Tâm tình người thầy dạy trẻ khiếm thính

GD&TĐ - “Bén” duyên nghề giáo từ khi còn rất trẻ, anh yêu nghề bởi tình thương vô bờ với những đứa trẻ khuyết tật. Nhìn nét mặt ngây ngô, khờ khạo của học trò, thầy giáo Trần Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Hải Phòng tự hứa sẽ gắng phấn đấu, nguyện đem cả tuổi thanh xuân của mình để lấp đầy những khiếm khuyết, giúp học trò cất cao đôi cánh ước mơ.

Trò chuyện, vui chơi với học trò ngoài giờ lên lớp
Trò chuyện, vui chơi với học trò ngoài giờ lên lớp

Duyên với nghề

Tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải Việt Nam năm 2008 với tấm bằng cử nhân Công nghệ thông tin, anh Tùng không chọn những công việc mà chúng bạn của mình cho là “hot” nhất lúc ấy như lập trình viên hay chuyên viên quản trị mạng... Anh rẽ sang ngang và trở thành thầy giáo dạy tin học. Điều khiến bạn bè ngỡ ngàng khi biết nơi anh công tác là trường dành cho những trẻ em khiếm thính. Đã từng có nhiều người khuyên anh nên suy nghĩ kỹ về quyết định của mình.

Nhưng gần học trò, anh Tùng thấy yêu và thương các em rất nhiều. Những khiếm khuyết trên cơ thể khiến các em thiệt thòi hơn chúng bạn cùng trang lứa, anh Tùng đau đáu mình có thể giúp các em hòa nhập và tự tin với cuộc sống, học tập và công việc sau này. Không đắn đo, anh quyết định, trường là ngôi nhà thứ hai của mình. Điều mà ít ai biết đến, mẹ anh cũng từng là giáo viên dạy trẻ khuyết tật tại trường. Với anh, theo nghề là để nối nghiệp mẹ, thực hiện tiếp những ước mong, những trăn trở của mẹ với các em học sinh thân yêu.

Anh Tùng kể: Ngày còn sinh viên, thường xuyên tới trường với mẹ, tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều học sinh. Nhìn thấy những em khuyết tật học tập và sinh hoạt tại trường, thương các em lắm. Cùng được sinh ra làm người nhưng các em lại thiệt thòi hơn rất nhiều so với các bạn. Nét mặt ngây ngô, khờ khạo của những đứa trẻ tự kỷ, tăng động cứ ám ảnh trong tôi. Tôi yêu và thương chúng nhiều lắm và lại càng thương nỗi vất vả của mẹ, của thầy cô nhà trường. Rồi ước mơ là một người thầy lớn dần, vậy nên tốt nghiệp đại học tôi quyết thực hiện ngay.

Không được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ sư phạm để dạy những trẻ đặc biệt, những ngày đầu về trường nhận công tác dạy nghề tin học văn phòng cho các em học sinh khuyết tật trí tuệ khiến người thầy giáo trẻ không khỏi bỡ ngỡ, lo lắng. Nhưng rồi, với nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của các đồng nghiệp và tình yêu với nghề đã giúp anh vượt qua được khó khăn.

Nguyện gắn bó với nghề, nên anh Tùng học thêm văn bằng 2 về giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cứ chiều thứ 6, anh lại bắt xe lên Hà Nội theo học. Sau 3 năm vất vả ngược xuôi, anh có được tấm bằng giáo dục đặc biệt.

Quá trình công tác tại trường, anh Tùng được giao nhiều trọng trách khác nhau, ngoài công việc dạy văn hóa anh còn tham gia chủ nhiệm lớp, làm công tác đoàn thanh niên. Ở công việc nào anh cũng luôn năng nổ nhiệt tình, hết mình vì phong trào chung.

Những lúc rảnh rỗi, thầy trò cùng nhau chơi trò chơi, cùng trò chuyện, có khi cùng nhau gấp lại ngăn quần áo cá nhân, quét nhà, dọn dẹp, tưới cây... Thông qua đó, thầy rèn cho trò nhiều thói quen sinh hoạt, tính kỷ luật…

Yêu trẻ bằng cả tấm lòng

Tâm sự về nghề, thầy Tùng cho hay: Dạy các em học sinh bình thường đã khó, dạy các em khuyết tật còn khó khăn hơn bội phần, bởi lẽ cũng là những giáo viên, cũng đứng trên bục giảng nhưng học trò của chúng tôi lại không bình thường như bao học trò khác, các em là những em học sinh khuyết tật.

Chính vì vậy, tôi luôn dành cho các em những tình cảm yêu thương, sự thông cảm sẻ chia và dạy dỗ các em bằng tất cả tấm lòng của một người cha, người mẹ dành cho những đứa con của mình. Và niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ mà chúng tôi nhận được, là sự tiến bộ từng ngày của các em.

Cứ làm rồi thấy yêu, thấy say mê với nghề và những lúc trẻ nghỉ hè hay về gia đình, mình lại thấy trống vắng và nhớ chúng. Nhớ gương mặt của từng học sinh, thậm chí nhắm mắt lại vẫn mường tượng ra đặc điểm của từng cháu.

 
Thầy giáo Trần Thanh Tùng

Công việc mà anh Tùng cũng như những giáo viên dạy trẻ khuyết tật đang làm đòi hỏi sự cần mẫn và tâm huyết vì không đơn thuần là những công việc chăm sóc, nuôi dưỡng quản lý hàng ngày mà còn có nhiều tình huống khó khăn như: Khi các cháu ốm đau cần phải đưa đi bệnh viện, có nhiều cháu mới vào trường nhớ gia đình khóc, có em còn bỏ trốn… Công việc này khiến nhiều người ái ngại nhưng với anh Tùng, đó là niềm vui, là một phần trong cuộc sống.

Hiện nay, anh Tùng đã là Phó Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Hải Phòng nhưng ngoài công tác quản lý, anh vẫn dành phần nhiều thời gian của mình để dạy dỗ, chăm sóc học trò của mình. Anh khẳng định: “Tôi đã chọn đúng con đường đi và không bao giờ cảm thấy hối tiếc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.