Những câu hỏi khó

GD&TĐ - Dịch Covid-19 ở nước ta đã được kiểm soát, giờ là lúc nhanh chóng phục hồi nền kinh tế sau hai năm gần như ngưng trệ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chính phủ đã có các giải pháp cho câu chuyện phục hồi này bằng các gói kích cầu, nhưng thật ngạc nhiên khi nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, rằng gói kích cầu nền kinh tế 347 nghìn tỷ đồng cho các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế… hiện vẫn đóng băng!

“Chúng ta phải bàn cho ra lẽ, vì sao lại thế này?” - Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi. Ông nói thêm: “Phải chăng là khâu chuẩn bị đầu tư? Có tỉnh mời cả cơ quan nội chính, thanh tra, công an vào Hội đồng nhưng vẫn không mua được, lạ thế? Mời hết cỡ rồi, sao không chuyển biến được thì tôi cũng không hiểu. Mong các đại biểu góp ý, hiến kế”. Quả là những câu hỏi khó!

Từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước như Tổng Kiểm toán rồi Bộ trưởng Tài chính mà người đứng đầu cơ quan lập pháp vẫn không hiểu tắc ở khâu nào khiến hàng trăm nghìn tỷ đồng của gói kích cầu hiện vẫn đóng băng để ông phải đặt câu hỏi “vì sao lại thế?” thì kể cũng lạ.

Có một thực tế là, nhiều tỉnh, thành, kể cả các bộ ngành ở Trung ương hiện nay luôn “nhìn nhau” mỗi khi triển khai xây dựng một công trình hay mua sắm một thiết bị nào đó cho cơ quan mình.

“Nhìn nhau” là bởi, ai cũng muốn an toàn khi phải đặt bút ký vào các văn bản trước khi triển khai công việc. Sự chồng chéo các quy định, thậm chí có những văn bản “hiểu sao cũng được” đã buộc các nhà quản lý phải hết sức thận trọng mỗi khi đặt bút ký vào.

Lại càng cẩn trọng hơn khi liên tục những vụ tiêu cực gần đây đã được phanh phui khiến nhiều quan chức phải vào vòng lao lý. Với những quy định chồng chéo, “hiểu sao cũng được” thì việc vi phạm pháp luật rất khó tránh khỏi.

Bên cạnh những lý do vừa dẫn, còn một lý do đã thành căn bệnh kinh niên khó chữa lâu nay, đó là các loại thủ tục rườm rà đang kìm hãm các hoạt động liên quan đến giải ngân.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA thấp. Tính 4 tháng đầu năm 2022 chỉ giải ngân hơn 18%, trong khi gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế được Quốc hội thông qua từ tháng 1/2022 thì chưa giải ngân được đồng nào.

“Hôm qua, Chính phủ mới gửi danh mục sang nhưng chỉ có tên danh mục chứ không phải là loại đã chuẩn bị đầu tư. Đặc biệt, 14.000 tỷ đồng cho lĩnh vực y tế thì chưa có danh mục nào”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chúng ta hết đi từ thái cực này sang thái cực khác, khi thì mua sắm vô tội vạ để những kẻ cơ hội và tham lam chen vào các gói thầu mua sắm thiết bị y tế dẫn đến hàng loạt sai phạm, giờ thì tiền có đó mà không ai dám đụng vào vì sợ “dính chàm”.

Việc hàng loạt địa phương đưa cả công an, nội chính, thanh tra vào Hội đồng thẩm định mua sắm trang thiết bị chẳng qua là để khỏi rơi vào tình trạng “một người chịu trách nhiệm” chứ hoàn toàn không giải quyết được vấn đề bức thiết.

Loại ra khỏi đầu chuyện tư túi khi phải xử lý “núi tiền” nói trên thì mọi câu hỏi khó sẽ được giải quyết sớm thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.