(GD&TĐ)- Năm học mới 2012-2013 khởi động với những chuyển biến tích cực từ những thành quả sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Học sinh huyện miền núi Tiên Yên, Quảng Ninh trong ngày khai giảng |
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong tổng số khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước có 3,7 triệu học sinh mầm non; 15,1 triệu học sinh phổ thông; 0,7 triệu học sinh TCCN và 2,5 triệu sinh viên ĐH, CĐ. Số giáo viên, giảng viên là 1,2 triệu người (gồm 240 nghìn giáo viên mầm non; 830 nghìn giáo viên phổ thông; 77 nghìn giảng viên ĐH, CĐ) và 300 nghìn cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục, các cấp học, bậc học được phân bố rộng rãi trên cả nước. Đến năm học 2011-2012, tổng số trường phổ thông là 28.803 trường, trong đó 28.283 trường công lập và 520 trường ngoài công lập. Cụ thể, có 15.243 trường tiểu học; 10.223 trường THCS; 538 trường PTCS; 245 trường trung học (cấp 2-3) và 2043 trường THPT.
Cả nước có 596 cơ sở đào tạo TCCN, trong đó có 272 trường TCCN; 204 trường CĐ đào tạo TCCN; 86 trường ĐH đào tạo TCCN và 34 cơ sở khác đào tạo TCCN; 420 trường ĐH, CĐ. 41/63 tỉnh, thành phố có trường ĐH, đạt tỷ lệ 65%; 60/63 tỉnh, thành có trường CĐ, đạt tỷ lệ 95% và có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất một trường CĐ hoặc một trường ĐH (trừ Đăk Nông). Riêng hai thành phố Hà Nội và TP.HCM có 156 trường ĐH, CĐ, chiếm 38,3% của cả nước.
63/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án/kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, trong đó 9 tỉnh đăng ký hoàn thành trong năm 2012; đã chuyển đổi được 1853 trường mầm non bán công sang công lập, nhiều tỉnh, thành đã hoàn thành công việc này trong năm học 2011-2012. Số trẻ khuyết tật mầm non được học hòa nhập là 15.349, đạt tỷ lệ 62,8% tổng số trẻ khuyết tật mầm non. Có 290.000 học sinh khuyết tật tiểu học, THCS học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục phổ thông; 7583 học sinh khuyết tật học tại 106 cơ sở giáo dục chuyên biệt.
Tổ chức cho 291.020 học sinh lớp 3 của 2040 trường thuộc 50 tỉnh, thành phố có đủ điều kiện về giáo viên tiếng Anh dạy học 2 buổi/ ngày và cơ sở vật chất. Triển khai thí điểm tiếng Anh lớp 4 tại 20 tỉnh, 92 trường với 94 giáo viên và 13.000 học sinh
63/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và duy trì kết quả phổ cập giáo dục THCS, đang thực hiện phổ cập giáo dục trung học ở một số địa phương có điều kiện; trên 90% trường TCCN công bố chuẩn đầu ra các ngành đào tạo. Cả nước đã có 2828 trường mầm non, 7130 trường tiểu học, 2748 trường THCS và 378 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc mầm non đã tăng từ 6,5% (năm học 2005-2006) lên 21%; bậc tiểu học tăng từ 27,1% lên 46,68%; bậc THCS tăng từ 5,6% lên 25,31% và THPT tăng từ 4,1% lên 14,2%.
Về GDTX, đã huy động được 30,171 học viên học chương trình xóa mù chữ; 26.622 học viên học chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; 81.013 học viên học chương trình GDTX THCS; 286.077 học viên học chương trình THPT; 238.056 người học cấp chứng chỉ tin học, công nghệ thông tin truyền thông; 215.525 người học cấp chứng chỉ ngoại ngữ; 13.937.784 lượt người học chuyên đề và 318.254 người học nghề ngắn hạn.
Trên 28.000 hiệu trưởng các trường phổ thông được bồi dưỡng theo chương trình liên kết Việt Nam – Singapore; gần 200 hiệu trưởng, hiệu phó các trường ĐH, CĐ được bồi dưỡng về kiến thức quản lý và quản trị ĐH, kết hợp báo cáo chuyên đề trong nước và đi khảo sát thực tế tại các trường ĐH của Mỹ, Đức, Nhật, Úc.
Hiện nay, trên 50 tỉnh, thành phố có 294 trường PTDTNT với quy mô 80.832 học sinh được hưởng học bổng chính sách, chiếm khoảng 7,6 số học sinh dân tộc thiểu số cấp THCS và THPT của cả nước; có 21 tỉnh thành lập 401 trường phổ thông dân tộc bán trú (126 trường tiểu học, 275 trường THCS) với tổng số70.239 học sinh. Học sinh tốt nghiệp THPT các trường PTDTNT thi đỗ vào ĐH, CĐ đạt tỷ lệ gần 50%, vào TCCN, dạy nghề trên 20%.
Cả nước vẫn duy trì dạy 7 thứ tiếng dân tộc thiểu số với 688 trường, 4.764 lớp và 108.118 học sinh học tiếng dân tộc thiểu số tại 21 tỉnh.
Số giảng viên ĐH, CĐ đã tăng từ 20.112 năm 1997 lên 84.071 năm 2012 (gấp 4,2 lần); số giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 2041 lên 9126 (gấp 4,5 lần); số giảng viên có trình độ thạc sĩ từ 3802 người lên 36347 (gấp 9,5 lần), số giảng viên là giáo sư, phó giáo sư tăng từ 526 người lên 2687 người (gấp 5,1 lần).
Năm 2012, 100% thí sinh dự thi các kỳ thi Olympic quốc tế đều đoạt giải với tổng cộng 29 huy chương, trong đó có 7 huy chương vàng, 12 huy chương bạc và 10 huy chương đồng. Lần đầu tiên đoàn Việt Nam ( Hà Nội) đạt giải nhất cuộc thi học sinh thế giới về nghiên cứu khoa học kỹ thuật Intel ISEF); đội tuyển Toán trở lại top 10 nước mạnh nhất.
Thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, sau gần 5 năm thực hiện, đã triển khai xây dựng 84.294 phòng học kiến cố, trong đó 67.784 phòng học đã hoàn thành kịp thời đưa vào sử dụng; 22.792 nhà công vụ giáo viên được xây mới, trong đó có 19.507 nhà đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt khoảng 70%, số phòng học chưa kiên cố khoảng 20%, số còn lại là phòng học tạm, nhờ.
Tính đến tháng 3/2012, có 2.379.785 HSSV của 1.913.804 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi. Dự kiến cuối năm 2012 sẽ có thêm 98 khối nhà theo các dự án nhà ở cho sinh viên Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Xây dựng được hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 200.000 sinh viên (hiện đã có 153 khối nhà được hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, đáp ứng trên 130.000 chỗ ở cho sinh viên).
Hiếu Nguyễn