Từ thời xa xưa, phất trần đã được xem là một thánh vật gắn liền với hình tượng của các đạo sĩ trong văn hóa Trung Hoa. Cũng bởi vậy mà cổ nhân khi nói tới vật dụng này vẫn thường có câu: "Tay cầm phất trần, không phải người phàm".
Thế nhưng trên thực tế, phất trần còn là đồ vật đã gắn liền với hình tượng của một tầng lớp khác trong xã hội phong kiến Trung Quốc. Đó chính là tầng lớp hoạn quan, thái giám.
Tuy nhiên điều đáng nói nằm ở chỗ, vật dụng này trong tay các thái giám lại mang những công dụng mà ít ai có thể ngờ tới. Vậy lý do nào đã khiến phất trần gần như trở thành vật bất ly thân đối với các hoạn quan Trung Hoa?
Sự thật phũ phàng về công dụng của phất trần
Vào thời xưa, thường dân bách tính cũng thường giữ trong nhà những chiếc phất trần làm từ lông thú hay sợi đay. Vật dụng này khi đó được xem như một thứ đồ dùng để đuổi muỗi hoặc lau dọn, công dụng cũng không khác biệt nhiều so với chổi lông gà.
Trên thực tế, cây phất trần thường thấy của các thái giám mặc dù có hình thức cầu kỳ hơn, tuy nhiên công dụng cơ bản nhất cũng không khác với phất trần của người bình thường là bao.
Dưới thời phong kiến, thái giám, hoạn quan chính là những người hầu hạ, chăm lo cuộc sống thường ngày cho chủ nhân. Họ cũng là những người gánh vác các công việc lớn nhỏ trong cung, mà quét dọn bụi bặm hiển nhiên cũng nằm trong số đó.
Vì thế, lý do khiến họ luôn đem theo vật dụng này bên người chính là để tùy lúc tùy thời mà quét dọn mọi ngóc ngách bên trong các cung điện.
Trên thực tế, các thái giám luôn cầm theo phất trần bên mình nhằm mục đích là phủi bụi, quét dọn. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Hơn nữa, hoàng cung là nơi có quy mô hết sức rộng lớn, nếu các chủ tử muốn đi dạo tới một nơi ngẫu nhiên nào mà ở đó chưa được quét dọn sạch sẽ thì đây cũng có thể trở thành lý do khiến tầng lớp cung nhân, nô tài mất đầu.
Đối với các thái giám thân cận bên Hoàng đế, phất trần dường như đã trở thành vật bất ly thân của họ. Bất kể là Thiên tử ngồi đâu, những người này cũng đều phải dùng phất trần để dọn dẹp cẩn thận qua một lần. Nếu họ không kịp thời lau dọn thì rất có thể sẽ phải nhận trọng tội.
Bên cạnh đó, khi Hoàng đế đứng dậy rời đi, các thái giám cũng có thể dùng phất trần để phủi đi bụi bặm trên người nhà vua. Bởi nếu trực tiếp dùng tay để chạm hoặc vỗ vào người Thiên tử sẽ bị coi là một hành động đại bất kính. (Theo QQ News).
Vũ khí đặc biệt ẩn giấu phía sau mỗi cây phất trần của các thái giám
Những cây phất trần trong tay các hoạn quan, thái giám cũng có thể dùng làm vũ khí. Tuy nhiên công dụng của loại vũ khí này lại khác xa so với tưởng tượng của hậu thế. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Ngoài công dụng cơ bản là để phủi đi bụi bặm, phất trần của các thái giám còn được xem như một loại vũ khí. Tuy nhiên loại vũ khí này không phải là thứ có thể lấy mạng người trong chớp mắt như tưởng tượng của hậu thế mà lại dùng để… trừ tà!
Theo quan niệm của Đạo giáo, phất trần thường được biết tới là pháp khí của các nhân vật thần thoại. Ví dụ tiêu biểu là chính là Thái Thượng Lão Quân – vị thần tiên luôn đem theo cây phất trần bên mình.
Cũng bởi vậy mà vật dụng ấy thường đem tới cho người khác cảm giác siêu phàm, thoát tục, thậm chí cổ nhân còn tin rằng nó có sức mạnh để trừ tà.
Vào thời cổ đại, vương thất, hoàng gia của mọi vương triều đều hy vọng rằng hoàng cung của họ sẽ luôn đầy ắp những điều cát tường, như ý.
Xuất phát từ quan niệm nói trên, giai cấp thống trị thời bấy giờ sẵn sàng làm mọi việc để tăng thêm vận may cho bản thân. Và việc để cho các thái giám cầm phất trần cũng nằm trong số đó.
Họ tin rằng, việc biến phất trần trở thành vật bất ly thân của tầng lớp này sẽ gia tăng may mắn, đồng thời còn có công dụng diệt trừ những thứ tà ma quỷ quái hoặc những điều xui xẻo.
Đây cũng là một trong những lý do khiến phất trần trở thành một thứ "vũ khí" thường gắn liền với hình tượng của các hoạn quan, thái giám Trung Hoa vào thời xưa.
Tuy nhiên thực tế là càng về giai đoạn sau này, phất trần dần trở thành một vật để thể hiện chức vị cao thấp của các thái giám mà không phải bất cứ hoạn quan nào cũng có cơ hội cầm.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng vật dụng này vốn là thứ tượng trưng cho những người đã bị cắt bỏ "của quý". Vì thế các hoạn quan luôn phải cầm bên mình để nhắc nhở về thân phận của bản thân, từ đó càng phải giữ lòng trung thành với chủ tử, không nên vọng tưởng về những thứ phù phiếm như vàng bạc châu báu hay quyền lực địa vị.