Những nguyên tắc phải nhớ khi giảng dạy về Halogen

GD&TĐ - Cô Đinh Thị Thu Hiền và thầy Nguyễn Văn Thắng - Giáo viên Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) - đưa ra những nguyên tắc quan trọng giúp giáo viên hoàn thành tốt các bài dạy về Halogen (Hóa học).

Những nguyên tắc phải nhớ khi giảng dạy về Halogen

Nguyên tắc 1: Tiếp thu kiến thức từ trực quan sinh động

Giảng dạy các bài về chất – nguyên tố hóa học ở bất cứ một giai đoạn nào cũng cần phải sử dụng phương tiện trực quan, thí nghiệm hóa học để truyền thụ kiến thức.

Quá trình nhận thức của học sinh thực hiện theo con đường từ trực quan sinh động đến biểu tượng và hình thành khái niệm. Chỉ từ sự quan sát các chất thực, các mẫu chất, các mô hình thí nghiệm, tranh vẽ sinh động học sinh mới có thể biểu tượng đúng đắn và hiểu đầy đủ về tính chất của các chất và quá trình biến đổi của chúng… Các kiến thức mới được khắc sâu, nhớ lâu trong trí óc học sinh.

Nguyên tắc 2: Nghiên cứu các chất trong mối quan hệ qua lại

Khi nghiên cứu các chất phải đặt chúng trong mối quan hệ với các chất khác theo sự biến đổi qua lại với nhau, không nên tách biệt chúng vì các chất chỉ thể hiện tính chất thông qua sự biến đổi, tương tác với các chất khác.

Nguyên tắc 3: Vận dụng lý thuyết để giải thích kèm thí nghiệm minh họa

Khi nghiên cứu sự biến đổi của các chất, ngoài việc dùng thí nghiệm để minh họa cho các biến đổi cần vận dụng lý thuyết chủ đạo để giải thích bản chất các biến đổi đó giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các kiến thức và thông qua đó rèn luyện các thao tác tư duy cho học sinh.

Học xong bài tính chất của chất khi đã nghiên cứu trước lý thuyết chủ đạo, giáo viên luôn đặt ra câu hỏi yêu cầu học sinh lý giải: Tại sao chúng lại có các tính chất đó? Qua giải thích, cần làm rõ mối quan hệ: Thành phần cấu tạo ↔ tính chất; tính chất của các chất ↔ ứng dụng và phương pháp điều chế

Nguyên tắc 4: Nghiên cứu sự vận động, chu trình biến hóa của các chất 

Trong khi dạy bài về chất cần nghiên cứu sự vận động, chu trình biến hóa của các chất trong tự nhiên để học sinh có những hiểu biết về cách bảo vệ môi trường thiên nhiên, xử lý sản phẩm thừa trong quá trình sản xuất.

Nguyên tắc lựa chọn nội dung kiến thức để xây dựng tình huống có vấn đề

Khi lựa chọn một nội dung kiến thức để xây dựng tình huống có vấn đề cần đảm bảo các nguyên tắc sau:

Kiến thức mới cần khám phá có tính chất không phù hợp gần như “trái ngược” với kiến thức và quy luật mà học sinh đã biết (tình huống nghịch lý bế tắc).

Các kiến thức dùng để giải thích các tính chất đặc trưng của chất và giải thích các hiện tượng thực tế, đòi hỏi phải có sự vận dụng quy luật đã có một cách tổng hợp, linh hoạt (tình huống nhân quả).

Các phương án yêu cầu lựa chọn, những cách giải quyết vấn đề, bài toán nhận thức đưa ra để học sinh lựa chọn phải có khó khăn và dường như cách giải quyết nào cũng hợp lí (tình huống lựa chọn).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ