Những câu hỏi đơn giản giúp dạy con chịu trách nhiệm bản thân

GD&TĐ - Là cha mẹ, chúng ta cần dành nhiều thời gian để suy nghĩ về những điều nên nói với con cái của mình.

Nếu muốn con chăm chỉ học bài, chúng ta cần dành nhiều thời gian để tìm hiểu về sách giáo khoa để có thể giảng giải khi cần. 

Khi cha mẹ muốn con làm điều gì đó, thì chúng ta cần đào sâu vào chủ đề ấy. Nhưng làm sao để hiểu được con nghĩ gì? Muốn gì và ý định của con ra sao? Sau đây là các câu hỏi gợi ý để cha mẹ khuyến khích hiểu hơn về con cái mình.

"Điều đó khiến con cảm thấy thế nào?"

Con cái đôi khi không gần gũi với cha mẹ, chúng thường thổ lộ cảm xúc với người ngoài, với bạn bè nhiều hơn. Điều này, một phần, bởi vì cha mẹ chưa biết cách gợi lên nỗi niềm của con. Chúng ta dường như chỉ phản biện con hơn là thông cảm. Ví dụ, con được điểm kém và ngay lập tức về nhà, cha mẹ đặt câu hỏi “làm thế nào mà lại bị điểm kém thế nhỉ?”; “con học kiểu gì mà kết quả như vậy?”.

Nếu bố mẹ cứ phản ứng như vậy thì sẽ chỉ làm cho con sợ hãi mà thôi. Khiến con cảm giác mình có vẻ kém cỏi hoặc dễ bị tổn thương. Đối với một số cha mẹ, nếu thành thật mà nói, chúng ta vẫn giữ quan điểm rằng cha mẹ thì được quyền tra xét con cái khi chúng không làm điều như mình mong muốn.

Thay vì như thế, hãy hỏi “con được điểm xấu à? Con cảm thấy điều ấy như thế nào?” – Điều này sẽ làm cho con tự suy nghĩ và tự nói ra hoặc ít nhất là tự cảm thấy bối rối trong lòng. Từ đó chúng sẽ dần điều chỉnh.

"Điều gì làm con buồn vậy?"

Dạy con chịu trách nhiệm bản thân qua những câu hỏi cơ bản (hình minh họa).

Dạy con chịu trách nhiệm bản thân qua những câu hỏi cơ bản (hình minh họa).

Đôi khi cha mẹ thấy con mình có vẻ suy tư, buồn rầu nhưng lại không đi xa hơn câu hỏi “Con có ổn không?”. Thông thường, con cái ít bộc lộ cho cha mẹ biết điều chúng đang nghĩ gì, băn khoăn như thế nào và thế là chúng chỉ trả lời cho qua “con ổn”.

Và thế là cha mẹ yên tâm, bỏ qua, rồi ai vào phòng người đó, bữa ăn thì ngồi vào bàn, xem như không có điều gì xảy ra. Thực ra, con cái luôn trông chờ vào cha mẹ, luôn mong cha mẹ là chỗ dựa cho con nhưng không phá được hàng rào định kiến của mỗi bên. Thay vì chỉ hỏi “con có ổn không?”, nên hỏi “Điều gì làm cho buồn như vậy?”; “điều gì làm cho băn khoăn thế?”; “Kể cho mẹ nghe đi, mẹ có thể giúp gì được con?”.

Cha mẹ cần thường xuyên giúp con cái của mình nhận ra và nói về những gì chúng đang cảm thấy. Con cái, đặc biệt tuổi mới lớn rất giàu cảm xúc. Chúng ta chỉ cần khuyến khích con một chút thôi là có thể gợi mở cho con bộc lộ những điều mà chúng không biết hoặc chưa biết cách ứng xử. Kiên nhẫn hơn một chút thì cha mẹ sẽ dần dần xích lại gần con hơn.

"Con định như thế nào?” “Tới đây kế hoạch của con là gì?"

Giả sử, con của bạn thi trượt môn toán. Nhiều cha mẹ phản ứng đầu tiên là sử dụng câu hỏi này khi con làm điều chưa tốt “cho con ăn học thế mà lại bị điểm kém à? Con làm gì được với điểm kém ấy?”. Và thế là con chỉ im lặng, tuyệt nhiên không muốn nói chuyện hoặc giãi bày cùng bố mẹ thêm nữa.

Thay vì như vậy, bạn cần đặt câu hỏi “Tới đây kế hoạch của con là gì để khắc phục điểm xấu?"- Đây là một câu hỏi cơ bản, một câu hỏi mạnh mẽ. Con cần hiểu rằng, việc học tập tốt hay xấu, điểm tốt hay xấu không phải là để cho bố mẹ. Mà là để cho chính con, con được tự do lựa chọn nhưng tự do đi kèm với trách nhiệm.

Con phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và phải cân nhắc hậu quả trước khi hành động. Nếu con không học tốt thì đương nhiên, hậu quả là điểm xấu và con phải là người chịu trách nhiệm với chính bản thân. Cha mẹ không đi xin điểm cho con. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cũng cần cứng rắn nhưng phải mềm mỏng, không gay gắt để không động chạm đến lòng tự ái, dễ bị tổn thương của con.

Yêu cầu con xem xét cách chúng đưa ra những lựa chọn khác nhau, giúp chúng phân tích hậu quả từng lựa chọn. Khi xem xét tác động của hành động của mình, con cần cân nhắc các cách ứng phó phù hợp trong tương lai.

Theo wellfamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ