Điển cố liên quan đến hình tượng dê trong văn học

GD&TĐ - Khi sử dụng điển cố, người sáng tác thường nhắm tới mục đích lời ít ý nhiều, ngắn gọn, sâu sắc trong biểu đạt nhằm tăng cường sức biểu hiện cũng như mở rộng, đổi mới ý thơ, tạo sự hàm súc cho ngôn từ. 

Hình ảnh con dê xuất hiện khá phổ biến trong văn chương gắn liền với những điển cố
Hình ảnh con dê xuất hiện khá phổ biến trong văn chương gắn liền với những điển cố

Chỉ cần đôi ba chữ, điển cố có thể gợi cho người đọc văn bản cả một câu chuyện, một tấm gương, một bài học, một quan niệm nhân sinh. Sử dụng điển cố là một thủ pháp quan trọng trong sáng tác văn học trung đại.

Trong văn hóa phương Đông với thuyết 12 con giáp thì con dê xếp vị trí thứ tám (Mùi), mang những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Dê được xem là biểu tượng của tính ôn hòa, thuần hậu nhưng cũng không kém phần nhanh trí. Dê là con vật gắn bó với con người từ lâu. Thế nên hình ảnh con dê đã xuất hiện khá phổ biến trong văn chương gắn liền với những điển cố được vận dụng nhiều trong văn học trung đại Việt Nam.

Điển cố Tô Vũ chăn dê

Tô Vũ chăn dê là một điển cố nổi tiếng trong văn học Trung Quốc. Trong Hồng Đức Quốc Âm thi tập, các thi nhân thời Lê có hai bài thơ vịnh Tô Vũ:

Vịnh Tô Vũ

Ăn chiên chẳng quản đói cùng no,

Mười tám thu dư ở đất Hồ.

Tai đắp chẳng nghe người Vệ Luật,

Lòng bền nào khuất đứa Thuyền Vu.

Sương nghiêm bao xuể thông năm muộn,

Tuyết giáo càng cao nguyệt tháng thu.

Cờ sứ một mai về đến Hán,

Công cao vòi vọi vẽ nên đồ.

Lại vịnh Tô Vũ

Cờ sứ bền cầm một cán không,

Mười năm chẳng trễ tiết cô trung.

Đất Hồ sương tuyết gầy mình hạc,

Đền Hán ngày đêm nhớ mặt rồng.

Biển bắc xuân chầy, dê chẳng nghén,

Trời nam thu thẳm, nhạn khôn thông.

Kì lân tượng vẽ còn rành rạnh

Tôi Hán nào ai dám ví cùng?

Hai bài thơ Vịnh sử này ca tụng nhân vật Tô Vũ, một nhân vật nổi tiếng thời nhà Hán.

Ở Trung Quốc có một câu chuyện được lưu truyền rộng rãi đó là chuyện Tô Vũ chăn cừu. Chuyện kể rằng, Tô Vũ không quản khó khăn gian khổ trong môi trường khắc nghiệt, vẫn giữ được khí tiết dân tộc cao cả. Tô Vũ tên thật Tô Tử Khanh, người đất Đỗ Lăng là một bầy tôi trung của vua Hán Vũ Đế. Thời đó, nhà Hán thường bị giặc Hung Nô ở phương Bắc hay quấy nhiễu, dòm ngó. Tuy là nước lớn nhưng muốn cầu hòa, nên Hán Vũ Đế sai Tô Vũ đi sứ sang Hung Nô. Sang bên Hung Nô, vì làm phật ý vua Hung Nô (thiền vu), Tô Vũ bị bỏ vào hang, ba ngày không cho ăn để cho chết. Tô Vũ nhờ hớp những giọt sương đêm trên ngù cờ mà sống sót.

Những tác phẩm có sử dụng điển cố liên quan đến hình tượng dê

Thấy lạ, chúa Hung Nô kinh sợ, cho Tô Vũ là thần, không dám hại nữa mà đày đến đất Bắc chăn dê, giao hạn cho tới khi nào dê đực đẻ ra dê con mới được trở về Hán. Đất Bắc giá lạnh hoang vu, không có người. Tô Vũ ở nơi đi đày, ngày chăn dê, tối ngủ hang đá, thiếu thốn, cực khổ và tuyệt vọng. Gặp mùa chim nhạn thiên di về phương Nam, Tô Vũ viết một lá thư nhờ chim nhạn mang về nhà cho đỡ nỗi nhớ nhung.

Hán Vũ Đế tình cờ nhặt được thư mới biết Tô Vũ đang phải chăn dê khổ cực ở phương Bắc. Ở nơi đi đày, Tô Vũ chỉ còn biết làm bạn với cỏ cây, cầm thú và đã kết bạn với một nàng vượn người. Sau 19 năm, nhờ sự can thiệp của Hán Vũ Đế, Tô Vũ chia tay người vợ vượn trở về Hán. Chuyện Tô Vũ, với nội dung cảm động và nhiều tình tiết éo le đã là một đề tài nghệ thuật, cho nhiều tranh tượng và điệu hát dân gian. 

Trong truyện nôm Tô Công phụng sứ, khuyết danh, gồm có 24 bài đường luật, tương truyền có từ thời Mạc, thế kỷ 16, nhân chuyện Lê Quang Bí đi sứ Trung Quốc, bị nhà Minh giữ lại 18 năm ở Nam Ninh:

Bắc Hải chăn dê

Cờ sứ vững cầm một cán không,

Mười thu nghìn dặm, tiết cô trung.

Đất Hồ, sương tuyết gầy mình hạc,

Đền Hán, ngày đêm nhớ mặt Rồng.

Bể Bắc ngày chầy dê chưa đẻ,

Trời Nam nẻo viễn nhạn khôn không

Khăng khăng chẳng chuyển lời vàng đá,

Bia tạc muôn đời tượng tướng công.

Gửi thư mượn nhạn

Khôn lấy mồi thơm dỗ tiết ngay,

Cho nên lưu lạc nước non này,

Bốn mùa đắp đổi kho trăng gió,

Một áng thừa lưa lộc tháng ngày.

Chẳng những lòng vàng trên bể Bắc,

Đã nguyền đầu bạc dưới đền Tây.

Tấc niềm bộc bạch hàng thư lụa.

Phó mặc bên trời chiếc nhạn bay.

Thời Mạc Tuyên Tông, năm Mậu Thân, niên hiệu Cảnh Lịch thứ nhất (1548), Mạc Tuyên Tông cử Lê Tiến Quy làm Chánh sứ và Lê Quang Bí làm phó sứ, sang sứ nhà Minh cầu phong. Khi đoàn sứ Đại Việt đến Nam Ninh, triều Minh ngờ là quan giả mạo, bắt phải chờ để tra xét minh bạch đã, mới cho dâng lễ phẩm.

Sau đó phía nhà Minh gửi văn thư đi tra xét, nhưng chẳng có hồi âm. Chỉ có Lê Tiến Quy được về còn Lê Quang Bí cứ phải lưu tại sứ quán chờ mệnh lệnh Mạc Tuyên Tông. Lúc đó trong nước nhiều việc rối ren, quân Lê Trịnh đánh ra Bắc, chiến sự vô cùng ác liệt khiến nhà Mạc bỏ khiếm khuyết việc cống Bắc triều mấy năm liền, nên cũng không dám tâu xin.

Năm 1561, Mạc Tuyên Tông mất, con là Mậu Hợp nối ngôi. Năm 1563, quan quân Lưỡng Quảng nhà Minh mới sai người đưa Lê Quang Bí tới Bắc Kinh triều kiến vua Minh. Nhân dịp vua mới là Mạc Mậu Hợp cũng sai hầu mệnh gửi cho ông 25 lạng bạc để thưởng lạo. Khi Lê Quang Bí tới Bắc Kinh, lại bị lưu ở sứ quán thêm vài năm nữa.

Năm 1566, viên Đại học sĩ triều Minh là Lý Xuân Phương thương Quang Bí ở trong nước nhà Minh đã 18 năm, bị giữ lâu ở công quán mà vẫn giữ được mệnh chúa, nên tâu lên vua Minh nhận cống phẩm và cho ông về. Vua mới nhà Minh là Mục Tông bằng lòng theo lời của Xuân Phương, cho ông trở về nước. Người Minh ví ông như Tô Vũ đi sứ đến lúc bạc đầu mới được trở về

Điển cố Bá Lý Hề và năm bộ da dê (khúc hát “Ngũ Dương Tì”)

Bá Lý Hề là tướng nước Ngu (Trung Quốc). Nước Ngu bị Tấn cướp, Bá Lý Hề lưu lạc sang nước Sở làm kẻ chăn dê. Vua nước Tần là Mục Công biết Bá Lý Hề là người tài giỏi, sai người mang 5 bộ da dê chuộc về làm tướng quốc. Sau, Bá Lý Hề giúp Mục Công dựng nghiệp lớn. Khi Bá Lý Hề lên đường lập công danh, người vợ nghèo đưa tiễn, đến lúc làm tướng quốc mải say mê công danh quên người vợ nghèo. Nàng lên đường đi tìm chồng. Nhân Bá Lý Hề bày tiệc có ca nữ múa hầu, nàng liền cải trang làm một ca nữ vào:

Bá Lý Hề năm bộ da dê

Nhớ ngày chàng ra đi,

giết con gà mái ấp,

thổi nồi cơm gạo vàng.

Chừ nay được giàu sang, quên ta sao?

Bá Lý Hề nghe câu hát ngạc nhiên nhìn kỹ thì nhận ra là người vợ thuở hàn vi, hai vợ chồng lại đoàn tụ.

Khi Nam Kỳ mất vào tay giặc, cũng có tác giả làm bài thơ “Con dê” nhằm chỉ trích bọn tiểu nhân làm tay sai cho giặc. Bởi nặng đầu óc nô lệ, nên chúng cam lòng cúi đầu để mặc tình giặc thao túng:

Giống nai sao lại tiếng bê hê

Đứng lại mà coi vốn thiệt dê

Đực cái cũng râu không hổ thẹn

Vợ chồng một mặt hết khen chê

Sớm phơi bốn móng sân Tô Vũ

Chiều gác đôi sừng cửa Lý Hề

Bởi nó sợ trâu kia dớn dác

Cam lòng chịu buộc lịnh vua Tề

Điển cố dương trường (đường dê)

Trong Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi

đã viết:

Dương trường đường hiểm khúc co que,

Quê chợ bao nhiêu khách đẩy xe.

Phú quý treo sương ngọn cỏ,

Công danh gửi kiến cành hoè.

Phong lưu mòn mỏi ba đường cúc,

Ngày tháng tiêu ma một bát chè.

Chân chạy cánh bay ai mấy phận,

Thiên công nào có thuở tư che.

                                       (Tự thán – bài 3)

Trong câu thơ sử dụng hình ảnh: Dương trường, ruột dê, ý nói đường đèo hiểm trở chạy quanh co như ruột dê. Cũng cùng mục đích như thế khi viết về con đường quanh co, khúc khuỷu đến phủ đường của Kiều công mà nàng Kiều Nguyệt Nga phải vượt qua, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã viết:

Trải qua dấu thỏ đường dê

Chim kêu, vượn hú bốn bề núi cao.

                                        (Lục Vân Tiên)

Điển cố dương xa (xe dê)

Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, chúng ta bắt gặp điển cố có liên quan đến dê, điển cố: dương xa (xe dê):

- Phải duyên hương lửa cùng nhau

Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.

- Thâm khuê vắng ngắt như tờ

Cửa châu gió lọt rèm ngà sương gieo.

Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ

Dấu dương xa đám cỏ quanh co.

Xe dê, theo GS Nguyễn Thạch Giang chú trong Từ điển văn học quốc âm (NXB Văn hóa thông tin – 2000) là xe nhỏ do dê kéo. Điển cố dương xa (xe dê) có xuất xứ từ văn chương Trung Hoa. Ngày xưa ở Trung Hoa vào thời nhà Tần, vua Vũ Đế còn rất nhiều cung phi mỹ nữ, nên không biết chọn ai để chăn gối. Vua có một chiếc xe nhỏ khảm ngọc do dê kéo. Đêm đến, khi vua say túy lúy rồi, thì ngả mình trên xe dê, nếu dê kéo đến cung nào, thì đêm ấy vua sẽ ân ái cùng nàng cung phi đó. Có nhiều cung phi, vì chịu không nổi cảnh phòng không gối chiếc, nên bày cách rắc lá dâu (hoặc lá tre tẩm muối) trước sân nhà để dụ dê đến.

Biết rằng trúc có chờ mai

Xe dê hay đã mặn mùi dâu tre

                              (Ngọc Kiều Lê tân truyện)

____________________________

(1) Đàm Gia Kiện, Lịch sử văn hóa Trung Quốc, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.

(2) Đặng Đức Siêu, Ngữ văn Hán Nôm (tập 3), NXB Giáo dục Hà Nội,1988.

(3)Trần Đình Sử, Những thế giới nghệ thuật thơ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.

(4) Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992.

(5) Thi pháp thơ Đường, NXB Trẻ, TPHCM, 1998.

Đàm Gia Kiện, nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc cho rằng:"Dùng điển gọi là  "dụng sự", "lệ sự" là trích lấy chuyện thần thoại cổ xưa, truyền thuyết, câu nói hay thành ngữ, ca dao, ngạn ngữ cả danh ngôn, giai cú trong thơ văn, rồi gia công rút gọn thành câu ngắn, từ tổ để thay thế, khỏi phải biểu đạt trực tiếp, khiến người đọc phải liên tưởng nhiều mà thể hiện thâm ý của tác giả" (1) 
Đặng Đức Siêu, nhà nghiên cứu Hán Nôm thì quan niệm:  "Dùng điển cố là rút gọn "chuyện cũ người xưa" thành đôi ba chữ để đưa vào văn thơ, bắt những chuyện của người xưa ấy để phục vụ cho ý đồ sáng tác của mình " (2). 
Trần Đình Sử thì hiểu:  "Điển cố là các sự việc, câu chữ của tác phẩm văn học đời trước mà người đọc cũng biết, được sử dụng lại trong tác phẩm mới nhằm tăng cường sức biểu hiện, mở rộng đổi mới ý thơ " (3). 
Trong Từ điển tiếng Việt (4), viết:  "Điển cố: sự việc hay câu chữ trong sách đời trước được dùng trong thơ văn". Quách Tấn thì quan niệm: "Dụng điển là lấy sự tích nơi kinh sử đời xưa, mượn chữ mượn ý trong văn thơ cũ, trong cổ ngữ...đem vào tác phẩm để nói được kín đáo, được bóng bẩy, được gọn gàng những tình ý mà số chữ hữu hạn trong câu văn câu thơ không thể nói hết được" (5) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ