TP Hồ Chí Minh kiến nghị sớm ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp

GD&TĐ - UBND TP Hồ Chí Minh thông tin về 3 kiến nghị của TP Hồ Chí Minh đối với Trung ương. Trong đó, kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Linh Nhi.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Linh Nhi.

Chiều 12/10, Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với UBND thành phố cùng các Sở, ngành. Nội dung buổi làm việc là về thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 30/2021/QH15 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức thông tin về 3 kiến nghị của TP Hồ Chí Minh đối với Trung ương.

Thứ nhất, nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn tiến phức tạp trong giai đoạn sắp tới, thành phố kiến nghị bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở.

Cụ thể, kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút cho nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở; mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các Trạm Y tế; cơ chế chính sách cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thứ 2, kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố giai đoạn 2022 - 2025.

Thứ 3, để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do tác động của đại dịch Covid-19, nhất là các địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Hiện thực hóa thông điệp “Sống an toàn trong môi trường có dịch”

Đối với phương hướng, giải pháp các tháng cuối năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức thông tin, về công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố sẽ đa dạng hóa nguồn vắc xin, huy động mọi nguồn lực đáp ứng tỷ lệ tiêm chủng theo tiêu chí của Bộ Y tế, hướng đến bao phủ vắc xin toàn dân sớm nhất.

Thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động phát hiện, tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực có nguy cơ cao.

Ban hành quy trình quản lý và xử lý khi phát hiện F0 trong cộng đồng, trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động.

Cùng với đó, đảm bảo 100% các quận, huyện, TP Thủ Đức có kế hoạch thiết lập Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Huy động mọi nguồn lực tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà.

Đối với công tác điều trị, tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể; bố trí đủ số giường hồi sức tích cực theo tiêu chí của Bộ Y tế. Nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện (bao gồm cả các bệnh viện tư nhân); nghiên cứu thành lập “Khoa Covid” tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa.

Đồng thời, tiếp tục củng cố và phục hồi hệ thống y tế, hiện thực hoá thông điệp “Sống an toàn trong môi trường có dịch”.

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế, trong thời gian tới, thành phố tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, bình ổn thị trường, nắm bắt tình hình doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Thúc đẩy các dự án đầu tư công, tư nhân, cải cách hành chính, chuyển đổi số, tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2021.

Đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ đợt 3 cho đối tượng là người có hoàn cảnh thật sự khó khăn; triển khai các gói hỗ trợ khác từ Chính phủ và các nguồn lực phù hợp.

Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình dạy và học trực tuyến trong học kỳ 1 năm học 2021 - 2022. Chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa trường học, sẵn sàng mở lại khi đảm bảo các điều kiện an toàn về dịch bệnh.

Rà soát, đánh giá toàn diện lực lượng lao động trên địa bàn, kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp, đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất trong giai đoạn phục hồi, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ