Những cuộc chia ly không hẹn trước
Cách đây vài ngày, cộng đồng phượt Việt Nam xôn xao trước thông tin vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong một chuyến phượt lên Hà Giang của nhóm bạn trẻ khởi hành từ Hà Nội. Trên đường trở về, do trời mờ sương, chiếc xe máy chở 2 bạn trong đoàn đã gặp nạn khi đâm vào xe tải ở đoạn cua xuống dốc.
Vụ tai nạn khiến nữ phượt thủ người Hải Dương bị thương nặng, dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng vẫn không thể qua khỏi.
Đến thời điểm này, người bạn đồng hành cùng cô trên chiếc xe tuy đã tỉnh lại sau 3 ngày hôn mê nhưng vẫn chưa hề biết tin cô bạn đi cùng đã qua đời.
Nữ phượt thủ xấu số tử nạn trên đường phượt trong hành trình lên Hà Giang
Trước đó không lâu, vào khoảng đầu tháng 11/2014, một bạn nam sinh năm 1989 trú tại TPHCM vừa tử nạn trên đường cao tốc Thái Nguyên – Bắc Cạn khi đang cùng đoàn phượt chạy mô tô, trên đường về chiếc mô tô này đã vượt xe tải cùng chiều rồi đâm vào dải phân cách giữa đường.
Tháng 12/2013, trên cung đường đi Mộc Châu đoạn qua quốc lộ 6, Tân Lạc, gần đèo Thung Khê cũng xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc, nạn nhân là một nữ phượt thủ tên Hiền, sinh năm 1992, sinh viên Đại học Thương Mại. Hiền tham gia trong một đoàn phượt gồm 60 người với hành trình đi xe máy lên Mộc Châu.
Và còn rất nhiều những vụ tai nạn như thế đã xảy ra, còn rất nhiều phượt thủ đã vội vã ra đi, bỏ lại tuổi trẻ của mình nơi những cung đường có thể là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng họ đặt chân đến.
Con số thống kê mỗi năm trên diễn đàn phuot.vn đã cho thấy tình trạng báo động về sự gia tăng các vụ tai nạn giao thông xảy ra trong khi đi phượt, gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh, phơi bày ra những mặt trái và sự biến tướng của trao lưu du lịch vô cùng mới mẻ này.
Nguy hiểm rình rập trên đường phượt
Phượt là một hình thức du lịch mạo hiểm, trong đó ưu tiên sự trải nghiệm và tham gia của con người. Bên cạnh việc tiết kiệm tối đa chi phí, nó còn tạo động lực cho con người tự vượt qua những giới hạn của bản thân để có thể cảm nhận được cảm giác chinh phục, thỏa mãn.
Bởi vậy, để có một chuyến du lịch phượt đúng nghĩa và thành công, người đi phượt sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí là cả hiểm nguy đe dọa tính mạng.
Các cung đường đèo quanh co, địa hình hiểm trở, rừng núi, vực sâu, thiếu ánh sáng khi đêm về, sương mù dày đặc… đều có thể trở thành những yếu tố rủi ro gây ra tai nạn khi đi đường. Tai nạn thường gặp nhất là thủng săm, chết máy, trơn trượt, thậm chí tai nạn giao thông dẫn đến tử vong.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, không thiếu những vụ tai nạn xảy ra bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan là sự thiếu chu đáo trong việc chuẩn bị về sức khỏe và tư trang trước khi lên đường, không tìm hiểu kĩ về hành trình sẽ phải trải qua để chuẩn bị ứng phó với mọi tình huống.
Như trường hợp nữ sinh sinh năm 1991 có biệt danh Hanamichi, trong hành trình chinh phục cực Đông của Việt Nam, do đuối sức và thiếu hụt dinh dưỡng nhiều ngày đã bị hạ huyết áp, co giật và trút hơi thở cuối cùng ngay khi được đưa đi cấp cứu.
Sau đó 1 năm, cộng đồng phượt lại bàng hoàng trước thông tin nam sinh trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Ngọc Ánh (20 tuổi) mất tích khi chinh phục đỉnh Fansipan thì tách đoàn. Trong quá trình leo núi, khi di chuyển qua điểm nghỉ 2800m để về Trạm Tôn, những người đi cùng đã không còn nhìn thấy Ánh nữa.
Hay câu chuyện về đoàn phượt 50 người trong hành trình lên Hà Giang hồi cuối năm 2012, khi đến giữa đường đã đồng loạt nằm ra giữa ngã ba đường để… ngủ, con đường nhỏ rẽ vào làng bên quốc lộ ở Tuyên Quang, nơi thường xuyên có xe tải 5-10 tấn đi qua. Tuy không có sự cố xảy ra nhưng câu chuyện màn trời chiếu đất có một không hai này một thời làm sôi sục cộng đồng mạng.
Cả đoàn phượt 50 người ngủ ngay ngã ba đường quốc lộ ở Tuyên Quang
Anh Nguyễn Văn Khuê, người có nhiều năm phụ trách hoạt động Đội Thanh niên Tình nguyện Vận động hiến máu Hà Nội, có nhiều kinh nghiệm tổ chức, dẫn nhóm phượt cho biết:
“Nhiều người chưa đi phượt nghĩ rằng, chỉ có những người đi lần đầu mới dễ gặp nạn, nhưng trên thực tế có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm mà nạn nhân là dân phượt chuyên nghiệp, có máu mặt trong cộng đồng.
Bởi vì cho dù họ có trang bị kinh nghiệm dày dặn thế nào cũng khó có thể lường trước được tất cả mọi tình huống sẽ xảy ra. Không những thế, các phượt thủ đã tham gia một thời gian và trải nghiệm một số cung đường rồi sẽ luôn muốn khám phá, thử thách những cung đường khác nữa chứ không có giới hạn để dừng lại. Cung càng đẹp, càng nguy hiểm thì càng hấp dẫn. Và xác suất xảy ra những chuyện không may càng tăng”.
Anh Phong Vân, một trưởng nhóm phượt nổi tiếng trong cộng đồng phượt Việt Nam, người đã có nhiều kinh nghiệm dẫn đoàn phượt đi nhiều nơi cho biết, tai nạn trên đường phượt luôn ẩn họa trên mỗi con đường, nếu người dẫn đường không có sự tuyển chọn xế kĩ càng, tay lái chắc, không kiểm soát được tốc độ cả đoàn, bao quát toàn đoàn, không nắm rõ đường, không có lịch trình thời gian cho chuyến đi.
Thú chơi phượt: Đam mê hay trao lưu ?
Phượt - xu hướng du lịch mới đang được giới trẻ ưa chuộng (Ảnh minh họa)
Cùng với sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, cộng đồng phượt ngày càng tăng nhanh về số lượng, vượt qua khỏi phạm vi những diễn đàn phượt ban đầu.
Cụm từ “phượt” không còn đơn thuần chỉ là một thú chơi mạo hiểm, nó trở thành trao lưu , một thứ thành tích chứng tỏ bản thân mà giới trẻ đua nhau có được.
Một admin của diễn đàn phượt từng chia sẻ: “Cách đây vài năm, khi mạng xã hội Facebook chưa phát triển mạnh như bây giờ, các nhóm hầu như biết nhau, chủ yếu là box Du lịch - TTVNOL và diễn đàn Phuot.Vn.
Giờ trên Facebook chẳng ai có thể thống kê nổi hàng trăm Group/Nhóm tự phát đang hàng tuần hàng tháng kêu gọi rủ rê thành viên đi chơi với những "leader" non trẻ thiếu kinh nghiệm nhưng vẫn nhận đoàn lên đến hàng chục xe.
Nhiều khi trên đường thoáng bắt gặp những chiếc xe dán phản quang phía sau xe và trên mũ, chỉ thầm nghĩ mong sao họ được dẫn dắt bởi những "leader" thực sự có tâm, lo lắng an nguy và sức khỏe cho cả đoàn, để những chuyến đi khám phá những miền đất lạ mãi là những kỷ niệm đẹp chứ không phải là nỗi ám ảnh hay là vết đen, nỗi dằn vặt suốt cuộc đời còn lại”.
Bày tỏ quan điểm trước hiện trạng này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội – Viện Xã hội học) cho rằng:
“Con người ta trong xã hội hiện đại ngày nay đang có xu hướng thỏa mãn nhu cầu tự do cá nhân ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, xã hội chúng ta chưa kiểm soát, phục vụ, quản lý được những hoạt động loại này, thấp kém trong việc tổ chức thực hiện thỏa mãn nhu cầu du lịch phượt của giới trẻ.
Một yếu tố khác là những người tham gia phượt chưa chuẩn bị tốt về kĩ năng, kiến thức, các hiểu biết cần thiết để tham gia vào cuộc chơi. Trong đám đông những người đam mê, nhiều người bị lôi cuốn theo tâm lí đám đông, chứ không phải nhu cầu tự thân đích thực”.
Tuy nhiên, cho dù đang đứng trước nguy cơ bị biến tướng, mai một, thậm chí lên án, thì vẫn còn rất đông bạn trẻ hiện nay đang tích cực tìm mọi cách để chứng minh rằng, với những người đam mê phượt thực sự, đây là một nét văn hóa , một trò chơi cảm giác mạo hiểm đáng thử nhất trong cuộc đời.
Vừa trở về sau 2 chuyến phượt liên tiếp cách nhau chưa đầy 1 tháng, anh Nguyễn Văn Khuê thẳng thắn chia sẻ: “Phượt không chỉ là trao lưu nhất thời mà đang là xu hướng du lịch mới của giới trẻ, sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai.
Dù có nhiều điều chưa tích cực đang bị lên án, nhưng chỉ cần những người đi phượt tự ý thức được hành động của chính mình, chắc chắn sẽ tạo nên cộng đồng phượt lành mạnh, chuyên nghiệp. Mình ủng hộ cho hình thức du lịch này, theo mình thì giới trẻ nên trải qua ít nhất một lần trong đời”.
Anh Nguyễn Văn Khuê cùng đoàn phượt của mình trong hành trình đi Hà Giang
Những vụ tai nạn trên đường phượt - Tháng 9/2007: Bạn Minh Ngọc (nhà F50) không bao giờ trở về tại khu vực thác Bản Giốc - Cao Bằng - Tháng 2/2009: 2 bạn nhà Kỳ Diệu gặp nạn trên đường đi Bắc Cạn, Bạn Hà và 1 người nữa ra đi, còn bạn Yến chấn thương nặng phải giành giật sự sống nhiều ngày tại Việt Đức. - Tháng 10/2009: Bạn Huy Việt (nhà Fan7) ra đi trên dòng sông Hồng trong chuyến đi làng Cổ Đô - Ba Vì - Tháng 9/2010: Trong chuyến đi Tây Bắc 2 bạn Hiền và Nguyên (nhà Dìm Hàng Pro) sảy chân rớt xuống suối, bị cuốn xuống chân thác tại khu vực đèo Khau Cọ - Tháng 11/2010: Tại địa phận Cao Phong trên đường đi Mộc Châu 2 bạn nhà Trekkingfan gặp tai nạn, bạn xế bị chấn thương, còn bạn Nhung đã không qua khỏi - Tháng 10/2011: Bạn Châu (VietClimp), một thành viên du lịch nhiều kinh nghiệm đã ra đi trên đường đi Cúc Phương tham dự đại hội box Du lịch - Tháng 7/2012: bạn Hanamichi.tron (phuot.vn) qua đời vì kiệt sức trên đường trek Cực Đông Việt Nam. - Tháng 10/2012: Bạn toancbr (Nhà Nesat) gặp nạn trên đường từ Phú Thọ về HN. - Tháng 7/2013: trong 1 chuyến leo Fansipan bạn Ngọc Ánh tự ý tách đoàn trong khi di chuyển từ 2800m về Trạm Tôn và mất tích cho đến nay. - Tháng 8/2013: anh Chu Hồng Đăng (Cheetah), kẻ hộ mệnh trên đường của dân du lịch bụi đã về 1 miền xa trên đường từ Tú Lệ về HN. - Tháng 12/2013: Tại địa phận Hòa Bình, 1 xe trong đoàn phượt 60 người gặp nạn, bạn Thu Hiền ra đi ngay lần đầu tiên đi phượt, xế chấn thương sọ não. - Tháng 4/2014: Một thành viên nhóm Phượt Hà Nội ra đi, tai nạn xảy ra trên cung đường đi Lạng Sơn. - Tháng 6/2014: Một bạn trong lúc chinh phục cực Đông theo lối nhảy ghềnh đã ngã và tử vong. |