Những điều cần biết về bệnh dại

Thời tiết nắng nóng khiến mùa hè thường xảy ra dịch bệnh dại. Người mắc bệnh này có nguy cơ tử vong cao nhưng không phải không có cách phòng tránh.

Những điều cần biết về bệnh dại

Theo thông tin trên báo Tiền phong, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm đến nay có 26 ca tử vong do bệnh dại. Dưới đây là những thông tin hữu ích giúp bạn hiểu rõ hơn cách phòng và chữa căn bệnh nguy hiểm này.

Bệnh dại được lây lan như thế nào

Bệnh dại là bệnh gây ra bởi một loại vi rút. Vi-rút dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người thông qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể con người; cũng có thể khi động vật bị dại liếm vào vết thương, vào những chỗ da người bị trầy xước, báo Infonet cho biết.

Những điều cần biết về bệnh dại - Ảnh 1

Đa số bệnh dại ở người là do chó cắn, tuy nhiên cũng có một số ít là do mèo, cầy, chó rừng, cáo, chó sói và các loại động vật ăn thịt khác cắn.

Người mắc bệnh dại khi cắn người khác có thể làm cho người đó bị bệnh dại. Những người chăm sóc bệnh nhân bị bệnh dại khi tiếp xúc với nước bọt của người bệnh có thể bị bệnh dại.

Những biểu hiện khi người bị bệnh dại

Theo chia sẻ của Infonet, sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi rút nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương. Vi rút di chuyển dọc theo các dây thần kinh tiến tới tủy sống và não phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động ở người bệnh.

Người bị bệnh dại có những biểu hiện kích động như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng; hoặc có trường hợp bị liệt dẫn tới hôn mê. Người bệnh thường tử vong sau 7 - 10 ngày.

Diễn biến từ khi bị chó dại cắn thường có 2 thời kỳ: Thời kỳ đầu: Khoảng 1 - 4 ngày, biểu hiện kín đáo và thất thường như sốt, đau đầu, mất ngủ, có cảm giác ngứa, kiến bò chỗ vết cắn; lo âu, căng thẳng.

Những điều cần biết về bệnh dại - Ảnh 2

Thời kỳ toàn phát: Lúc này người bệnh đau nhức đầu nhiều, buồn nôn, chóng mặt, lo âu cực độ, trạng thái kích thích và tăng cảm giác biểu hiện là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, mùi lạ. Ngoài ra còn có các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật, như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, nước mắt, vã mồ hôi, hạ huyết áp…

Người bệnh thường tử vong trong vòng vài ngày sau khi lên cơn dại. Ở giai đoạn này, người bệnh chỉ thoáng nhìn thấy hình ánh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng.

Vùng bị cắn - vết thương ở đầu và cổ, bộ phận sinh dục, cũng như những vết thương ở các khu vực đầu mút thần kinh như ngón tay, thường có thời gian ủ bệnh ngắn hơn do khoảng cách gần hơn cho vi rút xâm nhập vào mô thần kinh. Đối với trẻ em, thường bị cắn ở mặt nên thời kỳ ủ bệnh ngắn và diễn biến nhanh chóng, tử vong chỉ sau 2 - 3 ngày.

Cách sơ cứu khi bị chó cắn

Những điều cần biết về bệnh dại - Ảnh 3

Báo Tiền phong khuyến cáo, trong mọi trường hợp bị chó cắn phải sơ cứu vết thương bằng cách rửa dưới vòi nước sạch trong khoảng 15 phút với các chất sát trùng sẵn có như xà phòng, rượu, cồn... để giảm thiểu lượng vi rút dại. Sau đó, người bị chó cắn bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị, bởi thời gian ủ bệnh dại ở người ngắn nhất là 10 ngày, phổ biến từ 1 - 3 tháng.

Khi bị chó dại cắn, nếu không tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại, 100% người bị chó dại cắn lên cơn tử vong. Do vậy, khi bị chó, mèo cắn, cần xử trí vết thương kịp thời và đến cơ sở y tế để được tư vấn, chỉ định tiêm đúng, tránh tử vong.

Theo doisongphapluat.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.