Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Tổng thống Mỹ Barack Obama một món quà là bức tượng đầu rồng. Đây là vật phẩm bằng gốm phủ men mang tên “Thông điệp ngàn năm”, lấy cảm hứng từ hình tượng Rồng thời Lý đã được ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Cirle Group, chịu trách nhiệm thiết kế cùng cộng sự hoàn thành sau gần 3 tháng.
Ông Tùng cho biết, trước đó, Thủ tướng ngỏ ý muốn tặng Tổng thống Obama một món quà “mang đậm màu sắc văn hóa Việt”.
"Với yêu cầu này, chúng tôi đưa ra 3 đề cử là đầu rồng, hình tượng chân đèn thời Lý và chú Tễu. Nhưng cuối cùng chúng tôi đã chọn hình tượng đầu rồng bởi trong lịch sử và truyền thuyết đều ghi rất rõ rồng là cội nguồn của người Việt, người Việt đều nhận ‘cha Rồng mẹ tiên’. Rồng Việt cũng thể hiện nền văn hóa lúa nước, biểu trưng cho mưa thuận gió hòa, thời Lý hình tượng rồng đã đạt đến đỉnh cao của sự hoàn mỹ".
Bức tượng đầu rồng thời Lý được hoàn thành sau gần 3 tháng
Chia sẻ về bức tượng đầu rồng, ông Tùng nói: “Nhiều người thắc mắc tại sao chỉ là đầu rồng mà không phải cả con rồng? nhưng thực chất trong bức tượng này đã có cả con rồng.
Mào chính là thân con rồng gấp khúc (rồng túi đặc trưng thời Lý) đồng thời chính thân rồng biểu tượng chữ ‘Lôi’ trong hán ngữ thể hiện sấm sét cầu cho mưa thuận gió hòa, thân rồng gấp khúc thể hiện cho dòng chảy sông Hồng ôm lấy toàn bộ kinh thành Thăng Long xưa.
Rồng Việt Nam từ xưa đến này đều ngậm ngọc thể hiện sự minh triết, trí tuệ trong sáng, thể hiện người Việt luôn đặt tri thức lên hàng đầu".
2 trong số nhiều bức tượng đầu rồng bị nhóm chế tác loại vì không đạt tiêu chuẩn
Có một điều thú vị ông Tùng cũng tiết lộ, trong quá trình sáng tạo bức tượng, anh rất ít khi chia sẻ hình ảnh và nếu gửi cho mọi người mình phải chụp từ dưới chụp lên. Bởi lo ngại bị coppy, làm giả nên ông phải cẩn trọng. “Ngày 27/5, khi có việc qua làng gốm Bát Tràng, tôi vô tình phát hiện có người đã đến đây tìm mua tượng đầu rồng như phiên bản tặng tổng thống”, ông nói.
Hình tượng rồng thời Lý được lựa chọn để chế tạo nhưng việc chọn chất liệu cũng khiến nhóm chế tác đau đầu. Ban đầu nhóm định dùng chất liệu đồng dát vàng vốn được người Á Đông rất chuộng nhưng quan điểm phương Tây chưa hẳn đã vậy.
Trong khi đó, qua các đợt khai quật tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) hiện vật hình tượng rồng Lý – Trần đều làm từ gốm. Nhóm chế tác đã quyết định làm song song Gốm và đồng dát vàng. Cuối cùng vật phẩm từ gốm được chọn.
Sau khi chọn gốm, nhóm lại phải băn khoăn bởi các hiện vật thời Lý Trần từ trước đến nay đều không phủ men nhưng nếu không phủ men hình tượng rồng sẽ không hấp dẫn. “Nếu phủ men thì men thời nào? màu men nào? Hoàng lưu ly (vàng), thời xưa chỉ vua chúa mới được dùng và Thanh lưu ly (xanh) đem lại sự dịu mắt, thân thiện.
"Chúng tôi quyết định làm cả 2 màu để chế tác. Sau cùng, màu men Thanh lưu ly biểu trưng cho sự hòa bình, thân thiện đã được chọn” ông Tùng cho biết thêm.
Những bức tượng đầu rồng bị loại, ở giữa là tượng được chế tác từ đồng dát vàng.
Ngày ra lò sản phẩm cuối cùng là 5/5/2016, khi chọn được sản phẩm ưng ý, nhóm chế tác bắt tay thực hiện việc thiết kế và sản xuất làm đế và hộp đựng. Chiếc đế đặt đầu rồng phải có liên hệ nhất định với phần tượng. Dù 2 vật phải có mối liên hệ với nhau nhưng chiếc đế vẫn phải thiết kế đơn giản hơn để làm nổi bật phần tượng nếu đế quá phức tạp, sẽ làm lu mờ vật chính.
Dưới đế có hai dòng chữ: “Thông điệp ngàn năm”, “Rồng thời Lý và niên đại”, mặt sau ghi lại giá trị nổi bật biểu trưng cho sự phồn vinh, sức mạnh dân tộc và sự phát triển được viết bằng tiếng Anh.
Chiếc hộp đựng cũng phải làm lại nhiều lần, lần thiết kế thứ 4 cả nhóm mới ưng ý. Hộp đựng sản phẩm bằng chất liệu mica dày 1,5cm có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu lịch sử văn hóa Việt Nam bằng hình ảnh và câu chữ ngắn gọn.
Nắp hộp có gắn nam chân để đảm bảo tính an toàn cho sản phẩm bên trong. Đi kèm hộp là găng tay để người xem có thể dùng di chuyển sản phẩm. Chiếc hộp này lại được đặt trong một chiếc hộp gỗ bọc da để tránh va đập. Khi đặt 2 hộp đặt vào nhau phải đảm bảo khít hoàn toàn và khi lắc hộp không được phát ra âm thanh nào.
Người chịu trách nhiệm chính chế tác tiếp tục chia sẻ: “Chúng tôi còn “tập dượt” nhiều lần bằng cách thả rơi tự do chiếc hộp để đảm bảo vật phẩm bên trong không bị ảnh hưởng. Đặc biệt đây là vật phẩm sẽ di chuyển sang Mỹ bằng đường hàng không”.
Một trong những chiếc hộp đựng tượng đầu rồng bị loại do không đạt yêu cầu
Ông Tùng cũng nhấn mạnh, quan điểm làm gốm của người Việt khác người Trung Quốc và nhóm chế tác đã tạo nên vật phẩm riêng biệt để người phương tây nhìn vào phát hiện đây là sản phẩm được sáng tạo bởi người Việt chứ không phải người Trung Hoa.
Ngày xưa, làng Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc) được chọn để làm đồ cho vua dùng. Những sản phẩm nào được chọn sẽ được tiến vua, đương nhiên những sản phẩm bị loại đều phải đập vỡ, nhiều khi những vật phẩm đó bị loại không phải là do lỗi, bới đó là nguyên tắc.
Chúng tôi chế tác ra bức tượng đầu rồng cũng đã phải làm rất nhiều mới chọn được bức ưng ý nhất. Ban đầu chúng tôi cũng có ý định hủy số tượng không được chọn nhưng chúng tôi lại quyết định sẽ giữ lại bởi cái được chọn là độc nhất, không thể có cái thứ 2.
Chúng tôi sẽ đem những vật phẩm còn lại tặng lại các trung tâm tín ngưỡng phục vụ cho cộng đồng. Nhưng có một điều chắc chắn chúng tôi sẽ không dùng với mục đích thương mại, dù rằng có rất nhiều người ngỏ ý muốn mua lại.
Thậm chí, một số anh em trong nhóm chế tác cũng muốn sở hữu các vật phẩm chưa đạt yêu cầu này với lý do: “Chúng ta đã góp sức làm, mối người muốn có một chút gì để lưu giữ làm kỷ niệm” Tôi giải thích rằng: “Chúng ta đã cùng nhau chế tác món quà này đó chính là kỷ niệm lớn nhất”.