Những “gạch đầu dòng” không thể thiếu với công tác chủ nhiệm

GD&TĐ - Để có được quả ngọt và những mùa vàng bội thu, công tác giáo viên chủ nhiệm luôn khiến những giáo viên tâm huyết với nghề hẳn không khỏi những băn khoăn trăn trở.

Những “gạch đầu dòng” không thể thiếu với công tác chủ nhiệm

Để đào tạo các thế hệ học sinh thành những chủ nhân tương lai của đất nước, giúp các em rèn luyện thể chất, tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh, hoàn thiện nhân cách, người giáo viên chủ nhiệm luôn đóng vai trò hạt nhân quan trọng.

Giáo viên chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm thực hiện mọi quyết định của hiệu trưởng đối với cả lớp và các thành viên trong lớp. Giáo viên chủ nhiệm là người vạch kế hoạch, tổ chức cho lớp mình thực hiện các chủ đề theo kế hoạch đồng thời theo dõi, đánh giá việc thực hiện của  học sinh.

Lập kế hoạch công tác chủ nhiệm lớp

Để công tác chủ nhiệm đạt kết quả như mong muốn đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm phải lập kế hoạch chủ nhiệm lớp.

Xây dựng kế hoạch chủ nhiệm lớp, người giáo viên chủ nhiệm cần chú ý bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch công tác giáo dục của trường, của ngành; đặc điểm tình hình lớp, số lượng, mặt mạnh,mặt yếu, thuận lợi, khó khăn, học sinh có năng khiếu về các lĩnh vực, học sinh cá biệt; đặc điểm gia đình học sinh.

Sau khi nắm các cơ sở trên, giáo viên chủ nhiệm lập kế hoạch hoạt động cho năm học, cơ cấu lớp, mục tiêu phấn đấu (học tập, nề nếp, các phong trào khác) biện pháp thực hiện. Từ kế hoạch cả năm giáo viên chủ nhiệm lần lượt lập kế hoạch tháng, tuần.

Lựa chọn và phân công nhiệm vụ cho Ban cán sự lớp

Lựa chọn Ban cán sự lớp là khâu cực kì quan trọng góp phần đưa phong trào của lớp phát triển theo hướng tích cực. Ban cán sự lớp là những hạt nhân nòng cốt, là đầu tàu trong tất cả các công việc.

Không phải khi nào giáo viên chủ nhiệm cũng có mặt trên lớp, do đó Ban cán sự lớp chính là đại diện cho lớp, chịu trách nhiệm trước giáo viên chủ nhiệm. Làm tốt khâu này sẽ quyết định một nửa thành công trong công tác chủ nhiệm của người giáo viên.

Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh

Nhằm nâng cao nhận thức và tạo điều kiện cho học sinh tham gia tích cực các phong trào hoạt động cũng như để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên chủ nhiệm, trong phiên họp phụ huynh đầu năm nên phổ biến cho phụ huynh nội dung các phong trào, nêu rõ tình hình lớp chủ nhiệm, những nội dung cần sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh.

Để tiện việc trao đổi thông tin, tránh đi lại nhiều, giáo viên chủ nhiệm đề nghị phụ huynh cung cấp số điện thọai liên lạc và lập thành danh bạ điện thoại cho lớp, cung cấp số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm, của trường để phụ huynh tiện liên hệ khi cần thiết; chủ động tiếp xúc với gia đình học sinh đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, tạo sự gần gũi, thân thiện, giúp học sinh tự tin và yên tâm hơn trong học tập và rèn luyện.

Đặt trọng tâm vào vai trò đoàn kết của tập thể lớp

Các hoạt động của tập thể lớp luôn luôn đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành viên trong lớp. Do đó để xây dựng tập thể đoàn kết, xây dựng phong trào thi đua của lớp, giáo viên chủ nhiệm cần nêu cao truyền thống học tập của trường, của lớp ở những năm học trước, từ đó có tác dụng cổ vũ, khích lệ các em vươn lên để giữ vững truyền thống đó; phát huy năng lực của các thành viên tích cực trong lớp;

Đề ra tiêu chí thi đua đầu năm học, tổ chức tổng kết đánh giá hàng tuần, hàng tháng, tuyên dương khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào thi đua.

 Tăng cường vận động, thuyết phục, kích thích lòng nhiệt tình, sự say mê hoạt động đồng thời nhắc nhở, uốn nắn kịp thời những học sinh có hành vi chây lười làm ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục chung.

Kết hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể khác trong nhà trường

Bên cạnh đó giáo viên chủ nhiệm cần chú ý rèn luyện đạo đức, tác phong của bản thân, nêu cao trách nhiệm với công tác, với học sinh, đi đầu trong các phong trào;  luôn đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động một cách sáng tạo để tạo không khí vui vẻ, tạo sự đoàn kết trong tập thể lớp; kết hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể khác trong nhà trường để tạo sự đồng bộ trong khi giáo dục, nâng cao chất lượng của các phong trào lớp.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại có những tác động không nhỏ tới ngành giáo dục, do đó công tác chủ nhiệm lớp đặt trên vai của người giáo viên ngày càng nặng nề. Song dù thế nào trọng trách giáo dục đào tạo người học vẫn luôn đòi hỏi mỗi người thầy, người cô tình yêu, sự tâm huyết đối với nghề.

Theo Cổng TT Vĩnh Phúc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ