Theo ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 30 vẫn giữ nguyên tinh thần chính là đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không dùng điểm số; những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường, giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo đó, có 4 nội dung được chỉnh sửa, bổ sung chủ yếu như sau:
KHÔNG quy định giáo viên phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục hàng tháng
Một trong những điểm mới của dự thảo Thông tư là lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra giữa kỳ với môn Tiếng Việt và môn Toán để tiếp cận với yêu cầu của trường THCS.
Dự thảo Thông tư 30 được sửa đổi, bổ sung KHÔNG quy định hàng tháng giáo viên phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Giáo viên được quyền chủ động khi nào nhận xét bằng lời, khi nào viết nhận xét vào vở hoặc sổ cá nhân cho phù hợp.
Về nội dung “Đánh giá thường xuyên”, dự thảo ghi rõ: “Đánh giá thường xuyên là hoạt động đánh giá diễn ra trong quá trình học tập, rèn luyện của học sinh, được thực hiện theo tiến trình nội dung của các môn học và các hoạt động giáo dục, trong đó bao gồm cả kiến thức, kĩ năng, thái độ và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh. Đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên và học sinh nhằm phát hiện sự thiếu hụt để hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời, phục vụ mục đích thúc đẩy, vì sự tiến bộ của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.
Về học tập, giáo viên dùng lời nói, kí hiệu, chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng, cách sửa chữa, biết những yêu cầu để nhớ, thực hiện; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết để có biện pháp giúp đỡ kịp thời.
Học sinh được tự nhận xét và tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập môn học, hoạt động giáo dục để học và làm tốt hơn.
Khuyến khích cha mẹ học sinh phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện; trao đổi với giáo viên các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp.
Về năng lực, phẩm chất: Giáo viên căn cứ vào các mức độ nhận thức, kĩ năng, thái độ thông qua biểu hiện của từng năng lực, phẩm chất của học sinh để nhận xét và có biện pháp giúp đỡ kịp thời;
Học sinh được tự nhận xét và được tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn về những biểu hiện của từng năng lực, phẩm chất để hoàn thiện bản thân;
Khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển năng lực, phẩm chất.
Theo Ban soạn thảo, nội dung sửa đổi để làm rõ hơn khái niệm và mục đích chính của đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ khác nhau, để cán bộ quản lý, giáo viên rõ hơn cơ sở khoa học tại sao nên hay không nên cho điểm.
Đồng thời, dự thảo làm rõ hơn cách thức đánh giá thường xuyên…; cách thức tổng hợp đánh giá thường xuyên, các đối tượng tham gia đánh giá thường xuyên.
Bổ sung tổng hợp đánh giá thường xuyên bằng lượng hóa
Các ý kiến đóng góp gửi về địa chỉ: Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, số 35 Đại Cồ Việt.
Một điểm mới đáng chú ý của dự thảo là bổ sung tổng hợp đánh giá thường xuyên bằng lượng hóa thành các mức A, B, C vào giữa và cuối mỗi học kỳ. Theo Ban soạn thảo, điều này nhằm giúp cha mẹ học sinh nắm bắt mức độ học tập và rèn luyện của con em.
Quy định về tổng hợp đánh giá thường xuyên trong dự thảo như sau:
Đối với các môn học, hoạt động giáo dục: Giữa và cuối mỗi học kỳ, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, chuẩn kiến thức, kĩ năng của môn học, đánh giá học sinh theo các mức:
Mức A: Nắm vững kiến thức, thành thạo kĩ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức kĩ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục;
Mức B: Nắm được kiến thức, có kĩ năng, biết vận dụng kiến thức kĩ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục;
Mức C: Chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kĩ năng, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục.
Đối với phẩm chất: Giữa và cuối mỗi học kỳ, giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, đánh giá mức độ hình thành và phát triển từng năng lực, phẩm chất của mỗi học sinh theo các mức:
Mức A: Nhận thức đầy đủ, làm tốt, hứng thú, tự tin;
Mức B: Nhận thức được, làm được, chưa thật hứng thú, chưa thật tự tin;
Mức C: Nhận thức chưa đầy đủ, chưa làm được, chưa hứng thú, thiếu tự tin.
Ban soạn thảo cho rằng, việc đánh giá thường xuyên phân chia thành các mức A, B, C là giúp giáo viên dễ dàng lượng hóa kết quả đánh giá học sinh.
Những học sinh thuộc nhóm A là những học sinh qua quan sát theo dõi thấy rõ sự vượt trội so với chuẩn kiến thức, kĩ năng.
Những học sinh thuộc nhóm C là những học sinh qua quan sát theo dõi thấy rõ có sự thiếu hụt, chưa đạt so với chuẩn.
Những học sinh nhóm B là những học sinh đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng.
BỎ Sổ theo dõi chất lượng giáo dục
Một sửa đổi quan trọng khác trong dự thảo Thông tư là về hồ sơ đánh giá. Theo đó, hồ sơ đánh giá gồm Học bạ của học sinh và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp (thay Sổ theo dõi chất lượng giáo dục).
Giữa và cuối học kì, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả đánh giá của từng học sinh và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục. Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của các lớp được lưu giữ tại trường.
Cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả đánh giá giáo dục vào Học bạ. Học bạ được nhà trường lưu giữ trong suốt thời gian học sinh học tại trường, được giao cho học sinh khi hoàn thành chương trình tiểu học hoặc đi học trường khác.
Giáo viên có sổ cá nhân để ghi chép, theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh, lưu ý đến học sinh có những nội dung chưa hoàn thành hoặc học sinh có khả năng vượt trội; đảm bảo tổng hợp kết quả đánh giá khách quan, công bằng và khi cần thiết giải trình với cán bộ quản lý các cấp, cha mẹ học sinh.
Hướng dẫn rõ đối tượng học sinh được khen thưởng
Dự thảo Thông tư lần này quy định rõ việc khen thưởng cho phù hợp, dễ thực hiện với các trường tiểu học.
Theo đó, về khen thưởng cuối năm học, dự thảo ghi cụ thể:
Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: Có kết quả đánh giá các môn học, các năng lực, phẩm chất đạt mức A; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn đạt 9 điểm trở lên.
Học sinh hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện: Kết quả đánh giá có ít nhất 50% các môn học đạt mức A, các môn học còn lại đạt mức B; các năng lực, phẩm chất đạt mức A hoặc mức B; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên.
Học sinh có thành tích vượt trội hay có tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và được tập thể lớp công nhận.
Về khen thưởng đột xuất: Học sinh có thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc có thành tích đột xuất trong năm học.
Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
Những ưu điểm nổi bật của Thông tư 30
Đa số GV đã nhận thức rõ và thực hiện theo tinh thần, nội dung của Thông tư 30, bước đầu thay đổi phương pháp và các hình thức tổ chức hoạt động dạy học, quan tâm nhiều hơn đến hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất cho HS; đã thể hiện được sự nhiệt tình, trách nhiệm gần gũi, sâu sát, quan tâm hơn và hiểu HS hơn. Giáo viên đã biết nhận xét khích lệ những cố gắng, tiến bộ của HS đồng thời chỉ ra những hạn chế của HS và tư vấn, hỗ trợ giúp HS khắc phục sai sót, vượt qua khó khăn ngay trong quá trình học tập, rèn luyện.
Không chấm điểm thường xuyên, HS có tâm lí thoải mái, không mặc cảm, không bị áp lực về điểm số nên các em tự tin tích cực học tập, tham gia vào các hoạt động của trường, lớp; học sinh thích đi học, đặc biệt HS vùng dân tộc, khó khăn không bỏ học vì điểm số. Bước đầu các em được làm quen với việc tự nhận xét và nhận xét, góp ý bạn; biết tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ.
Đa số CBQL giáo dục từ Sở, phòng, trường tiểu học đã nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của việc đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30; có trách nhiệm quản lí, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn cho giáo viên cách nhận xét, đánh giá HS.
Đa số cha mẹ HS đã hiểu được mục đích, ý nghĩa và đồng thuận trong việc đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30; không tạo áp lực về điểm số cho con em họ, không so sánh con mình với HS khác; biết được con mình đã hoàn thành hoặc chưa hoàn thành nội dung gì, cách góp ý của giáo viên và phối hợp giúp HS hoàn thành nội dung học tập.
Môi trường giáo dục nhà trường đã dân chủ, bình đẳng, tích cực, vui vẻ, thoải mái hơn; mối quan hệ giữa giáo viên với HS thân thiện, gần gũi hơn.