Những 'cột mốc sống' nơi cực Tây Tổ quốc

Theo tiếng gọi của Đảng, 52 năm trước có hàng trăm gia đình dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè (tỉnh Lai Châu ngày nay) đã rời quê, dắt díu nhau vượt đường rừng đến định cư gần biên giới Sín Thầu. Với cộng đồng người Hà Nhì ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), hình ảnh cha ông họ mãi là những “cột mốc sống” nơi biên cương Tổ quốc…!
Những 'cột mốc sống' nơi cực Tây Tổ quốc

Nhớ những ngày “dựng bản, lập mường”...

Kể cho chúng tôi nghe những ngày đầu người Hà Nhì từ Mường Tè chuyển về Sín Thầu huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) lập bản năm 1970, giọng ông Lỳ Xuyến Phù - người có uy tín ở bản A Pa Chải như trùng xuống.

Ông Phù kể ngắt quãng: “Năm đó, tôi vừa bước sang tuổi 12. Dù chưa thật khôn lớn song tôi đã phần nào hiểu được nỗi niềm cha mẹ và bà con nơi bản cũ trước cuộc chia tay lịch sử ấy. Đêm trước ngày chuyển cư, cha tôi cứ tay chống cằm chăm chăm nhìn bếp lửa. Mẹ tôi thì nấc nghẹn trong lòng. Nửa đêm tỉnh giấc, tôi nghe rõ lời cha an ủi mẹ: Mình theo tiếng Đảng đi lập bản mới; biên giới dẫu xa nhưng có Đảng trong lòng, Đảng sẽ chăm lo cho bà con…! Trong giấc ngủ chập chờn, tôi vẫn như nghe lời cha nhắc hai tiếng “biên giới” thân thương và trân trọng xiết bao”.

“Thế rồi, ngay khi đến bản mới (là bản A Pa Chải hôm nay), cha đã đưa anh em tôi đi dọc theo triền đồi có mốc giới và dạy: Đây chính là ranh giới quốc gia. Người Hà Nhì hay người Mông, người Dao, người Thái… đều phải có nghĩa vụ giữ gìn, bảo vệ mốc giới này vẹn toàn, bình yên”, ông Phù kể tiếp.

Nghe lời cha dạy từ ngày đó và đến tận bây giờ, mỗi chuyến đi tuần tra biên giới cùng bộ đội biên phòng hay mỗi lần đi làm nương trên biên giới, ông Phù đều đi một lượt hết các mốc để xem có hành vi nào xâm hại mốc hay không. Hàng tháng họp bản, ông đều tham gia ý kiến hướng dẫn bà con sản xuất trên biên giới đảm bảo khoảng cách. Khi đi làm nương bà con cần nắm tình hình khu vực hai bên biên, nếu thấy khác lạ thì lập tức báo chính quyền xã và bộ đội biên phòng.

Kể lại quãng thời gian đã từng tham gia tuần tra, bảo vệ mốc giới, ông Lỳ Xuyến Phù bấm đốt ngón tay và nói rằng: “Quãng 50 năm có lẻ, tôi đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng A Pa Chải tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Bây giờ, dù có nhắm mắt tôi vẫn đi được dọc đường biên và đếm được từng cột mốc trên tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào đoạn thuộc địa phận xã Sín Thầu”.

Không chỉ thế, ông Lỳ Xuyến Phù còn am hiểu phong tục, tập quán nhân dân các xã lân cận, như: Leng Su Sìn, Sen Thượng và hiểu cả tập quán của một bộ phận người dân vùng cận biên ở Trung Quốc.

Bởi vậy, mỗi lần cùng bộ đội biên phòng đi tuần tra đường biên, ông Lỳ Xuyến Phù còn dành thời gian đến từng nhà vận động, tuyên truyền người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không nghe luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu và không di cư tự do. Bản nào có việc lớn, ông Lỳ Xuyến Phù đều đến dự. Gia đình nào có việc cần đến thì ông không bao giờ từ chối. Bởi thế mà người dân các dân tộc trên biên giới Mường Nhé đều dành cho ông sự quý trọng, tin tưởng. Với họ, ông không chỉ là “cây đại thụ” mà còn là “hoa tiêu” để người dân Hà Nhì học tập, làm theo…

Những 'cột mốc sống' nơi cực Tây Tổ quốc ảnh 1
Ông Lỳ Xuyến Phù - người có uy tín ở bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) cùng bộ đội biên phòng tuần tra trên biên giới

Người dẫn chuyện...

Cũng là tấm gương tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong phong trào bảo vệ đường biên, mốc giới ở Sín Thầu, song ông Lỳ Ná Na, ở bản Tá Miếu đã dành tình yêu của mình với biên cương thật khác.

Chỉ tay về ngôi nhà nhỏ ven đường dẫn lên mốc 0 (mốc ở ngã 3 biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, được mệnh danh là nơi có một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe), ông Lỳ Ná Na cho biết: “Ngôi nhà này của gia đình để ở, chăn nuôi, sản xuất. Nhà cách mốc 0 gần 2 cây số lại nằm ven đường đi mốc nên thỉnh thoảng cũng có khách ghé thăm. Trong số những người dừng bước thăm nhà, có nhiều người vì… mệt; nhiều người vì tò mò với cuộc sống của gia chủ nơi biên cương nên họ thăm hỏi, trò chuyện”.

Những khi như thế, ông Na rất hào hứng kể về cuộc sống người Hà Nhì; kể về những cống hiến, hy sinh của người Hà Nhì, đồng bào các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc. Trước khi chủ - khách chia tay, ông Na không quên gửi khách lời mời hẹn: “Anh chị đi rồi sau lại về thăm biên cương, cột mốc!” để rồi mỗi đoàn về xuôi lại đem theo bao nghĩa tình của đồng bào trên biên giới.

Hỏi ông Na “việc nhà bận bịu thế, vậy ông đi tuần tra đường biên mốc giới khi nào?”, thì ông Na cười hiền và nói: “So với bà con trong bản, đất sản xuất của gia đình tôi gần biên giới nhất. Vì thế, mỗi ngày đi làm trên nương tôi đều đi một lượt qua các mốc giới; nếu thấy gì bất thường tôi sẽ báo tin cho bộ đội biên phòng Đồn A Pa Chải. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên cập nhật quy định mới về quản lý đường biên mốc giới để thông tin đến bà con dân bản Tá Miếu; hướng dẫn người già, trẻ nhỏ biết cách góp sức bảo vệ đường biên theo sức của mỗi người”.

Cảm ơn tình cảm, công sức của người có uy tín như các ông: Lỳ Xuyến Phù, Lỳ Ná Na, Pờ Dần Sinh… Thiếu tá Ðặng Văn Tuấn, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng A Pa Chải còn cho biết thêm: “Mỗi chuyến đi tuần có ông Lỳ Xuyến Phù, ông Lỳ Ná Na thì anh em biên phòng yên tâm lắm. Bởi các ông không chỉ nhớ từng cột mốc, đường biên mà còn hỗ trợ anh em biên phòng rất nhiều khi tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật bằng tiếng Hà Nhì đến bà con nhân dân. Nhờ đó 100% gia đình trong xã Sín Thầu đã tự nguyện ký cam kết tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo đảm an ninh trật tự. Trong đó, có bảy gia đình đăng ký tự quản 19,5km đường biên và tám cột mốc trên tuyến biên giới Việt - Trung…”.

Nguồn giaoducthoidai.vn

Nổi bật

Đừng bỏ lỡ