(GD&TĐ) - Theo quy định của ngành giáo dục, chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông mức tiết dạy trong một tuần của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên THCS là 19 tiết, giáo viên THPT là 17 tiết. Giáo viên chủ nhiệm các cấp được giảm 3 – 4 tiết/tuần. Giáo viên kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác trong nhà trường cũng được giảm 2 – 4 tiết/tuần.
Tuy nhiên, thực tế công việc chủ nhiệm lớp chiếm gấp nhiều lần thời lượng ấy: Hoạt động ngoài giờ lên lớp, lồng ghép, tích hợp dạy kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, tham gia họp hành, hội thi, phong trào, thu học phí, bảo hiểm, y tế... cùng với ngàn lẻ một nhiệm vụ không thể tránh khỏi.
Ảnh minh họa/internet |
Phụ huynh HS hiện nay không chỉ chọn trường cho con mà còn chọn cả cô giáo chủ nhiệm lớp. Có thể nói vai trò của GV chủ nhiệm rất quan trọng với sự phát triển, tiến bộ của HS cũng như tâm lý của cha mẹ HS.
Ngoài giảng dạy, GV chủ nhiệm phải quản lý Quỹ hội phụ huynh, tham gia phong trào, đề ra phương hướng để các em hoạt động. Chưa kể một tuần GV chủ nhiệm phải có hai tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp và… viết giáo án.
Hằng ngày trong tuần, GV chủ nhiệm đều phải theo dõi các hoạt động của các em về nề nếp, học tập, lao động, hoạt động ngoại khóa.v.v… Muốn biết xem cụ thể từng em trong lớp như thế nào, bắt buộc giáo viên chủ nhiệm lớp phải tìm hiểu hoàn cảnh của từng em để kịp thời góp ý uốn nắn các em đi đúng hướng. Làm được điều đó, người giáo viên chủ nhiệm phải có cái tâm yêu trò và yêu nghề thì mới có thể bám sát được học trò của mình. Học sinh ở lứa tuổi THPT tâm lý phát triển không ổn định, các em luôn cho mình đã lớn, đã biết hết mọi điều nên cha mẹ và giáo viên không khéo léo thì các em sẽ không nghe theo, nếu các em có nghe theo thì cố gắng chịu đựng vì sự bắt buộc chứ trong tâm các em không phục. Mà điều đó thì hết sức nguy hiểm.
Một cô giáo đã từng chia sẻ: “Điều khiến giáo viên e ngại nhất không phải là công việc mà là áp lực tinh thần. Nhiều học sinh bây giờ chẳng sợ gì, đi học như học hộ bố mẹ, hộ giáo viên. Điểm kém cũng chẳng sợ, ghi tên cũng không ngại. Có học sinh mời bố mẹ đến trường cũng không biến chuyển, nếu GV chủ nhiệm không kiềm chế được mà có bất cứ hành động, lời nói nào không hay thì hậu quả là khôn lường. Nếu không có lòng kiên nhẫn thì không thể làm công tác chủ nhiệm được”.
Có thể nói giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh ngày càng nặng trên vai giáo viên chủ nhiệm. Bộ môn giáo dục công dân cung cấp cho các em những kiến thức và chuẩn mực đạo đức. Còn việc hướng dẫn các em thực hành, biến những kiến thức chuẩn mực đó thành kỹ năng, phong cách sống lại thuộc về giáo viên chủ nhiệm.
Nói như vậy không phải để phủ nhận vai trò kết hợp của các giáo viên bộ môn. Nhưng việc giáo viên bộ môn có thể phối hợp chỉ là ghi tên những em học sinh vi phạm vào sổ đầu bài để giáo viên chủ nhiệm giải quyết. Giờ giải lao, giáo viên chủ nhiệm chưa kịp nghỉ ngơi, thế nào cũng có thầy cô bộ môn này, bộ môn khác đến “kể tội” học trò của mình. Những giờ có tiết bộ môn mình phụ trách, nhiều giáo viên chủ nhiệm tranh thủ giải quyết những vấn đề của lớp học. Khi tiếng chuông báo hiệu hết giờ, giáo viên chủ nhiệm phải tranh thủ gặp riêng ban cán sự lớp để nghe báo cáo về tình hình lớp học trong ngày… Thậm chí, tại nhiều trường, giáo viên chủ nhiệm kiêm cả công việc “dạy kèm”.
Thiết nghĩ, trên cơ sở xác định phẩm chất và năng lực của GV chủ nhiệm lớp, cần chú ý đến các điều kiện để người GV có thể làm công tác chủ nhiệm hiệu quả như: Tăng số tiết chủ nhiệm lớp cho GV, tăng thời lượng thực hành, thực tập về công tác chủ nhiệm trong trường sư phạm... Tổ chức thi GV chủ nhiệm giỏi các cấp và có chế độ khen thưởng, tôn vinh GV chủ nhiệm giỏi tạo động lực nghề nghiệp cho giáo viên; Phát hành tài liệu tham khảo để giúp GV làm tốt công tác chủ nhiệm.
Hải Đăng