Suy dinh dưỡng là gì?
Suy dinh dưỡng là sự thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết, khi tình trạng cơ thể không nhận được dinh dưỡng đúng và đầy đủ.
Abby Sauer cho biết: “Suy dinh dưỡng xảy ra khi một người không nhận đủ lượng dinh dưỡng cần thiết để sống khỏe mạnh; dù là do không ăn đủ hay ăn quá nhiều. Suy dinh dưỡng dẫn đến sự mất cân bằng trong cơ thể chúng ta và nếu kéo dài, nó sẽ gây tác động đáng kể tới sức khỏe.”
Những ai có nguy cơ bị suy dinh dưỡng?
Dù mọi người đều có thể mắc suy dinh dưỡng, nhưng một vài nhóm người vẫn có nguy cơ cao hơn. Người lớn tuổi, trẻ em và người bệnh là đối tượng dễ mắc suy dinh dưỡng vì ăn uống thiếu ngon miệng và kén chọn.. Tình trạng suy dinh dưỡng cũng vô cùng phổ biến ở bệnh nhân nằm viện, bởi cuộc chiến với bệnh tật, các ca phẫu thuật và quá trình phục hồi kéo dài luôn tác động đến sức khỏe dinh dưỡng.
Bà Sauer chia sẻ: “Suy dinh dưỡng ở người lớn tuổi là một mối quan tâm lớn. Khi bị suy dinh dưỡng, các nguy cơ trượt ngã, nhiễm trùng hay các biến chứng khác đều tăng lên. Xác định suy dinh dưỡng và can thiệp sớm là chìa khóa để giúp cho những người thân yêu của bạn luôn khỏe mạnh và giảm thiểu các biến chứng.”
Dấu hiệu và triệu chứng của suy dinh dưỡng
Một số biểu hiện của suy dinh dưỡng là giảm cân không chủ ý, ăn không ngon miệng, ốm yếu, bị thương hay có những vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe.
Triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, thiếu năng lượng và hơn thế nữa. Hãy chú ý đến những người thân yêu của bạn khi thấy quần áo hay nhẫn của họ bị rộng vì đôi khi đó lại là biểu hiện giảm cân do suy dinh dưỡng hay nguy cơ mắc suy dinh dưỡng.
Biến chứng của suy dinh dưỡng là gì?
Nếu không được điều trị, suy dinh dưỡng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Trong bệnh viện, bệnh nhân mắc suy dinh dưỡng phải đối mặt với sự gia tăng biến chứng như viêm nhiễm, chậm phục hồi, tăng nguy cơ nhiễm trùng khi phẫu thuật và nguy cơ tử vong cao hơn. Đáng báo động là một nửa bệnh nhân đang nhập viện đều mắc chứng suy dinh dưỡng.
Làm thế để phòng ngừa suy dinh dưỡng?
1. Chú ý đến chế độ ăn uống
Hãy đảm bảo bữa ăn cân bằng, gồm đầy đủ lượng chất đạm, chất béo và tinh bột. Người lớn tuổi thường cần nhiều đạm để chống lại sự mất cơ tự nhiên do lão hóa. Hãy trao đổi với bác sĩ, hoặc các chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống của mình để đảm bảo rằng bạn đang hấp thụ dinh dưỡng đúng cách.
2. Quan tâm đến những người thân yêu
Hãy lưu ý nếu người thân có ai bị giảm cân không chủ ý hoặc thiếu năng lượng, cảm giác mệt mỏi, chán ăn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, công việc...
3. Ưu tiên dinh dưỡng khi nhập viện
Nếu phải nhập viện, hãy đặt dinh dưỡng lên hàng đầu và trao đổi với các chuyên gia y tế để đảm bảo rằng bạn có một chế độ dinh dưỡng tốt trong suốt thời gian nằm viện và ngay cả khi đã ra viện.
Với sự quan tâm đúng cách tới dinh dưỡng, bạn có thể duy trì sức khỏe và giảm nguy cơ mắc suy dinh dưỡng cho mình và cả những người thân yêu. Hãy ghé thăm trang web www.nutritionmatters.com để nhận được nhiều thông tin hữu ích hơn.
Dinh dưỡng đúng chính là nền tảng cho sức khỏe tốt, là điều kiện tiên quyết để mọi người ở mọi độ tuổi có thể có cuộc sống trọn vẹn nhất. Chuyên mục “Dinh dưỡng cho cuộc sống trọn vẹn” do Báo Sức khỏe & Đời sống kết hợp với Abbott Việt Nam - công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu thực hiện sẽ giới thiệu những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về dinh dưỡng, những kiến thức hữu ích về thực hành dinh dưỡng trong cuộc sống và điều trị bệnh, bao gồm các chủ đề dinh dưỡng cho phụ nữ; bà mẹ và trẻ em; dinh dưỡng cho người lớn tuổi và người bệnh; dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe.