Những cuộc viếng thăm đậm nghĩa tình

GD&TĐ - Câu ca “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy” tưởng chừng đã xưa cũ trong thời đại công nghệ số, thế nhưng, vẫn có những chuyến trở về của lòng biết ơn, sự tri ân làm ấm thêm tình nghĩa thầy trò.

Thầy giáo Nguyễn Đình Hòa cùng các em học sinh do thầy chủ nhiệm lớp. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thầy giáo Nguyễn Đình Hòa cùng các em học sinh do thầy chủ nhiệm lớp. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhiều thầy cô giáo chia sẻ, cảm thấy ngỡ ngàng khi được học trò cũ ghé thăm. Với họ, có lẽ không hạnh phúc nào bằng sự tiến bộ, trưởng thành của học sinh.

Món quà ngọt ngào

Thầy Nguyễn Đình Hòa – GV Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cảm kích khi kể về tấm chân tình của gia đình một học sinh đến chúc Tết cách đây 3 năm. “Lúc đấy gia đình mình đang ở quê, học trò cùng với ba mẹ đến nhà thăm nhưng không gặp. Hôm sau, gia đình em học sinh trở lại thêm hai lần nữa rồi mới gọi điện thoại hỏi thăm bao giờ gia đình mình vào Đà Nẵng. Chỉ chừng đó thôi cũng khiến mình thấy rất ấm áp”.

Vào nghề 18 năm, thầy Hòa tâm sự: Mình đã nhận được nhiều ngọt ngào từ nghề nghiệp mang lại. Đó đôi khi chỉ là cuộc điện thoại, dòng tin nhắn của học sinh cũ thông báo với thầy về những thay đổi trong công việc, là lời chào đầy thân tình của phụ huynh khi tình cờ gặp thầy giáo cũ của con ngay giữa chợ. “Có một lần nhận quà của phụ huynh mà mình cay xè mắt nhưng không nỡ từ chối, chỉ sợ phụ huynh cả nghĩ.

Năm đó, mình làm giáo viên chủ nhiệm, lớp có một em HS nam, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hai vợ chồng mình động viên em cứ tham gia lớp học thêm, mình phụ đạo miễn phí cho em môn Ngữ văn, vợ mình dạy Anh văn. Tết năm ấy, mẹ em tới nhà biếu thầy giáo một chai dầu ăn và một gói mì chính. Món quà như là cách để phụ huynh cảm ơn thầy cô giáo đã luôn động viên, hỗ trợ con em họ trong học tập và cuộc sống”.

Thầy Hòa kể, phụ huynh lớn tuổi nhưng lúc nào cũng dạ, thưa, gặp thầy ở đâu cũng vồn vã chào hỏi. Sau khi xuất ngũ, em HS này cũng đến nhà thăm thầy, nhờ thầy tư vấn thêm trong lựa chọn nghề nghiệp. “Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để mình ý thức được rằng, dẫu ít dẫu nhiều thì mỗi năm học, mình cũng đã góp công sức vào sự hình thành tư tưởng, lối sống của một số HS nên càng phải cẩn trọng trong từng lời nói và cách sống” – thầy Hòa chia sẻ.

Thầy Phan Văn Tánh - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) kể: “Dù làm quản lý nhưng mình bao giờ cũng để tâm uốn nắn HS từ những điều rất nhỏ, như nhìn thấy một HS nào đó trang phục chưa chỉnh tề hay mang quà vặt vừa đi vừa ăn hoặc nói năng thiếu lễ phép, mình đều gọi riêng học trò đó và trao đổi với các em một cách nghiêm túc. Nhiều cô cậu học trò ban đầu tỏ ra rất khó chịu. Nhưng có một điều kì lạ là sau mỗi khóa học, nhiều cô cậu học trò ra đời đi làm việc, vào đại học từng một thời “e dè” bởi những lời răn dạy khắt khe của mình lại rất chăm viết thư, gọi điện thăm và gửi lời cám ơn thầy”.

Vào ngày cuối năm năm 2015, trước khi nghỉ hưu mấy tháng, đang loay hoay với công việc, thầy nghe tiếng gõ cửa, thấy một phụ nữ còn bận nguyên áo quần bảo hộ lao động, lóng ngóng ôm bó hoa tươi. Hỏi ra mới biết, con trai bà - một cậu học trò từng nhiều lần trái tính, trái nết bị thầy hiệu trưởng mời lên trò chuyện đang ở quân ngũ nhờ mẹ mua hoa đến tặng thầy. Nhớ lại, thầy Tánh nói: “Mình rất ngỡ ngàng và cảm động. Người giáo viên, có lẽ không hạnh phúc nào bằng sự tiến bộ, trưởng thành của học trò”.

Kỷ niệm khó quên

Thầy Nguyễn Đình Hòa cho rằng: Không như ngày xưa, mỗi làng xã chỉ có một người thầy đồ chuyên lo việc dạy dỗ, uốn nắn học trò, con đường học vấn của mỗi người vì vậy không có quá nhiều thầy. Giờ gần như mỗi năm học, HS đều được học với một GV khác nhau, “mồng Ba Tết thầy” hầu như chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng, nhắc nhở HS về công sức dạy dỗ của người thầy. “Đời mỗi người đi học đều có rất nhiều thầy cô giáo, nên giáo viên phải thực sự có dấu ấn, có sự sẻ chia, quan tâm và ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách của HS thì sẽ được HS nhắc nhớ” – thầy Hòa nhận xét.

Trong quá trình dạy học, thầy Hòa luôn giáo dục HS biết chia sẻ với những cảnh ngộ xung quanh mình, hướng các em biết quan tâm đến những gì gần gũi với đời sống hàng ngày chứ không phải là những giá trị ảo trên thế giới mạng. Những bài học nhân văn cứ thấm dần trong cô cậu học trò nhỏ từ bài giảng, câu chuyện kể của thầy giáo, qua lần đi từ thiện của lớp do thầy giáo tổ chức, đã là hạt mầm nảy nở, trở thành những câu chuyện đẹp trong ký ức tuổi hoa niên của các em.

Cô Trương Thị Ngọc Hà (GV Trường Chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng) kể: Lần nào nhận được thiếp mời đám cưới của học trò cũ cũng vui mừng đến rớt nước mắt. HS của cô Hà đều đặc biệt, nếu không bị khiếm thính thì cũng chậm phát triển trí tuệ, nên cô cũng mang nỗi niềm của người mẹ cứ âm thầm dõi theo từng biến chuyển trong cuộc đời của học trò, để làm chỗ dựa, là người tiếp sức cho các em.

Gần chục cái đám cưới của học trò, dù xa đến mấy, cô Hà cũng thu xếp để có mặt trong ngày vui của các em. Những âu lo của người mẹ khiến cô còn theo suốt các em trên những chặng đường đời. “Cứ nghe tin em nào báo đã sinh con, mình lại đến gặp ông bà đôi bên để tìm cách hỗ trợ các em chăm sóc con nhỏ làm sao để cháu có đủ điều kiện phát triển ngôn ngữ bình thường”. Cô Hà kể mà mắt đỏ hoe: “Hạnh phúc nhất của mình là các trò đều có một đến hai con và cháu nào ra đời cũng bụ bẫm, mạnh khỏe bình thường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ