một nơi xa lạ sẽ không biết xoay sở ra sao.
“Khi nhìn thấy quyết tâm của Đoan, vợ tôi đã động viên tôi mấy buổi tối. Cứ cơm nước xong vợ chồng lại ngồi nói chuyện với nhau. Cuối cùng, vợ chồng bảo nhau, nếu không có tiền đi chăng nữa cũng vay mượn cho con nó đi, coi như cho con đi du lịch. Khi con đoạt giải Á hậu gia đình ai cũng mừng rơi nước mắt. Chúng tôi tự hào và cả họ cũng tự hào. Như vậy là đã làm tròn được trách nhiệm của người bố người mẹ vì đã cho con đạt được ước mơ”, ông Công trút lòng.
Thuý Đoan chia sẻ: “Khi trở thành cô gái Việt Nam đầu tiên giành ngôi vị Á hậu 2 trong cuộc thi Hoa hậu Điếc toàn cầu 2015 tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc bởi vì mình đã thực hiện được ước mơ và đó còn là ước mơ của cộng đồng người điếc. Điều đó chứng minh người điếc có thể làm được, có thể trở thành niềm tự hào của quốc gia. Tôi mong có thể chia sẻ được với nhiều người, đặc biệt những người ở vùng sâu, vùng xa. Nếu chẳng may có con là người điếc thì hãy chia sẻ cùng con mình những tấm gương người điếc đã tự thay đổi cuộc sống bản thân và truyền cảm hứng cho mọi người”.
Thuý Đoan cho rằng, cuộc đời cô đã thay đổi rất nhiều kể từ khi trở thành “người nổi tiếng”. Cô sống tự tin, lạc quan và nhiều nghị lực. Đặc biệt, cô đã có thể giao tiếp với bố mẹ và mọi người xung quanh bằng ký hiệu ngôn ngữ. Cô cũng đã sải bước tự tin trên các sàn trình diễn thời trang dành cho người điếc và truyền cảm hứng cho những người có cảnh ngộ giống mình thông qua những buổi trò chuyện.
Đặc biệt, cô gái yếu đuối và tự ti ngày nào giờ luôn ngập tràn niềm vui khi trở thành cô giáo dạy trẻ ở trường Hy Vọng (Long Biên, Hà Nội) và là Phó Chủ tịch CLB Người điếc quận Long Biên. Lớn lao hơn chính là việc Đoan đã dám mơ về những hạnh phúc riêng, điều mà trước đây cô không bao giờ dám nghĩ tới.