Chiều 15/7, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo: Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Hội thảo nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết số 131/2024/QH15 của Quốc hội thành lập đoàn giám sát chuyên đề: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành".

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, ngành nông nghiệp và môi trường không chỉ là câu chuyện của chính quyền hay doanh nghiệp, mà các trường, viện nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng.
Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các trường, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần bổ sung nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo chính quy, từ các giải pháp phi công nghệ đến công nghệ.
Nội dung này có thể đưa vào bộ môn trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Soạn giáo trình không chỉ cho sinh viên, mà cho cả bà con nông dân. Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở, chúng ta nên nói ngôn ngữ đời thường, dễ hình dung.
Chẳng hạn, nếu phân đạm, phân lân, phân kali đực bón nhiều quá thì sẽ ra sao? Ngoài ra, các mô hình nghiên cứu phải được chuyển thành mô hình thực địa, có cán bộ khuyến nông hướng dẫn ngay tại chỗ, không chỉ tập huấn hội trường.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Trường Đại học Nông Lâm, Viện Khoa học Nông nghiệp, Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện Chăn nuôi, Viện thuỷ sản… đều có thể tham gia biên soạn cẩm nang “Mỗi nhà một giải pháp môi trường đơn giản”.
Từ thực tiễn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học để chuyển giao công nghệ cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, viễn thám trong quản lý môi trường và sản xuất nông nghiệp, tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu môi trường nông nghiệp số toàn quốc.
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, các viện, trường đại học cần đẩy mạnh nghiên cứu chuyên sâu về tài nguyên đất, nước, môi trường.
Cần sớm xây dựng bản đồ sức khỏe đất cho từng vùng sản xuất cây trồng chủ lực, từ đó đề xuất các giải pháp phục hồi và nâng cao chất lượng đất, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Với vai trò là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, Học viện luôn xác định nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là trung tâm trong chiến lược phát triển.
Học viện đang triển khai đào tạo hơn 70 ngành học ở cả 3 trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ; trong đó có các ngành mũi nhọn như: khoa học môi trường, quản lý đất đai, công nghệ sinh học, phát triển nông thôn bền vững – trực tiếp phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường.

GS.TS Nguyễn Thị Lan cho hay, giai đoạn 2015–2025, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã công bố hơn 100 sản phẩm khoa học và công nghệ được cấp văn bằng sở hữu trí tuệ hoặc công nhận tiến bộ kỹ thuật.
Nhiều công trình trong số đó hướng tới giảm phát thải, tái tạo tài nguyên, cải thiện môi trường sinh thái. Đặc biệt, Học viện đang tích cực nghiên cứu và phát triển các công cụ đo lường – báo cáo – thẩm định (MRV) phục vụ cơ chế tín chỉ carbon trong nông nghiệp – một trong những nội dung quan trọng góp phần hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam.

Ngành Khoa học cây trồng được đào tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ năm 1956. Theo đó, Học viện đã đào tạo cho đất nước hàng chục vạn kỹ sư Khoa học cây trồng. Hiện nay, nhu cầu nhân lực ngành trồng trọt có trình độ cao ngày càng gia tăng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, đất canh tác bị thu hẹp dần và dịch bệnh ngày càng phức tạp. Hơn nữa, thế giới đang từng bước tiến tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường. Do đó, để đưa nền nông nghiệp Việt Nam lên một tầm cao mới cần nhiều lực lượng lao động có trình độ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.